Vĩnh Long:
Giảng viên sư phạm hoang mang vì tinh giản biên chế
(Dân trí) - Gần chục giảng viên đang công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long gửi đơn đến các cơ quan chức năng vì sắp bị mất việc do đề án tinh giản biên chế. Nhiều giảng viên hoang mang vì sắp về hưu cũng bị đưa vào tinh giản.
Sắp về hưu cũng bị tinh giản biên chế
Cả hai vợ chồng thầy Nguyễn Hồng Khanh và cô Phạm Thị Kiều Dung, giảng viên môn tiếng Anh (Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long) cùng lúc bị đưa vào đề án tinh giản biên chế. Cô Dung bức xúc: “Tôi giảng dạy đúng chuyên môn, có số tiết dạy vượt chuẩn theo quy định cũng bị đưa vào danh sách tinh giản biên chế. Trong khi đó đề án chưa thông qua tập thể Đảng ủy, Ban chấp hành Công đoàn và Ban chấp hành Đoàn trường… nên rất bất công”.
Theo nhiều giảng viên, việc tinh giản biên chế đã quy định rõ trong Nghị định 108 nhưng Ban giám hiệu đã làm sai dẫn đến sự thắc mắc, khiếu nại. Trong đó việc tinh giản không được tiến hành trên cơ sở rà soát, sắp xếp mà chỉ phân loại cán bộ, công chức nhưng khi xét không chú ý đến so sánh kết quả thi đua hàng năm dẫn đến việc tinh giản những người chưa hề sai phạm. Ngoài ra không đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ nên đã cố tình bỏ sót nhiều cá nhân có thể có trong diện tinh giản. Nhiều trường hợp cả 2 vợ chồng cùng bị tinh giản, sắp về hưu bị tinh giản chưa hợp lý trong khi đó, họ đã cống hiến cho ngành giáo dục mấy chục năm.
Vì vậy, nhiều giảng viên không có bất cứ một vi phạm nào bị tinh giản cảm thấy buồn tủi, hoang mang sau bao nhiêu năm cống hiến cho ngành giáo dục. Thầy Nguyễn Kiến Quốc, giảng viên dạy môn Toán (Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long) cho biết: “Việc tinh giản biên chế theo lộ trình đến năm 2021 nhưng đùng một cái Ban giám hiệu nhà trường gửi đề án tinh giản 22 người làm cho nhiều giáo viên cảm thấy hoang mang, một số không có bất cứ vi phạm gì, giảng dạy tốt cảm thấy bị xúc phạm”. Theo thầy Quốc, nếu thực hiện đúng tinh thần của Nghị định, đúng lộ trình thì giảng viên rất đồng thuận. Đằng này một số giảng viên chuẩn bị về hưu cũng bị tinh giản hay giảng viên chưa đủ năm để lãnh lương hưu không biết sẽ phải sống ra sao…
Ban giám hiệu: Tinh giản do bất khả kháng!
Theo Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long, hiện đề án về việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 108 của Chính phủ và mới trình lên Sở GD&ĐT nên chưa có quyết định chính thức về việc cá nhân nào bị tinh giản biên chế. Hiện trường có 85 giảng viên, cán bộ công nhân viên, theo đề án sẽ tinh giản 22 người. Th.s. Ngô Thanh Trúc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc tinh giản biên chế là thực hiện quy định chung của nhà nước, đây là việc làm bất khả kháng và rất đau xót khi có giảng viên cống hiến cho ngành giáo dục mấy chục năm. Trường rất hiểu những bức xúc của giảng viên nhưng không thể làm khác được vì đào tạo hệ cao đẳng hiện nay rất khó khăn và không có tiền trả lương cho giảng viên…”.
Theo Th.s Trúc, năm vừa rồi nhà trường chỉ tuyển sinh được 80 sinh viên ngành Giáo dục mầm non và tuyển sinh ngoài Sư phạm được 50 sinh viên ngành Quản trị văn phòng. Toàn bộ sinh viên tất cả các ngành của trường hiện chưa tới 600 sinh viên. Hiện nhu cầu giáo viên từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở gần như đã bão hòa. Việc mở thêm các ngành ngoài Sư phạm thì việc tuyển sinh cũng rất khó khăn. Một số ngành gần chục năm nay không tuyển sinh. Trong khi đó, từ năm 2013 UBND tỉnh Vĩnh Long quy định việc cấp kinh phí dựa trên số lượng sinh viên được đào tạo nên trường gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2014, ngân sách không đủ trả lương cho giáo viên nên trường phải bù lỗ đến 4 tháng lương. Năm 2015 này, ngân sách cấp 5,9 tỷ trong khi đó trả lương giảng viên dự kiến lên đến gần 10 tỷ, nếu không tinh giản biên chế chắc chắn không đủ tiền trả lương cho giảng viên vì hiện tại trường cũng hết nguồn.
Theo Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long, năm học 2015 trường được tuyển sinh 4 mã ngành ngoài Sư phạm và 150 chỉ tiêu ngành Giáo dục mầm non. Tuy nhiên, tình hình như hiện nay không biết tuyển sinh được bao nhiêu sinh viên. Th.s Trúc cho rằng: “Đây là khó khăn chung của các trường cao đẳng sư phạm hiện nay, với tình hình này vài năm nữa không tuyển sinh, đào tạo được sẽ tiếp tục tinh giản biên chế và cuối cùng sẽ sát nhập lại giữa các trường cao đẳng trên địa bàn hay như thế nào sẽ do ngành giáo dục và UBND tỉnh quyết định. Nhà trường tổ chức rất nhiều cuộc họp để đi đến quyến định giữ ai, bỏ ai. Bỏ một giảng viên đã gắn bó mấy chục năm với ngành giáo dục là rất đau xót. Đây là điều không ai muốn nhưng không thể không làm”.
Tuy nhiên, nhiều giảng viên hiện nay rất bức xúc khi cống hiến nhiều năm cho ngành Sư phạm lại đột ngột bị tinh giản biên chế mà không theo lộ trình chỉ vì nhà trường không tuyển sinh được và không có lương trả cho giảng viên.
Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |