Giáo dục New Zealand giúp trẻ phát triển từ bậc mầm non như thế nào?

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Theo Giáo sư Marek Tesar, trong hệ thống giáo dục mầm non của New Zealand, trẻ em được tôn trọng, lắng nghe và phát triển năng lực dựa trên sự sáng tạo, hứng thú của riêng mình.

Tại tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm giáo dục mầm non Việt Nam - New Zealand", tổ chức tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo sư Marek Tesar - Trưởng bộ môn Thực hành nghiệp vụ và Phát triển học tập, Phó trưởng khoa Giáo dục và Công tác xã hội - phụ trách Hợp tác quốc tế, Đại học (ĐH) Auckland, New Zealand đã có một số chia sẻ về chương trình giáo dục mầm non quốc gia của New Zealand.

Giáo dục New Zealand giúp trẻ phát triển từ bậc mầm non như thế nào? - 1
GS Marek Tesar chia sẻ về chương trình Te Whāriki tại tọa đàm (Ảnh: BTC).

Theo Giáo sư Marek Tesar, trong tiếng Maori, "Te Whāriki" có nghĩa là tấm thảm, tượng trưng cho việc đan lát. Do đó, "tấm thảm giáo dục mầm non" tại New Zealand được dệt từ sự kết hợp hòa quyện của 4 nguyên tắc và 5 kết quả mong đợi.

Bốn nguyên tắc gồm: trao quyền (empowerment), phát triển toàn diện (holistic development), gia đình và cộng đồng (family and community) và các mối quan hệ (relationships). Năm kết quả học tập và mục tiêu hướng đến trong sự phát triển của trẻ bao gồm: wellbeing (tinh thần thoải mái của trẻ), belonging (sự phụ thuộc), contribution (đóng góp), communication (giao tiếp), exploration (khám phá).

"Để có thể dệt nên tấm thảm giáo dục toàn diện và đầy màu sắc dành cho trẻ ở bậc mầm non, trách nhiệm không chỉ nằm ở giáo viên, nhà trường và phụ huynh, mà là bất cứ ai có thể đồng hành cùng trẻ trên hành trình khám phá và học hỏi", Giáo sư Marek Tesar nhấn mạnh.

Learning Story - phương pháp giúp giáo viên quan sát và phát triển tiềm năng của trẻ

Giáo sư Marek Tesar cho biết, Learning Stories (chuyện học của bé) đưa ra những miêu tả, đánh giá quá trình học tập và phát triển của trẻ dưới hình thức những câu chuyện. Theo đó, giáo viên quan sát, lắng nghe khi trẻ khám phá thế giới xung quanh thông qua các hoạt động vui chơi. Các thầy cô có thể chụp lại những bức ảnh, viết những ghi chú về quá trình "chơi mà học của trẻ", từ đó quan sát, lắng nghe và hiểu được nhu cầu phát triển của từng em.

Phương pháp này có thể giúp giáo viên nhận ra những khoảnh khắc học tập có ý nghĩa của trẻ. Dựa trên những khoảnh khắc học tập đó, giáo viên có thể đánh giá, phân tích ý nghĩa đến quá trình phát triển của trẻ. Những bức ảnh và ghi chú sẽ được chia sẻ lại với gia đình để phụ huynh có thể tham gia hỗ trợ con mình phát triển ở những bước tiếp theo trong quá trình học tập của các em.

Learning Stories có thể theo dõi sự phát triển của trẻ ở các khía cạnh khác nhau bao gồm: hứng thú, sở thích, điểm mạnh, các bước tiến bộ; kỹ năng, kiến thức, trạng thái cảm xúc; các tương tác với bạn bè và giáo viên; gia đình, văn hóa, và cộng đồng, Giáo sư Marek Tesar nhấn mạnh.

Ako - khái niệm nổi bật vai trò đồng hành của giáo viên và trẻ

Cũng theo Giáo sư Marek Tesar, Ako có nghĩa là người học và người dạy là một. Trẻ em là người học nhưng cũng là người thầy dẫn dắt giáo viên, giáo viên là người dạy nhưng đồng thời là người học từ trẻ em. Nói một cách khác, giáo viên vừa là bạn đồng hành, vừa là người cùng kiến tạo tri thức với các em. Hướng tiếp cận này giúp trẻ có thể chủ động học và tạo ra kiến thức cho riêng mình cũng như đề cao vai trò đồng hành của giáo viên.

Tiến sĩ Phạm Minh Hoa, cựu du học sinh New Zealand và là người sáng lập trường mầm non Ako tại Hà Nội, chia sẻ: "Bên trong mỗi đứa trẻ là một thế giới muôn màu, và để hiểu được thế giới ấy, không gì tốt hơn việc để chính bản thân đứa trẻ kể cho mình nghe câu chuyện của các con theo tư duy, cảm nhận của mình".

Giáo dục New Zealand giúp trẻ phát triển từ bậc mầm non như thế nào? - 2
Tọa đàm là cơ hội để các chuyên gia, giáo viên trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực giáo dục mầm non (Ảnh: BTC).

Rộng mở cơ hội theo đuổi ngành học giáo dục mầm non tại New Zealand

Giáo sư Marek Tesar cho biết, trong bối cảnh hai nước Việt Nam và New Zealand hợp tác sâu rộng về giáo dục, sinh viên Việt Nam có thể tiếp cận nhiều cơ hội học bổng cũng như các lộ trình học tập đa dạng để theo đuổi ngành học mầm non tại các trường ĐH New Zealand ở nhiều bậc học khác nhau.

Theo đó, 8 trường ĐH của New Zealand nằm trong nhóm các trường đại học hàng đầu thế giới có nhiều chính sách học bổng hấp dẫn cho du học sinh Việt Nam, nhất là đối với các nghiên cứu sinh tiến sĩ trong lĩnh vực này.

Bên cạnh cơ hội nghề nghiệp rộng mở tại New Zealand và chính sách cho phép sinh viên quốc tế bậc thạc sĩ và tiến sĩ được cấp thị thực làm việc 3 năm sau tốt nghiệp, sinh viên quốc tế các bậc học này cũng được tạo điều kiện mang gia đình cùng đến New Zealand trong quá trình học tập, và hưởng một số hỗ trợ khác dành cho vợ chồng hoặc con cái.

Giáo dục New Zealand giúp trẻ phát triển từ bậc mầm non như thế nào? - 3

Giáo dục là một trong những ngành học được nhiều sinh viên quốc tế lựa chọn khi theo học tại New Zealand (Ảnh: ENZ).

Bà Bành Phạm Ngọc Vân, Giám đốc Thị trường Việt Nam, Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ), cho biết: "Trong tương lai, chúng tôi ấp ủ kế hoạch thực hiện nhiều hơn các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong giáo dục mầm non. Vì chúng tôi nhận thấy, đây là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các chuyên gia hai nước, cũng như có nhiều cơ hội hợp tác tiềm năng".