Giáo dục cần nâng cao ý thức con người
(Dân trí) - “Đã từ lâu ở Việt Nam, bên cạnh những vấn đề về bức xúc trong các ngành như giao thông, tài chính... ngành giáo dục của nước ta mặc dù luôn là một trong những ngành trọng điểm nhất, song cũng là một trong những ngành tồn tại nhiều vấn đề tiêu cực nhất.
Là một người học tập và trưởng thành từ nền giáo dục Việt Nam, cũng như bao người, tôi luôn có mối quan tâm lớn đến ngành giáo dục của chúng ta”.
Đây là những lời tâm sự của bạn Chu Quang Thủy, hiện đang công tác ở Nhật Bản gửi đến Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trong bức thư góp ý gần 2.000 từ về vấn đề học hành và thi cử của học sinh, sinh viên ở Việt Nam.
Trước việc Bộ GD-ĐT tăng cường môn thi trắc nghiệm ở các kì thi tốt nghiệp THPT và kì thi tuyển sinh sắp tới, Chu Quang Thuỷ tâm sự:
“Trước hết, tôi thấy việc các cán bộ giáo dục đề nghị áp dụng phương pháp thi trắc nghiệm cho các bậc thi tốt nghiệp THPT, thi Đại học hay thi hết môn ở Đại học là rất cần thiết. Điều này hơi bất tiện về thời gian trong việc ra đề thi nhưng lại rất tiện lợi trong việc ôn tập cho người học cũng như việc chấm thi của cán bộ. Các kết quả bài thi sẽ đảm bảo tính công bằng, chính xác hơn và đặc biệt rất nhanh chóng, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức cho cán bộ, đồng thời tiết kiệm nhiều chi phí tiền của cho việc tiến hành thi cử.
Từ lâu, nhà nước ta đã có chủ trương áp dụng phương pháp này trong thi Đại học và một số kì thi khác, đã có rất nhiều cố gắng nhưng hiện tại vẫn còn tiến hành quá chậm và mới áp dụng rất ít”.
“Vấn đề tiêu cực trong làm bài thi ở nước ta luôn là một trong những vấn đề được bàn tán nhiều nhất từ trước tới nay, ở nhiều cấp học phổ thông, đặc biệt là thi tốt nghiệp. Trước kì thi, các học sinh đều có nhiều thời gian ôn tập, chuẩn bị sẵn sàng cho ngày thi. Nhưng có nhiều học sinh cũng dùng thời gian này để chuẩn bị rất nhiều loại tài liệu mà hay gọi là “phao thi” hoặc liên hệ với nhiều giáo viên, cán bộ để cố gắng thực hiện hành vi gian lận. Việc này chắc ai cũng biết và trong các kì thi tốt nghiệp, có những học sinh học rất kém một môn nào đó nhưng vẫn được điểm cao hơn những người khác”.
Tiêu cực trong thi trắc nghiệm giải quyết thế nào?
Bất kì hình thức thi nào đều có thể phát sinh ra tiêu cực dưới góc độ sẽ nhiều hay ít. Để hạn chế tối đa vấn đề tiêu cực trong thi trắc nghiệm, Chu Quang Thuỷ không ngần ngại đưa ra một ý tưởng táo bạo và hi vọng có thể áp dụng được trong tương lai.
“Trong các kì thi tốt nghiệp như vậy, với số môn thi tốt nghiệp đã được xác định trước và có thời gian chuẩn bị đầy đủ cho mọi học sinh, khi ra đề thi chúng ta có thể trộn lẫn nội dung của các môn thi khác nhau trong một bài thi và chia nhỏ nội dung của mỗi môn thi ra thành nhiều phần, đưa vào nhiều bài thi. Trong một kì thi sẽ có một số bài thi trong một số buổi giống như thường lệ, nhưng mỗi bài thi này sẽ là một bài thi tổng hợp với đầy đủ kiến thức của các môn thi khác nhau, với tỉ lệ nội dung của từng môn học phù hợp.
Chẳng hạn kì thi tốt nghiệp PTTH có 6 môn, chia làm 6 buổi với Toán, Văn hay Ngoại ngữ có mức quan trọng cao hơn, thì có thể chia làm 6 bài thi với mỗi bài thi sẽ có đầy đủ số môn học với nội dung các môn Toán, Văn hay Ngoại ngữ nhiều hơn. Như thế, khi vào phòng thi, các thí sinh muốn gian lận sẽ không thể liên hệ với giám thị và chỉ mang một loại tài liệu của một môn thi vào và an tâm làm bài. Họ cũng không dám mang nhiều tài liệu các môn khác nhau vào phòng vì vừa dễ bị lộ, vừa khó kiểm soát, tìm kiếm nội dung trong tài liệu, vừa mất thời gian mà nếu tìm được đúng nội dung một môn thì cũng không đáng là bao.
Muốn đạt điểm cao ở mỗi bài thi, các thí sinh đều cần phải có kiến thức thực sự ở nhiều môn học cần thiết. Họ sẽ không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của cán bộ, giáo viên vì không thể một giáo viên giỏi nhiều môn khác nhau, cũng như thấy rằng việc dùng phao thi là bất khả thi. Như thế các thí sinh sẽ có ý thức học tập nghiêm túc hơn và ý thức làm bài thi trung thực hơn.
Việc này tuy có hơi mất thời gian trong việc chấm thi nếu như nhiều giáo viên cùng chấm một bài thi, nhưng như vậy càng khẳng định tính trung thực trong chính việc chấm thi. Và điều này sẽ là hoàn toàn phù hợp nếu áp dụng trong thi trắc nghiệm khi việc chấm thi sẽ không cần giáo viên chuyên môn mà bất kì một cán bộ nào cũng có thể chấm thi chính xác cho một bài thi, còn nếu bài thi được chấm bằng máy thì càng tốt hơn nữa”.
Nên đưa kiến thức an toàn giao thông vào bài thi
Theo bạn Chu Quang Thủy, ý thức con người khi tham gia giao thông sẽ là phản ánh sinh động cho những kiến thức học được trên lớp. Do đó có nên chăng đưa kiến thức an toàn giao thông vào bài thi.
“Tôi cũng xin nêu một vấn đề thực tế trong cuộc sống nhưng rất quan trọng đối với ngành giáo dục. Đó là ý thức của học sinh, sinh viên - những chủ nhân tương lai - trong xã hội. Hiện tại, tôi đang công tác ở Nhật Bản và sau gần 3 tháng ở đây, tôi có những ấn tượng nhất định về đất nước công nghiệp tiên tiến hàng đầu thế giới này.
Một trong những ấn tượng lớn nhất là ý thức của người dân Nhật trong cuộc sống hàng ngày, trong việc chấp hành kỉ cương pháp luật, đạo đức xã hội. Một điều điển hình dễ nhận thấy nhất là họ chấp hành luật rất tốt và tự giác trong vấn đề giao thông, vấn đề mà nước ta đang đau đầu rất nhiều, đặc biệt là trong những năm gần đây mà vẫn chưa thấy dấu hiệu tích cực nào đáng kể.
Ở Nhật Bản, đất nước mà thường xuyên xảy ra động đất, thiên tai, nhưng hầu như không xảy ra tai nạn giao thông vì con người nơi đây có ý thức chấp hành luật lệ rất tuyệt vời.
Nhìn về Việt Nam, nước ta có tỉ lệ tai nạn giao thông thuộc hàng đứng đầu thế giới và phần lớn các vụ tai nạn giao thông được nhắc trên báo, đài, internet... lại do các tầng lớp trẻ tuổi như học sinh, sinh viên, những người được giáo dục đầy đủ gây nên. Đây là vấn đề ý thức thực hiện và nó cần được giáo dụng cẩn thận để hạn chế tai nạn, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, tránh thiệt hại lớn về người và của. Nhà nước ta cũng đã chủ trương đưa giáo dục an toàn giao thông vào giáo dục học đường, ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, trong một số môn học như giáo dục công dân của học sinh.
Vậy tại sao chúng ta không đưa kiến thức an toàn giao thông vào trong việc thi cử, mà để cho học sinh thường rất coi thường, lơ đãng trong việc học kiến thức này? Hầu hết các kiến thức về an toàn giao thông cũng như các kiến thức giáo dục ý thức con người bị học sinh Việt Nam coi nhẹ. Để có một xã hội tốt đẹp hơn, tránh những rủi ro đáng tiếc, thiết nghĩ chúng ta cần phải coi trọng vấn đề ý thức con người, đặc biệt là giáo dục tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên.
Tôi nghĩ nhà nước ta phải làm sao để cho các tầng lớp này ý thức tự giác thực hiện pháp luật, tránh tình trạng học sinh gây tai nạn giao thông tràn lan, nhiều hơn cả những tầng lớp người cao tuổi, người buôn bán và trẻ em. Tôi xin đưa ra ý kiến đưa thêm kiến thức giáo dục an toàn giao thông vào trong việc tổ chức thi cử trong các kì thi của học sinh, nhằm cổ vũ mọi người học luật lệ giao thông tốt hơn, quan trọng hơn.
Việc đánh giá kết quả thi cử của học sinh, đánh giá năng lực trí tuệ của mỗi người cần phải đánh giá một cách toàn diện hơn, phù hợp hơn với hoàn cảnh cuộc sống chứ không chỉ dựa vào một số môn khoa học, nghệ thuật chuyên môn. Đồng thời, tôi cũng mong muốn các vị lãnh đạo nhà nước quan tâm hơn và tiếp tục đề ra các giải pháp cho việc giáo dục ý thức con người ở nước ta”.
Nguyễn Hùng (Lược soạn)
(Nguồn: Bộ GD-ĐT)