Giáo dục đại học Việt Nam phải quốc tế hóa mới tránh “chảy máu chất xám”

(Dân trí) - Để tránh tình trạng "chảy máu chất xám" ở Việt Nam thì các trường đại học nên hợp tác nhiều với các trường đại học trên thế giới để đào tạo tại Việt Nam “giữ chân” học sinh, sinh viên.

Đó là ý kiến của đại biểu tại Hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực trình độ cao: “Thực trạng và xu thế quốc tế hóa giáo dục đại học” được tổ chức tại trường ĐH Hà Nội ngày 11/12 với sự tài trợ của Cơ quan hỗ trợ phát triển Ai – len (Đại sứ quan Ai – len tại Việt Nam), Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) và Viện nghiên cứu phát triển Pháp (IRD).


Các diễn giả tham gia Hội thảo khoa học quốc tế

Các diễn giả tham gia Hội thảo khoa học quốc tế

Tại hội thảo PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao là một xu hướng tất yếu và là ưu tiên của các quốc gia trong quá trình hội nhập và phát triển. Đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bước vào nền công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng nhân lực trình độ cao ở Việt Nam cho thấy, còn rất nhiều hạn chế về chất lượng và số lượng để có thể đáp ứng yêu cầu của xu thế và bối cảnh này.

Theo Hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội, trong bối cảnh Việt Nam chuyển dịch từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường, và để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường lao động, quốc tế hóa giáo dục là việc làm cần thiết đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển kinh tế.

PGS.TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho hay, trong báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố mới đây, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng này. Việt Nam chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao. Rõ ràng, yêu cầu quan trọng nhất để chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đối với bất kỳ quốc gia nào là cải thiện nguồn vốn con người để có thể đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức, về kỹ năng liên tục thay đổi trong môi trường lao động mới.

Trong bối cảnh này, hệ thống giáo dục phải tập trung vào phát triển phẩm chất và năng lực của người học thông qua việc định hướng các con đường phù hợp nhất cho các nhóm học sinh, sinh viên khác nhau để giúp họ phát huy được tiềm năng của mỗi cá nhân. Điều này cần được áp dụng ở tất cả các cấp học, ở tất cả các trình độ đào tạo. Đặc biệt, đối với các trường đại học.

“Thành công của một trường đại học không chỉ đơn thuần là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, là khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên hay là vị trí trên bảng xếp hạng quốc tế, mà còn là sự phát triển bền vững và lâu dài , là khả năng sẵn sàng chấp nhận rủi ro, là năng lực đổi mới và sáng tạo của sinh viên” – PGS.TS Lê Anh Vinh nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Ai – len cho rằng, quốc tế hóa hoạt động giáo dục đại học rất quan trọng. Chính phủ Ai – len thúc đẩy hợp tác với nhiều trường đại học nước ngoài, trong đó, khuyến khích phát triển mạnh mẽ hơn nữa với các trường đại học Việt Nam.

Đại diện cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức cho hay, muốn quốc tế hóa giáo dục đại học thì phải nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học không chỉ trong phạm vi quốc gia và mở rộng quan hệ quốc tế để cung cấp cho sinh viên tầm hiểu biết cũng như nâng cao văn hóa. Hiện có khoảng 150 trường đại học Việt Nam hợp tác với Đức.

Cũng tại hội thảo, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển Pháp cho biết, giáo dục đại học là tâm điểm hoạt động của Viện nghiên cứu phát triển Pháp.

Đại diện này cho biết, để tránh tình trạng chảy máu chất xám ở Việt Nam thì các trường đại học nên hợp tác nhiều với các trường đại học trên thế giới để đào tạo tại Việt Nam “giữ chân” học sinh, sinh viên.


Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Liệu đào tạo nhân lực trình độ cao của Việt Nam có nắm được cơ hội của CMCN 4.0 để có bước bứt phá, vượt qua những yếu kém hiện nay, sẵn sàng cho tương lai? Đó là vấn đề mà TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đưa ra tại hội thảo.

Ông Tiến dẫn dụ nghiên cứu của WB (2012), các cơ sở đào tạo Việt Nam vẫn được tổ chức và hoạt động theo kiểu tháp ngà, thiếu các liên kết cơ bản với cơ quan tuyển dụng, doanh nghiệp, viện nghiên cứu với các cơ sở đào tạo khác, các trường phổ thông. Các cơ sở đào tạo đó luôn trong tình trạng 3 không là: không biết, không cần và không thể.

Để giáo dục sẵn sàng cho tương lai, ông Tiến đã đưa ra khuyến nghị về một mô hình giáo dục sẵn sàng cho tương lai theo Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2017, trong đó có 8 lĩnh vực hành động chủ chốt là: giáo dục mầm non, chương trình giáo dục “sẵn sàng cho tương lai” (dạy cái gì: Những kỹ năng của thế kỷ 21; Dạy như thế nào: cập nhật và thích ứng, phối hợp và rà soát trong xây dựng chương trình, định kỳ đánh giá); Đội ngũ nhà giáo phải chuyên nghiệp hóa, hướng nghiệp liên tục, thông thạo kỹ thuật số, giáo dục nghề nghiệp vững mạnh và được tôn trọng, hiện thực hóa học tập suốt đời và rộng cửa cho canh tân giáo dục.

Theo đó, có 3 nguyên tắc thiết kế nòng cốt là tiếp cận giáo dục bình đẳng, phổ cập; lãnh đạo và quản trị giáo dục với sự tham dự của các bên liên quan; Cải cách và lập kế hoạch giáo dục dài hạn dựa trên một chiến lược kỹ năng quốc gia được xây dựng thông qua sự tham dự của các bên liên quan.

“Trong giáo dục đại học 4.0, các trường đại học phải giảng dạy theo hướng thực tế ảo, thực tế tăng cường, OER, MOOC, lớp học đảo ngược. Với nghiên cứu khoa học 4.0 phải sáng tạo mở, sáng tạo đột phá, rút ngắn chu kỳ sáng tạo; Với dịch vụ 4.0 phải thực hiện quốc tế hóa thì mới thành công” – ông Tiến nhấn mạnh.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm