Giáo dục mầm non là để cân bằng và chữa lành cho trẻ
Khi xác định rằng trẻ ở độ tuổi mầm non dễ bị tổn thương nhất và cũng dễ được chữa lành nhất, các chuyên gia giáo dục Waldorf khuyên phụ huynh hãy để tâm những cử chỉ vi tế hơn để nhận ra con mình đang bị tổn thương gì, chứ không chỉ nên nhìn vào những hoạt động bề mặt và tặc lưỡi cho rằng điều đó bình thường hoặc có thể chấp nhận được.
Giáo dục là để cân bằng cho trẻ
Trong khi nền giáo dục hiện ngay quá tập trung vào việc truyền đạt kiến thức, bồi đắp cho học sinh thêm sức cạnh tranh đặng sau này kiếm tiền tốt, càng ngày địa vị xã hội càng cao... rất đơn giản để ai cũng có thể nhìn ra rằng, chúng ta đang làm mất cân bằng cuộc sống của trẻ. Vì con người không chỉ là sinh vật biết ăn và ngủ, nhu cầu về tinh thần cũng là một nhu cầu nguyên thủy và thiết yếu.
Như Rudolf Steiner đã nói trong cuốn Những lời khuyên thực tiễn dành cho giáo viên: “Nếu ta thất bại trong việc tạo động lực cho trái tim và ý chí tự chủ của trẻ em trong độ tuổi đang phát triển, nếu ta liên tục nhồi nhét vào đầu trẻ những thông tin cứng nhắc chỉ tác động được tới lý trí, thì phần tâm hồn và thần thức trống rỗng, trẻ sẽ lao vào tìm kiếm cảm giác phấn khích và những thú vui giải trí, và rồi, bản năng thú tính sẽ bùng phát.”
Vì thế, không như các trường mầm non khác, trường mầm non theo chuẩn Waldorf xem trọng sự phát triển đời sống tinh thần của trẻ ngang bằng với việc ăn ngủ hay lĩnh hội các kiến thức cuộc sống.
Có thể lấy ví dụ một ngày của trẻ tại Mầm non Cây Bàng, trường theo chuẩn giáo dục Waldorf diễn ra như sau:
• 8h - 8h30: Ăn sáng với nguồn thức ăn phải được đảm bảo sạch và đủ dinh dưỡng
• 8h30 - 9h: Chơi tự do ngoài sân, tưới cây, cho cá ăn
• 9h - 9h30: Hoạt động nghệ thuật và thủ công: vẽ màu nước, nặn sáp ong, làm bánh, nấu ăn thủ công cho lớp 3-6 tuổi, lau dọn lớp, phơi đồ, dọn đồ chơi
• 9h30 - 10h30: Chơi tự do trong lớp dưới sự coi sóc của giáo viên
• 10h30 - 11h: Sinh hoạt vòng tròn các bài hát và bài thơ thay đổi theo tháng giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và các giác quan
• 11h - 11h45: Ăn trưa
• 11h45 - 12h: Kể chuyện trong ánh nến, chủ đề truyện được thay đổi theo tháng
• 12h - 14h: Ngủ trưa
• 14h - 14h15: Vẽ màu sáp tự do
• 14h15 - 15h30: Đi dạo làng kiến trúc gần trường
• 15h30 - 16h: Ăn xế
• 16h - 16h15: Sinh hoạt vòng tròn (chuyền nến)
• 16h15 - 17h: Chơi tự do ngoài sân dưới sự coi sóc của giáo viên và ra về.
Tất cả những hoạt động trên nhằm giúp trẻ phát triển cân bằng tất cả các chức năng, chiều kích của cơ thể, tinh thần, nuôi dưỡng cho trẻ tình yêu với nghệ thuật, thiên nhiên, để trẻ lớn lên không chỉ với trí tuệ mà còn có một tâm hồn đẹp, lòng từ tâm với mọi người, mọi vật.
Quan sát trẻ tại Mầm non Cây Bàng, có thể thấy các con vô cùng hồn nhiên, không bị sức ép phải đi học, bé nào cũng thích đến trường và đến trường rồi thì không muốn về, nhưng trẻ cũng dần được hình thành ý niệm một cách rất tự nhiên về con số qua các trò chơi và con chữ qua các nét vẽ. Trẻ sẽ không bị buộc nhìn vào số 3 để đọc và nhớ mà sẽ được chơi trò chơi ăn quan hoặc đếm lá, nhảy ô... và từ đó ý niệm về con số được thông suốt và ghi nhớ.
Trẻ sinh ra đã có những xu hướng và bản tính khác nhau và việc của giáo dục là giúp trẻ cân bằng để sống hài hòa và bản lĩnh trên đường đời. Một trẻ sinh ra với bản tính nóng nảy sẽ phải được giáo viên lưu tâm cả về thức ăn nước uống để làm mát cơ thể hay những hoạt động chân tay nào có thể giúp làm bình tĩnh và câu truyện nào để làm dịu đi nhiệt độ cơ thể lúc nào cũng bừng bừng ở trẻ đó.
“Nếu trẻ lớn lên thiếu sự hài hòa được thiết lập nhờ giáo dục sẽ mất cân bằng trong cuộc sống. Tiền bạc lúc đó cũng không giúp được gì” - chuyên gia hội họa nổi tiếng của Waldorf Bernardus Nijhuis nói trong buổi hội thảo về hội họa chữa lành tại trường Mầm non Cây Bàng.
Giáo dục là để chữa lành
Điểm khác biệt rất lớn giữa giáo dục Waldorf và các phương pháp giáo dục khác nằm ở điểm: quá trình giáo dục của Waldorf là quá trình chữa lành. Điều này đặc biệt cần thiết với thời đại hiện nay, khi tỉ lệ trẻ gặp vấn đề ngay từ trong bụng mẹ ngày càng tăng đáng ngại.
Chuyên gia chữa lành giáo dục Waldorf thế giới cô Susan Gould, người đã đi khắp các trường Waldorf trên thế giới để hướng dẫn cho các giáo viên, giúp chữa lành không biết bao nhiêu trẻ em cho biết: “Để chữa lành một vết thương lòng cho trẻ, có thể mất đến cả hàng tháng, hàng năm và có thể nhiều năm. Những vết thương đó có thể ẩn nấp sau sự bướng bỉnh, sự thích được chú ý, sự lệch lạc trong ăn uống hay nói tục chửi bậy. Việc của chúng ta không phải là đứng đó mà phán xét, việc của chúng ta là hãy tìm ra căn nguyên của những hành vi đó và giúp trẻ chữa lành”.
Waldorf có rất nhiều cách khác nhau để chữa lành cho trẻ. Có những vết thương sẽ cần đến tình yêu của cô giáo như một phương thuốc, có những vết thương sẽ cần đến những câu truyện ý tứ để được chữa lành, hoặc có những thiếu thốn tổn thương cần đến một can thiệp y học thực sự:
“Khi trẻ ăn cát, đó không chỉ đơn thuần là do trẻ không ý thức được rằng cát không ăn được. Cơ thể trẻ đang thiếu một khoáng chất nào đó”, cô Susan cho biết.
Bản năng của một người mẹ và sự tinh tế là rất cần thiết để một giáo viên Waldorf có thể chữa lành cho trẻ hàng ngày. Nhìn vào một bức vẽ của trẻ, một giáo viên Waldorf có thể biết trẻ đang cố giấu diếm điều gì, rằng từ tận sâu trong tiềm thức trẻ đang đau khổ vì điều gì. Trẻ không thể biết là chúng đang đau khổ, chúng chưa có ý niệm về nỗi đau, chỉ đơn giản là nỗi đau đó sẽ dẫn đến những hành vi không lành mạnh hoặc những nét tính cách gây hại cho trẻ.
Như thầy Bernardus đã nói trong kỳ 1 của chuyên đề, với Waldorf, trẻ được làm bất cứ điều gì không phải chỉ để làm, mà là để rèn luyện một đức tính, kĩ năng gì đó và là để chữa lành những vết thương tâm hồn thậm chí đã có thể có từ khi còn trong bụng mẹ. Trong hệ thống trường Waldorf, trẻ học làm một chiếc thìa tre cũng là một hoạt động để chữa lành.
“Rudolf Steiner là một trường hợp đặc biệt trong nền lịch sử giáo dục thế giới khi áp dụng sâu sắc triết học nền tảng vào ứng dụng thực tiễn trong giáo dục trong khi triết học từ cổ đại đến hiện đại vốn bị coi là các vấn đề cao siêu chỉ được đề cập đến bởi các nhà nghiên cứu về con người ở bậc vĩ mô. Giáo dục theo phương pháp Steiner vì thế đào sâu đến tận những rung động sâu sắc nhất của bản thể người, thấu cảm cả những nỗi đau hình thành từ trong bào thai, cả về thể phách và tâm thức trẻ”, cô Nguyễn Dương, giáo viên trường Mầm non Cây Bàng cho biết, “Tôi vốn là một kĩ sư xây dựng, trở nên thay đổi khi có con và từ ngày nuôi dưỡng con theo Waldorf, tôi tự thay đổi rất nhiều, tôi mới hiểu thế nào gọi là “Sinh con rồi mới sinh cha”.
Ảnh và một số thông tin bài viết được thu thập từ Trường Mầm non Cây Bàng (SeaAlmond Waldorf-inspired School). Độc giả có nhu cầu hỏi thêm thông tin vui lòng liên hệ trực tiếp đến Cây Bàng:
MẦM NON CÂY BÀNG (Sea Almond Waldorf-inspired School)
• 16/29 Võng Thị - Tây Hồ - Hà Nội
• 0967.253.512 - 0902.199.335
• https://www.facebook.com/caybang.kindergarten/
• sea.almond.waldorf@gmail.com
• Link đăng kí thăm quan trường: http://bit.ly/2AM5idk
Nguyễn Châu