Tuần lễ Giáo dục toàn cầu năm 2011:
Giáo dục là một phương tiện hữu hiệu để giải phóng phụ nữ
(Dân trí) - Tăng cường giáo dục cho phụ nữ và trẻ em là cơ sở để thực hiện một xã hội văn minh và phát triển bền vững trong quá trình đổi mới ở Việt Nam.
Phân tích về vấn đề nữ quyền và giáo dục, PGS.TS Trần Lê Bảo - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Trong 20 năm qua cho dù khoảng cách giữa nam và nữ có giảm đi một nửa, song những bất bình đẳng vẫn tồn tại dai dẳng như một thách thức nhân loại, trong 880 triệu người mù chữ trên thế giới có gần 2/3 là phụ nữ; trong số 130 triệu trẻ em không được đến trường tiểu học có 60% là em gái. Phần lớn phụ nữ và em gái này sống ở nông thôn. Trong chương trình giáo dục cũng như sách giáo khoa ở nhiều nước vẫn còn những quan niệm thành kiến với phụ nữ, không đề cập đến những thành tựu của phụ nữ hay những vấn đề đặt ra hàng ngày đối với phụ nữ. Bên cạnh đó, nghèo khổ là vấn đề tác động mạnh mẽ đến phụ nữ. Thậm chí người ta cho rằng “nghèo khổ mang gương mặt phụ nữ - thầm lặng. 70% trong số 1,3 tỷ người nghèo trên thế giới là phụ nữ. Nghèo khổ thường đi đôi với phân biệt đối xử và cũng là nguyên nhân dẫn đến hàng triệu cái chết cho phụ nữ và em gái trên hành tinh này”.
Về thực trạng phụ nữ Việt Nam, theo PGS.TS Nguyễn Bích Hà, hiện nay phụ nữ Việt Nam chiếm 50,8% dân số, 51,4% lực lượng lao động trong cả nước. Trong lao động nông nghiệp, phụ nữ chiếm gần 80%, trong ngành giáo dục phụ nữ chiếm 71,6%, trong ngành y tế chiếm 67%, công nghiệp nhẹ, 65%, phục vụ công công cộng 52,1%, ngoại giao 33,7%, trong hoạt động nghiên cứu khoa học phụ nữ chiếm 33%. Tỷ lệ lao động nữ có trình độ cao trong tương quan so với nam giới hiện nay là thấp.
Để đất nước phát triển bền vững, để giải phóng phụ nữ và thực hiện triệt để quyền bình đẳng nam nữ ở nước ta cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội chính trị, nâng cao trình độ học vấn cho phụ nữ. Đó chính là chìa khóa của sự phát triển toàn diện và bền vững cho xã hội. Tuy nhiên, PGS Hà cho rằng: “Có một thực tế hiện nay, giáo dục có rất nhiều vấn đề tồn tại hoặc mới nảy sinh. Nó là hệ quả của những biến động xã hội và của cả một số bất cập trong ngành giáo dục do không chuyển kịp với tình hình thực tế. Nó khiến cho giáo dục không tránh khỏi những giáo điều, chạy theo hình thức hay thiển cận, nhợt nhạt”.
Giáo dục như là một phương tiện hữu hiệu trong việc giáo dục bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ - đó là giải pháp mà PGS Trần Lê Bảo đưa ra.
PGS.TS Trần Đức Tuấn - phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Quá trình đổi mới theo định hướng thị trường và hội nhập quốc tế một mặt tạo ra nhiều thay đổi sâu sắc trong đời sống kinh tế xã hội, mặt khác gây ra nhiều tác động tíêu cực khiến cho việc đảm bảo quyền, cơ hội bình đẳng tiếp cận, hưởng thụ một nền giáo dục có chất lượng trở nên xa với đối với nhiều đối tượng phụ nữ và em gái trong xã hội xã hội. Vì vậy, toàn xã hội cần làm nhiều hơn nữa để đảm bảo quyền, cơ hội bình đẳng được tiếp cận và hưởng thụ giáo dục có chất lượng cho tất cả chị em phụ nữ và trẻ em gái”. |