Giáo dục giới tính: Cần một chương trình toàn diện

Giáo dục giới tính là tiến trình suốt cả đời người, là chuyện phải làm hàng ngày, trước hết là ở gia đình nhằm trang bị kiến thức, hình thành nhân cách, tạo nên một nền tảng vững chắc cho sức khoẻ tình dục, sức khoẻ sinh sản sau này.

Nó bao gồm những hiểu biết về phát triển tính dục, các mối quan hệ, hình ảnh về thể chất và vai trò giới, tình bạn, tình yêu, tình dục. Giáo dục giới tính đề cập đến các khía cạnh về sinh học, văn hoá xã hội, tâm lý và tâm linh của vấn đề giới tính, từ lĩnh vực nhận thức (thông tin) đến lĩnh vực tình cảm (cảm xúc, giá trị, thái độ) và lĩnh vực hành vi (kỹ năng truyền thông, giao tiếp và kỹ năng quyết định) của mỗi cá nhân.
 
Giáo dục giới tính: Cần một chương trình toàn diện - 1
Giáo dục giới tính đôi khi có thể bắt đầu từ chuyện cái mụn của tuổi dậy thì.

Tính dục: có từ trứng nước

 
Tính dục gắn với con người từ trong trứng nước. Khi thụ tinh thì đã sẵn các nhiễm sắc thể X,Y, phân định giới tính cho đứa trẻ, dù đến tháng thứ ba trong bụng mẹ, thai nhi mới có đủ bộ phận sinh dục! Thiên nhiên còn trang bị sẵn một hệ thống các tuyến sinh dục, để tới tuổi nào đó thì sẽ cho kích hoạt… tạo ra các kích thích tố cần thiết để phát triển giới tính. Chờ đến lúc đó mới “dạy” thì nhiều khi đã muộn!
 
Cha mẹ có bổn phận dạy con cái ngay từ trong gia đình, không thể “khoán” cho ai khác. Và phải dạy rất sớm vì đây là vấn đề liên quan đến nếp sống của mỗi gia đình, đến giá trị, lòng tin, thái độ và nhất là hành vi, hình thành nhân cách của mỗi con người để có một cuộc sống hạnh phúc về sau. Ngay từ lúc mới sinh, trẻ đã được học về tình yêu thương, trìu mến, vuốt ve, cưng nựng, học về những mối quan hệ anh chị em, cha mẹ, ông bà… Trẻ học về giới tính khi cha mẹ chăm sóc, chuyện trò hàng ngày, lúc vui chơi với chúng, lúc thay quần đổi áo cho chúng, dạy chúng biết các bộ phận của cơ thể từ mắt mũi, tai miệng, đến bộ phận sinh dục… Ngay từ lúc đó, trẻ đã học “không phân biệt đối xử” với các bộ phận trong cơ thể mình, và có trách nhiệm gìn giữ vệ sinh đâu đó đàng hoàng. Trẻ lớn dần thì hiểu biết sẽ mở rộng thêm về sinh lý học, về các hành vi, thái độ, giá trị liên quan giới tính của gia đình cũng như môi trường văn hoá xã hội chúng đang sống.
 
“Thầy” dạy tốt “trò” mới học tốt
 
Thẳng thắn, chân tình, cởi mở và khoa học trong trao đổi là cách tốt nhất để truyền thông giữa cha mẹ và con cái suốt giai đoạn tuổi thơ cũng như ở tuổi tiền dậy thì và dậy thì, tuổi thanh niên, nhờ đó tạo nên một phương cách xử thế khi trẻ trưởng thành cho vấn đề sức khoẻ tình dục, sức khoẻ sinh sản. Do vậy, cha mẹ cũng phải trang bị cho mình đủ kiến thức để tự tin và có phương pháp tiếp cận phù hợp với từng lứa tuổi.
 
Thế nhưng do từ trước người lớn chúng ta cũng chưa hề được “giáo dục giới tính” nên không tránh khỏi lúng túng. Do vậy, để có thể “vượt qua chính mình”, cần xem xét lại một số nhận thức, quan điểm của bản thân về giới tính, về tình dục để có thái độ thích hợp. Trang bị kiến thức cơ thể học, sinh lý học tuy vậy không khó bằng cách nhìn nhận vấn đề, tức “quan điểm” – cũng gọi là các “giá trị” – của chính bản thân. Cần thấy rằng khi nói đến tình dục, không thể chỉ nói chuyện giao hợp mà phải bao gồm toàn bộ các khía cạnh liên quan như thể chất, đạo đức, xã hội, tâm linh, tâm lý và cảm xúc. Giáo dục giới tính là giáo dục toàn diện các khía cạnh đó, chứ không phải chỉ dạy cách dùng bao cao su hay sử dụng thuốc ngừa thai.
 
Cần có một chương trình giáo dục giới tính toàn diện, không manh mún, lẻ tẻ, mà có hệ thống, được soạn thảo không bởi một vài cá nhân “có thẩm quyền” nào đó theo quan điểm riêng của họ rồi áp đặt cho mọi người mà phải do một nhóm chuyên viên y học, giáo dục, tâm lý xã hội... ngồi lại với nhau để thống nhất một số nguyên tắc cơ bản – các giá trị – để có tiếng nói chung. Chẳng hạn tính dục là một phần tự nhiên và lành mạnh của đời sống con người. Tính dục không đơn thuần là chuyện giao hợp. Với con người, tính dục bao hàm sinh học, đạo đức, xã hội, tâm linh, tâm lý, cảm xúc…

Nói đến tình dục, không thể chỉ nói chuyện giao hợp mà phải bao gồm toàn bộ các khía cạnh liên quan như thể chất, đạo đức, xã hội, tâm linh, tâm lý và cảm xúc. Giáo dục giới tính là giáo dục toàn diện các khía cạnh đó, chứ không phải chỉ dạy cách dùng bao cao su hay sử dụng thuốc ngừa thai.

 
Mọi người ai cũng có nhân phẩm, mỗi người là một cá thể độc đáo trong bối cảnh văn hoá chung. Đừng vì thấy người ta khác mình mà cho là sai lạc, bệnh hoạn rồi đối xử kỳ thị, bất công. Mỗi cá nhân có kiểu hành xử tình dục riêng, miễn là không mang lại bệnh hoạn, tai hoạ cho mình hay cho người và không trái thuần phong mỹ tục, văn hoá chung của cộng đồng. Mỗi người tự quyết định và chịu trách nhiệm về hành vi tính dục của mình và những hậu quả nếu có. Do vậy, cần có đủ kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ. Cũng cần nhớ trẻ con thích “khám phá” và tò mò học hỏi về tính dục là một tiến trình phát triển tự nhiên.
 
Chương trình này sẽ không chỉ dành riêng cho các nhà giáo dục, cho nhà trường – từ nhà trẻ đến sau đại học – mà còn cho truyền thông đại chúng, cho các tổ chức xã hội, tôn giáo, và cho các bậc phụ huynh – kể cả người giúp việc trong gia đình… để tránh “ông nói gà bà nói vịt”.
 
Về nội dung, ít nhất phải đề cập về sự phát triển của con người – từ trong bụng mẹ đến tuổi trưởng thành, mối tương quan giữa các yếu tố thể chất, tâm lý, các mối quan hệ, tương tác, các kỹ năng cá nhân – đối với bản thân cũng như giữa người với người – đến các hành vi tính dục – dựa trên nền tảng văn hoá mỗi cộng đồng – rồi mới đến các vấn đề về sức khoẻ tình dục, sức khoẻ sinh sản với các bệnh lây truyền qua đường tình dục v.v... Trong mỗi nội dung đó, phải dạy cả về kiến thức, thái độ, về các giá trị, về hành vi, lối sống, cách ứng xử phù hợp trong môi trường văn hoá của cộng đồng.
 
Theo BS Đỗ Hồng Ngọc
SGTT

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm