"Giáo dục tình cảm kỹ năng xã hội" trẻ MN: Thước đo nào kiểm tra giá trị?
(Dân trí) - Trong bối cảnh dịch Covid -19, giáo dục tình cảm kỹ năng xã hội càng đóng vai trò quan trọng, giúp trẻ phục hồi tổn thương tâm lý sau biến động khủng khiếp không đáng có.
Ngày 4/11, Sở Giáo dục và Đào tạo, cấp học mầm non tổ chức bồi dưỡng chuyên đề "Giáo dục phát triển tình cảm kỹ năng xã hội cho trẻ mầm non" theo hình thức trực tuyến nhằm bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non do chuyên gia quốc tế giảng dạy.
Diễn giả tham dự Hội thảo là TS Monisha Diwan - Phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục mầm non tại Ấn Độ. Hội thảo xoay quanh các vấn đề: Tổng quan về Giáo dục phát triển tình cảm kỹ năng xã hội trong trường mầm non; vai trò của Giáo dục phát triển tình cảm kỹ năng xã hội và thực hành xây dựng kế hoạch hoạt động Giáo dục phát triển tình cảm kỹ năng xã hội cho trẻ mầm non.
Giáo dục tình cảm kỹ năng xã hội giúp trẻ phát huy năng lực
Giáo dục tình cảm kỹ năng xã hội là một quá trình mà thông qua đó, trẻ em cũng như người lớn có thể áp dụng những kiến thức, kỹ năng, thái độ để phát triển cá tính một cách lành mạnh. Từ đây, những mối quan hệ hỗ trợ sẽ được thiết lập.
Đối với riêng đối tượng là trẻ mầm non, giáo dục tình cảm kỹ năng xã hội là sự phát triển năng lực của đứa trẻ từ khi sinh ra suốt trong 5 năm đầu đời; từ đó giúp trẻ phát triển thành con người thân thiện, có mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè; đồng thời có thể điều tiết và thể hiện tình cảm phù hợp với mọi bối cảnh xã hội, văn hóa.
Trao đổi tại Hội thảo, TS Monisha Diwan cho hay, nếu được lồng ghép khéo léo vào chương trình học, giáo dục tình cảm kỹ năng xã hội sẽ tạo nên nền tảng vững chắc, tác động tích cực đến chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng.
"Trên thực tế, giáo dục tình cảm kỹ năng xã hội sẽ đem đến một đứa trẻ khỏe mạnh về cả sức khỏe thể chất cũng như tinh thần. Được giáo dục bài bản về tình cảm xã hội, trẻ sẽ phát triển toàn diện 3 nhóm năng lực: năng lực xã hội, năng lực cảm xúc và năng lực nhận thức.
Ví dụ, đối với nhóm năng lực xã hội, trẻ sẽ biết đồng cảm, tôn trọng người khác, biết hòa nhập với thiên nhiên hay khéo léo giải quyết mọi xung đột. Ở năng lực cảm xúc, trẻ biết gọi tên cảm xúc của mình, trẻ biết tôn trọng bản thân theo hướng tích cực hay biết cách thể hiện lòng biết ơn. Đối với năng lực nhận thức, những đứa trẻ sẽ biết kiểm soát cơn giận, trở nên linh hoạt, biết bày tỏ quan điểm và chính kiến.
Từ đây, giáo dục tình cảm kỹ năng xã hội sẽ đem lại lợi ích về kinh tế khi chúng ta không phải tốn quá nhiều tiền bạc cho việc chữa trị những bệnh nhân có vấn đề về mặt tâm lý.
Và đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid, giáo dục tình cảm kỹ năng xã hội càng đóng vai trò quan trọng, giúp trẻ phục hồi tổn thương tâm lý sau biến động khủng khiếp không đáng có", bà Monisha phân tích.
Bốn nguyên tắc và thang đo 6 chữ "R"
Quan niệm "Trẻ chỉ học tập tốt nhất trong môi trường mà trẻ cảm thấy an toàn; cũng như trẻ thích học thông qua các hoạt động thể chất, vui chơi", theo TS Monisha, để triển khai hiệu quả hoạt động giáo dục tình cảm kỹ năng xã hội cho trẻ tại môi trường lớp học, điều cần làm trước tiên chính là cải thiện chất lượng môi trường giáo dục.
"Điều này được thể hiện qua một số yếu tố như: chất lượng không khí, cơ sở vật chất… Bởi một môi trường trong lành, cơ sở vật chất, kỹ thuật đầy đủ, trẻ mới yên tâm học tập và giáo dục tình cảm xã hội mới đạt chất lượng cao", Phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục mầm non tại Ấn Độ nhấn mạnh.
Sau đó, các nhà trường cần chú trọng đào tạo đội ngũ giáo viên với những kỹ năng về cảm xúc, tình cảm xã hội; đồng thời cung cấp cho họ bộ công cụ để giảng dạy kỹ năng này. Giáo dục tình cảm xã hội phải là những bài học trực tiếp, có tính kế thừa, sáng tạo và rõ ràng.
Quan trọng hơn, giáo viên có thể nuôi dưỡng tình cảm kỹ năng xã hội của trẻ thông qua các hoạt động đơn giản và thiết thực, tuy nhiên cần tuân thủ theo 4 nguyên tắc và "thước đo" dựa trên mô hình 6 chữ "R".
"Về mặt nguyên tắc, nguyên tắc đầu tiên chính là ấm áp, nhạy bén và trìu mến đối với trẻ em. Theo đó, giáo viên cần cho trẻ thấy được sự ấm áp, tình yêu thương, giúp trẻ cảm thấy hài lòng về bản thân và thế giới mình đang sống. Những đứa trẻ được bao bọc bằng sự ấm áp sẽ đối xử với người khác bằng tấm lòng yêu thương.
Tiếp theo, cần sử dụng các tuyên bố tích cực để cung cấp hỗ trợ hành vi thách thức. Ở nguyên tắc này, giáo viên cần tránh câu nói mang tính tiêu cực như: "Con làm thế này là sai rồi". Lời nhận xét này khiến trẻ cảm thấy xấu hổ và tội lỗi. Thay vào đó, có thể nói "Cô biết con đang rất buồn, nhưng con không nên làm như thế".
Ngoài ra, cần xác thực cảm xúc của trẻ. Trong quá trình giáo dục trẻ, giáo viên nên cho trẻ biết rằng cảm xúc của trẻ và thật, ngay cả khi hành vi do cảm xúc của trẻ gây ra không phù hợp với lớp học. Ví dụ khi một đứa trẻ đánh bạn, giáo viên có thể nói: "Con tức giận cũng được. Nhưng thay vì đánh bạn, con hãy nói cho cô nghe về cảm xúc của con".
Cuối cùng, giáo viên cần làm mẫu cho trẻ cách mà người lớn suy nghĩ, lập kế hoạch và điều chỉnh hành vi. Nguyên tắc này được thực hiện bằng cách sử dụng lịch để theo dõi và đếm ngược các sự kiện quan trọng, hay cho trẻ tham gia vào các giải pháp xử lý vấn đề đơn giản. Ví dụ, nếu trời mưa và hoạt động vui chơi ngoài trời của trẻ bị hoãn, các cô hãy hỏi "Thay vào đó, các con có thể làm gì?" và cùng trẻ lên một kế hoạch phù hợp" - TS chia sẻ.
Về mô hình 6 chữ "R", đây sẽ sẽ là cơ sở để giáo viên cũng như nhà trường có thể lựa chọn đúng đắn những hoạt động trải nghiệm thực tiễn, phục vụ giáo dục tình cảm kỹ năng xã hội cho trẻ.
"Relationship: Người lớn cung cấp cho trẻ một mối quan hệ an toàn.
Relevant: Giáo viên cho trẻ thấy rằng hoạt động này là thiết thực và phù hợp với sự phát triển của trẻ.
Repeat: Giáo viên cần tổ chức các hoạt động này nhiều lần để trẻ cảm thấy quen thuộc.
Reward: Những hoạt động cần "đính kèm" với phần thưởng để trẻ cảm thấy được khích lệ hơn.
Rhythm: Tổ chức các hoạt động trải nghiệm độc đáo, đa dạng và uyển chuyển, phù hợp với lứa tuổi trẻ em.
Cuối cùng, là Respect: Dù bất cứ hoạt động trau dồi tình cảm xã hội nào, cũng cần hướng tới tính thần tôn trọng trẻ cũng như tôn trọng các bậc phụ huynh", bà Monisha cho hay.
Cần kiên trì và nhẫn nại
Trao đổi tại Hội thảo, có ý kiến cho rằng, thực tế, ở Việt Nam, nhiều gia đình còn có tư tưởng nuông chiều con cái. Chính điều này khiến việc duy trì các thói quen tốt mà giáo viên đã xây dựng tại trường lớp cho trẻ gặp khó khăn. Câu hỏi đặt ra là giải quyết tình huống này thế nào, giáo viên cần phối kết hợp với phụ huynh ra sao để quá trình giáo dục tình cảm xã hội cho trẻ đạt kết quả cao.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Monisha cho biết, không chỉ tại Việt Nam, mà trường hợp này còn xảy ra phổ biến tại một vài nước châu Á như Ấn Độ, Indonesia... Việc trẻ em được bố mẹ nuông chiều, thậm chí việc nuông chiều không có giới hạn đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc giáo dục tình cảm cho học sinh.
"Đứng trước tình huống này, theo tôi, trường học cần có trách nhiệm cải thiện hành vi của trẻ. Có thể không thay đổi được trẻ hoàn toàn, song cần bước đi từng bước để điều chỉnh con em.
Ngoài ra, nhà trường cần có những buổi làm việc với phụ huynh để hai bên có thể trao đổi, lắng nghe về những lợi ích cũng như bất cập lâu dài nếu cha mẹ cứ mãi nuông chiều trẻ.
Trong quá trình đối thoại với phụ huynh, giáo viên cần đưa ra thông điệp rõ ràng, rằng sẽ nỗ lực thay đổi trẻ theo hướng tích cực. Tất nhiên, cũng cần đặt ra hy vọng rằng sau cuộc đối thoại, bố mẹ cũng cần thay đổi nhận thức về việc giáo dục con.
Còn trong trường hợp khoảng cách giáo dục giữa gia đình và nhà trường quá lớn, theo tôi có lẽ cần sử dụng công cụ tự đánh giá. Nghĩa là giáo viên phản ánh hoạt động của trẻ, và phụ huynh cũng tự đánh giá trẻ khi ở nhà. Nên nhớ, chúng ta không thể ép trẻ thay đổi theo cách mà ta muốn. Thay vào đó, người lớn cần làm gương. "Dục tốc bất đạt", để điều chỉnh hành vi của trẻ, quan trọng vẫn là kiên trì và thời gian" - TS bày tỏ.