Giáo dục 2020: Giáo viên đã được "giải thoát" gánh nặng như thế nào?

Nhật Hồng

(Dân trí) - Năm 2020, ngành giáo dục đã nỗ lực gỡ bỏ những quy định về sổ sách không cần thiết, xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học để "giảm áp lực cho giáo viên", giúp giáo viên tập trung dạy và học.

Giáo dục 2020: Giáo viên đã được giải thoát gánh nặng như thế nào? - 1

Nhiều trường học vẫn quy định thêm các loại hồ sơ sổ sách cho giáo viên (Ảnh minh họa: Thuvienphapluat.vn)

Giảm áp lực cho 1,4 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục

Cả nước hiện có gần hơn 1,4 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, đây là lực lượng quyết định chất lượng giáo dục và quyết định thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng khẳng định sẽ nỗ lực để "giảm áp lực cho giáo viên", và năm 2020 đã ghi nhận những cải cách mạnh mẽ, thực thi quyết tâm này.

Bộ GDĐT đã chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, đảm bảo thực thi nghiêm chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường do Bộ GDĐT ban hành năm 2019, gỡ bỏ những quy định về sổ sách không cần thiết, giúp giáo viên tập trung đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong đó, yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định. Bộ GDĐT cũng khuyến khích tăng cường sổ sách điện tử nhằm tạo chuyển biến trong việc giảm hồ sơ, sổ sách cho giáo viên.

Để hạn chế tối đa gánh nặng sổ sách cho giáo viên đầu năm học 2020-2021, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về điều lệ Trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Theo điều lệ mới, tính tự chủ, dân chủ của nhà trường trong việc xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục được tăng cường mạnh mẽ. Vì vậy, sổ sách của giáo viên tiếp tục được giảm thiểu đáng kể.

Bộ GDĐT cũng đã quyết liệt giảm áp lực cho giáo viên thông qua nhiều chính sách khác như: Cắt bỏ nhiều cuộc thi không thiết thực đối với học sinh; thay đổi quy định về hội thi giáo viên dạy giỏi để tạo thành hoạt động sinh hoạt chuyên môn; thay đổi quy định về kiểm tra, đánh giá, nhận xét học sinh theo hướng nhẹ nhàng, linh hoạt.

Đáng chú ý, gánh nặng về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không phù hợp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đội ngũ giáo viên. Sự vất vả tốn kém từ những chứng chỉ này đã khiến giáo viên thêm áp lực, khó khăn khi theo đuổi nghề nghiệp.

Để gỡ bỏ khó khăn này cho giáo viên, Bộ GDĐT đã làm việc với Bộ Nội vụ để đi tới thống nhất, sẽ xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên.

Hiện nay, Bộ GDĐT đã hoàn tất các quy trình soạn thảo văn bản để ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Trong đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sẽ không còn yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; không quy định giáo viên dạy ngoại ngữ phải có ngoại ngữ thứ 2; không quy định giáo viên dạy vùng dân tộc thiểu số phải có chứng chỉ dạy tiếng dân tộc. Dự kiến các thông tư này sẽ có hiệu lực từ tháng 2-2021.

Giáo dục 2020: Giáo viên đã được giải thoát gánh nặng như thế nào? - 2

Chuyển biến tích cực trong đổi mới phương pháp dạy và học với chương trình giáo dục phổ thông mới

Năm học 2020-2021, giáo dục Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1.

Chương trình được xây dựng theo hướng mở, lấy học sinh làm trung tâm; chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang hình thành và phát triển phẩm chất cho học sinh.

Nội dung giáo dục được đổi mới theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực; giảm kiến thức hàn lâm, tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Chương trình, sách giáo khoa hướng tới việc phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, khả năng tự học của học trò; tăng cường tính tương tác trong dạy và học giữa thầy với trò, giữa học trò với học trò và giữa các thầy cô giáo.

Phương pháp và hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá theo đó cũng được đổi mới mạnh mẽ. 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 với 46 đầu sách của đầy đủ 8 môn học/hoạt động giáo dục bắt nuộc và sách giáo khoa môn tự chọn Tiếng Anh, được Bộ GDĐT thẩm định, phê duyệt. 45.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán các cấp từ tiểu học đến THPT được bồi dưỡng cấp Bộ về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Qua gần 1 học kỳ triển khai, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bước đầu "thổi làn gió" tích cực vào công tác dạy - học của các nhà trường. Những tiết học của học sinh lớp 1 giờ trở nên sôi động hơn với nhiều hoạt động giáo dục được tổ chức nhằm tạo sự hứng thú học tập cho học sinh, quan trọng hơn là để các em được tự tìm tòi, khám phá và chiếm lĩnh tri thức; từ đó hình thành phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết.

Đối với các giáo viên khi dạy theo chương trình mới, dù ban đầu khá vất vả do học sinh chưa có thời gian làm quen nề nếp học tập, nhưng sau một thời gian, các thầy cô cảm thấy thoải mái, vui vẻ, thích thú với chương trình này.

Giáo viên được chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giảng dạy; không bị ràng buộc bởi sách giáo khoa hay lo "cháy giáo án". Thầy cô được tự chủ, linh hoạt, sáng tạo triển khai các phương pháp dạy học tích cực phù hợp với năng lực của bản thân và nhận thức của học sinh hay, để từ đó phát huy tính chủ động, tích cực của học trò; làm cho mỗi tiết học trở thành một giờ vui của các học sinh và chính giáo viên.

Thời gian đầu triển khai chương trình mới, có một số phản ánh về sách giáo khoa môn Tiếng Việt nặng; một số ngữ liệu chưa phù hợp với học sinh lớp 1, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, đơn vị xuất bản khắc phục, tiếp thu, điều chỉnh. Những quy định về biên soạn, thẩm định sách giáo khoa cũng được Bộ chỉnh sửa để đảm bảo sách giáo khoa các lớp học sau có chất lượng tốt hơn.  

Giáo dục 2020: Giáo viên đã được giải thoát gánh nặng như thế nào? - 3

Chuyển đổi số giúp giáo viên có thêm nhiều bài giảng e-learning

Những năm qua, đặc biệt là năm 2020 chuyển đổi số trong giáo dục đã bước một bước tiến dài để hướng đến mục tiêu "Việt Nam đi tiên phong và trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong chuyển đổi số về giáo dục và đào tạo".

Lần đầu tiên, một cở sở dữ liệu ngành được hình thành; theo đó, ngành Giáo dục đã hoàn tất việc số hóa, gắn mã định danh cho hơn 53.000 cơ sở giáo dục đào tạo, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên.

Đồng thời, xây dựng và phát triển kho học liệu số dùng chung (bao gồm cả học liệu mở) với khoảng 5.000 bài giảng e-learning, 2.000 video bài giảng trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 200 đầu sách giáo khoa, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm và trên 7.500 luận án tiến sĩ.

Nhiều chính sách chuyển đổi số đã được ban hành và tác động tích cực tới quá trình chuyển đối số trong giáo dục và đào tạo. Đáng kể nhất là việc chuyển đổi quản lý, tổ chức đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến, phát triển hệ thống MOOCs ở các trường đại học; triển khai mô hình ứng dụng CNTT trong trường phổ thông, hướng dẫn dạy học trên truyền hình, Internet, công nhận kết quả dạy học qua mạng, sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử,...

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, Bộ GDĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký kết Chương trình hợp tác triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, qua đó 2 Bộ sẽ cùng các doanh nghiệp số phát triển các nền tảng số dùng chung trong giáo dục; huy động các doanh nghiệp chung tay hỗ trợ các nhà trường, giáo viên và học sinh những điều kiện để triển khai chuyển đổi số như: đường truyền Internet, phần mềm quản lý, phần mềm dạy học trực tuyến, trang thiết bị đầu cuối, …

Dự kiến, trong thời gian tới, các cơ sở dữ liệu toàn quốc về giáo dục đào tạo sẽ được hoàn chỉnh đầy đủ phục vụ công tác phân tích, dự báo và ra chính sách quản lý ngành; kho học liệu số, học liệu mở được xây dựng theo chương trình giáo dục của tất cả các môn học; các cơ sở đào tạo lên được kế hoạch tổ chức đào tạo trực tuyến và nâng cao tỷ trọng đào tạo trực tuyến;

Các cơ sở giáo dục đào tạo sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tận dụng tối đa lợi thế công nghệ số để đổi mới các mô hình, cách thức tổ chức dạy học để việc học sẽ trở nên dễ dàng hơn với học sinh, sinh viên, nâng cao tính cá thể hóa học tập, cơ hội học tập được mở rộng đối với những học sinh, sinh viên ở khu vực còn khó khăn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm