Giáo dục đại học Việt Nam gặp khó trong kiểm định quốc tế
(Dân trí) - Vai trò của kiểm định, đặc biệt là kiểm định quốc tế với các chương trình đào tạo đại học ngày càng quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay các trường đang gặp không ít khó khăn.
Ngày 27/5, diễn đàn "Các giá trị của Kiểm định quốc tế và Câu chuyện thành công" đã được tổ chức tại Đại học Công nghiệp Hà Nội với sự tham gia của nhiều chuyên gia kiểm định quốc tế, chuyên gia kiểm định Việt Nam và nhiều trường đại học.
Cải tiến chất lượng thường xuyên mới đạt kiểm định quốc tế
Tại diễn đàn, PGS.TS. Trần Đức Quý, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, diễn đàn quốc tế "Các giá trị của kiểm định quốc tế và câu chuyện thành công" do Dự án "Thúc đẩy hợp tác trường Đại học - Doanh nghiệp thông qua đổi mới và công nghệ" (gọi tắt là BUILD-IT) và Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phối hợp tổ chức. Đây là Diễn đàn đầu tiên do BUIIL-IT và nhà trường đồng tổ chức và là Diễn đàn thứ 2 trong chuỗi Diễn đàn Playbook của Dự án.
Diễn đàn có mục tiêu giúp các trường đại học của Việt Nam triển khai các hệ thống chất lượng, hướng đến sự công nhận quốc tế.
PGS Quý nhấn mạnh, các công cụ và phương pháp do BUILD-IT giới thiệu trong công tác kiểm định và đánh giá đã được đưa vào vận hành một cách có hệ thống ở các trường thành viên của BUILD-IT và đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền giáo dục có chất lượng về lâu dài, cũng như tăng cường số lượng các chương trình đào tạo tìm kiếm và đạt được kiểm định quốc tế, vượt ngoài phạm vi các chương trình đào tạo mục tiêu.
Tại diễn đàn, Tiến sĩ Scott Danielson, Trưởng Chương trình Bảo đảm Chất lượng, Chương trình Giảng dạy Học tập dựa trên Dự án, Đại học bang Arizona, Hoa Kỳ; đánh giá viên của ABET cho biết, kiểm định quốc tế cho dù là AUN-QA hay ABET đều có mục đích chung là cung cấp cho sinh viên, nhà tuyển dụng và xã hội mức độ tin tưởng nhất định rằng chương trình đó đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng về đào tạo; những sinh viên khi ra trường đã sẵn sàng trở thành người lao động có năng lực, năng suất cao trong xã hội và nơi làm việc.
TS Scott Danielson đã nêu rõ một số nguyên tắc kiểm định được quốc tế công nhận. Thứ nhất, kiểm định phải được thực hiện bởi một tổ chức phi chính phủ. Thứ hai, phải có đánh giá đồng cấp để biết các trường đã tuân thủ tốt như thế nào đối với các tiêu chí. Thứ ba, yêu cầu các trường phải tự đánh giá chất lượng, cải tiến chất lượng thường xuyên và rà soát lại sau một số năm nhất định.
"Chỉ cần một tiêu chí không đạt thì sẽ dẫn tới toàn bộ chương trình không đạt, không được chứng nhận kiểm định. Tất cả tiêu chí này đều có tầm quan trọng ngang nhau, cần được đáp ứng như nhau. Chính vì vậy, các trường cần không ngừng cải tiến các hoạt động của mình và theo dõi, cập nhật những thay đổi trong tiêu chí đánh giá. Sự yếu kém ở một lĩnh vực không thể được bù đắp bởi mặt mạnh ở lĩnh vực khác", TS Scott Danielson nhấn mạnh.
Thách thức lớn đối với giáo dục đại học Việt Nam
Theo TS Kiều Xuân Thực, Phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của kiểm định quốc tế, nhà trường đã đặt chiến lược có chương trình đạt kiểm định ABET.
Chia sẻ một số khó khăn, thách thức mà trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang gặp phải trong quá trình thực hiện mục tiêu này, TS Thực cho biết, thứ nhất là câu chuyện phải chuyển qua triết lý giáo dục dựa vào đầu ra. Hiện trong đào tạo, hầu hết chúng ta vẫn quen với việc dựa vào nội dung là chính (tức nặng về truyền thụ kiến thức) nên khi chuyển qua triết lý giáo dục dựa vào đầu ra sẽ là quá trình lâu dài và vất vả.
Bên cạnh đó, để đầu ra tốt, đầu vào rất quan trọng. Trong khi đó, Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 được thiết kế theo triết lý dựa vào năng lực thì năm 2022 mới triển khai từ lớp 10, như vậy đến khóa tuyển sinh 2025 mới có đầu vào là sản phẩm của chương trình này.
Thứ hai, hiện nay, các cơ sở giáo dục ở Việt Nam có mức học phí rất thấp, để nâng học phí cao lên sẽ khó được chấp nhận. Sự tài trợ của các mạnh thường quân cho giáo dục đại học cũng rất ít. Trong khi đó, chúng ta cần nguồn lực rất lớn để bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, đáp ứng chương trình phát triển theo triết lý này.
Bên cạnh đó là nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất. Các tiêu chuẩn quốc tế có yêu cầu rất cao về vấn đề cơ sở vật chất, ngoài đủ số lượng, chủng loại còn phải đảm bảo có cơ chế quản lý sử dụng để luôn sẵn sàng, đáp ứng nhu cầu khi sinh viên cần thực hành, thực tập thêm ngoài chương trình chính thức. Ngoài ra, hạ tầng phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, thân thiện với môi trường. "Rất nhiều lĩnh vực hiện nay, tiêu chuẩn Việt Nam còn chưa đáp ứng hoặc đáp ứng thấp, khi đánh giá kiểm định quốc tế, chắc chắn phần đầu tư để đáp ứng sẽ là thách thức lớn", TS Thực nói.
Thứ ba, để đạt kiểm định quốc tế cần có sự hợp tác với doanh nghiệp rất sâu sắc, chặt chẽ. Như tiêu chuẩn ABET yêu cầu phải có các cố vấn doanh nghiệp trong từng chương trình đào tạo, doanh nghiệp phải tham gia rất sâu để thiết lập mục tiêu đào tạo. Điều này khác rất nhiều so với chương trình đào tạo thường làm trước nay.
"Thông thường chỉ là câu chuyện doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên đến thực tập, tuyển dụng sinh viên và giúp chúng ta đánh giá sinh viên (cả chưa tốt nghiệp và đã tốt nghiệp). Nhưng bây giờ câu chuyện là doanh nghiệp phải cùng chúng ta rà soát, phải có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa chương trình đào tạo với doanh nghiệp", TS Thực cho hay.
Sửa đổi Thông tư về kiểm định
Tại diễn đàn, TS Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong xu thế phát triển hiện nay, vai trò của kiểm định ngày càng quan trọng, đặc biệt là từ khi có Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, yêu cầu các trường phải tự chủ, nâng cao chất lượng.
Ngày 11/5/2022, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 03 về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt lưu ý phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam về số lượng và chất lượng phù hợp với chuẩn mực và thông lệ của khu vực và thế giới.
Về những chính sách hỗ trợ cho hoạt động kiểm định trong thời gian tới, TS Phong cho biết, trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có Thông tư sửa đổi, nhấn mạnh "các trường đại học được lựa chọn tổ chức kiểm định để kiểm định, trong đó bao gồm cả tổ chức kiểm định của nước ngoài". Điều này sẽ khẳng định giá trị pháp lý của các tổ chức kiểm định nước ngoài được công nhận hoạt động ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ ban hành một Thông tư đánh giá, giám sát các tổ chức kiểm định, trong đó có cả nội dung đánh giá các tổ chức kiểm định quốc tế.
Ông Phong bày tỏ mong muốn các trường lựa chọn tổ chức kiểm định phù hợp nhất, ngày càng có nhiều chương trình đào tạo được kiểm định, đặc biệt là bởi các tổ chức kiểm định quốc tế uy tín.
Tiến sĩ Scott Danielson cho biết, AUN-QA là viết tắt của đánh giá chất lượng mạng lưới các trường đại học ở ASEAN, được thành lập để thực hiện mục tiêu hài hòa hóa các tiêu chuẩn giáo dục và không ngừng cải thiện chất lượng học thuật của các trường đại học trong khu vực ASEAN.
ABET là một liên đoàn gồm 35 Hiệp hội kỹ thuật và nghề nghiệp, là tổ chức kiểm định chuyên nghiệp có trụ sở tại Mỹ, chuyên kiểm định các chương trình đào tạo trên toàn thế giới. ABET có 4 Ủy ban kiểm định về các ngành, gồm khoa học tự nhiên ứng dụng, máy tính, kỹ thuật và kỹ thuật công nghệ.
AUN-QA đánh giá cả các chương trình đào tạo lẫn trường đại học. Trong khi đó, kiểm định ABET chỉ đánh giá các cấp chương trình đào tạo.