Giáo dục đã thanh tra hơn 1.700 cuộc

(Dân trí) - Theo báo cáo của Thanh tra Bộ GD-ĐT tại hội thảo đổi mới công tác thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ngày 17/12, năm vừa qua đã thanh tra hơn 1.700 cuộc thanh tra giáo dục.

Tại hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết, thực hiện Nghị định 42, Thông tư 39, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các sở GD&ĐT triển khai thực hiện đổi mới hoạt động thanh tra theo hướng chuyển nội dung từ thanh tra hoạt động chuyên môn sang thanh tra công tác quản lý, chuyên nghiệp hóa hoạt động thanh tra như thực hiện thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành đúng quy định của Luật Thanh tra. Không thanh tra toàn diện cơ sở giáo dục, không thanh tra hoạt động sư phạm nhà giáo từ tháng 01/2014. Chú trọng thanh tra gắn với chức năng quản lý nhà nước của sở GD&ĐT theo phân cấp.

Quan tâm thanh tra các cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục ngoài nhà trường. Phòng GD&ĐT không tổ chức thanh tra độc lập mà thực hiện công tác kiểm tra và tham gia các đoàn thanh tra. Phối hợp Thanh tra sở với Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện; phối hợp các hoạt động thanh tra với kiểm tra; tăng cường công tác thanh tra nội bộ, kiểm tra nội bộ của cơ sở giáo dục.

Theo đó, từ tháng 1/2014 đến tháng 8/2015, Thanh tra Sở đã triển khai công tác thanh tra theo hướng dẫn của Bộ và Thanh tra tỉnh, tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và thanh tra đột xuất.

Cụ thể, thanh tra hành chính được 612 cuộc. Thanh tra chuyên ngành được 1030 cuộc. Với thanh tra đột xuất, căn cứ vào đơn thư phản ánh về những vấn đề giáo dục đang được dư luận xã hội quan tâm, các Sở GD-ĐT như Bình Thuận, Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Hà Giang… đã tiến hành thanh tra đột xuất được 105 cuộc.

Thanh tra Bộ GD-ĐT cho rằng, vẫn còn Sở GD-ĐT chưa nắm rõ thẩm quyền thanh tra, chưa xây dựng kế hoạch thanh tra các trường ĐH,CĐ, TCCN thẩm quyền quản lý được quy định tại Nghị định số 115; kế hoạch thanh tra hành chính với nhiều nội dung trên một đơn vị; kế hoạch thanh tra chưa nêu cụ thể nội dung thanh tra và đối tượng thanh tra.

Thậm chí nhiều đơn vị chưa rà soát, bổ sung nhiệm vụ của Thanh tra sở để đề xuất, bổ sung lực lượng Thanh tra đáp ứng yêu cầu hoạt động thanh tra. Một số Sở GD-ĐT chưa quan tâm tới tính đặc thù của hoạt động thanh tra.

Kiến nghị sửa Luật Thanh tra

Theo thống kê, tổng số cán bộ thanh tra của 63 Sở GD-ĐT có 318 cán bộ, chiếm khoảng 8,5% cán bộ của sở. Với việc triển khai hoạt động thanh tra , nhiều cuộc tiến hành thanh tra chưa đúng trình tự, đủ thủ tục quy định, còn lúng túng trong việc triển khai thanh tra chuyên ngành đối với các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp.

Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ ban hành văn bản quy định về quy trình theo đặc thù ngành giáo dục để áp dụng thống nhất trong hệ thống cơ quan thanh tra giáo dục; Ban hành tiêu chí đánh giá cuộc thanh tra. Đề xuất sửa đổi, bổ sung các chế tài xử lý vi phạm trong các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục.

Kiến nghị sửa Luật Thanh tra theo hướng giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho phòng giáo dục, một số đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT. Tăng cường tổ chức đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thanh tra, cộng tác viên thanh tra giáo dục…

Sau khi nghe ý kiến tham luận, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, đổi mới Thanh tra trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo phải chuyên nghiệp hóa công tác thanh tra; giao nhiệm vụ quản trị cho thủ trưởng các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, thanh tra phải bám sát Nghị quyết 29; Luật thanh tra và Thông tư hướng dẫn để thực hiện nghiêm túc quy trình thanh tra; phân định được quản lý nhà nước và quản lý chuyên môn.

Thứ trưởng Hiển đề nghị, các Sở GD&ĐT quan tâm hơn việc thanh tra các cơ sở giáo dục đại học; thanh tra việc liên kết đào tạo. Đồng thời tập trung xây dựng đội ngũ công tác viên thanh tra để tăng sức mạnh lực lượng thanh tra, phải gắn thanh tra với kiểm định chất lượng giáo dục.

Hồng Hạnh

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm