Bộ GD&ĐT giải thích nội dung sốc: "Phối hợp thí điểm thử ma túy cho HS,SV"
(Dân trí) - Bộ GD&ĐT vừa ban hành văn bản kế hoạch số 455/KH-BGDĐT về "Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021".
Mục đích của kế hoạch trên nhằm triển khai hiệu quả các nội dung công việc được giao tại Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.
Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm tệ nạn xã hội cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên.
Kế hoạch 455 bao gồm 9 nhiệm vụ khác nhau, liên quan đến công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm…
Văn bản yêu cầu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021.
Tổ chức triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ được giao bảo đảm nghiêm túc, đúng quy định, đúng tiến độ, chất lượng.
Theo đó, văn bản đề ra 9 nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhiệm vụ 4 và nhiệm vụ 8 đã gây "sốc" dư luận. Cụ thể:
Nhiệm vụ 4 yêu cầu "Phối hợp thí điểm tại một số địa phương về thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông".
Nhiệm vụ 8 yêu cầu: "Xây dựng, triển khai kế hoạch dự phòng nghiện ma túy cho thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên".
Sau khi nhận phản hồi của dư luận, ngày 19/5, Bộ GD-ĐT có văn bản số 2043/BGDĐT-GDCTHSSV do Vụ trưởng Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên Bùi Văn Linh ký về việc hướng dẫn làm rõ hơn về nội hàm một số nhiệm vụ trong Kế hoạch 455.
Theo hướng dẫn này thì nhiệm vụ số 04, cụm từ "thử ma túy" được hiểu là "xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể".
Nhiệm vụ số 08: Kế hoạch "dự phòng nghiện ma túy" được hiểu là Kế hoạch "hoạt động phòng ngừa nghiện ma túy".
Nhiều ý kiến cho rằng, cách giải thích trên của Bộ GD&ĐT chưa thuyết phục, vẫn gây hiểu nhầm.