Giảng viên phát ngôn gây tranh cãi trên mạng xã hội, trường xử lý thế nào?
(Dân trí) - Trường đại học công lẫn tư đều đã đặt ra các quy chuẩn nhằm hạn chế giảng viên có ứng xử trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến thương hiệu nhà trường. Trường hợp xử lý nặng nhất là đuổi việc.
Giảng viên livestream gây tranh cãi, trường nhắc nhở
Gần đây, vụ việc một giảng viên của trường ĐH Luật TPHCM tham gia livestream cùng bà Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam - PV) trên mạng xã hội nhận được nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Thậm chí một số người đã gửi đơn đến Ban giám hiệu trường ĐH Luật TPHCM tố cáo giảng viên này vi phạm pháp luật.
Liên quan vụ việc, ông Trần Hoàng Hải, quyền hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM cho rằng, hiệu trưởng nhà trường là người đứng đầu cơ sở chỉ có thẩm quyền xử lý cán bộ công chức, viên chức trong hoạt động thực hiện nhiệm vụ được giao, còn khi cá nhân giảng viên đó ra ngoài lại là công dân bình thường thuộc thẩm quyền của chỗ khác.
Nếu người có hành vi xúc phạm, vu khống người khác bị tố cáo thì tòa án xét xử, còn nếu người phát ngôn không chuẩn mực, loan tin sai sự thật thì thuộc thẩm quyền xử lý của Sở Thông tin và truyền thông. Khi nào có phán quyết của các cơ quan có thẩm quyền về việc giảng viên này vi phạm pháp luật, lúc đó nhà trường mới tiến hành xử lý căn cứ theo luật viên chức.
Việc giảng viên trường tham gia phát ngôn trên mạng xã hội gây tranh cãi, ông Hải cho biết "với tư cách là người quản lý tôi cũng đã nhắc nhở thầy giáo này không được sử dụng các ngôn từ làm người khác hiểu nhiều nghĩa khác nhau, không được làm ảnh hưởng đến danh dự của nhà trường và không được cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật".
Phát ngôn không chuẩn trên mạng ảo, nặng nhất đuổi việc
Khi mạng xã hội trở nên gắn liền với đời sống thì một số trường ĐH cũng quy định khá chặt chẽ trong việc phát ngôn trên không gian ảo đối với giảng viên.
Ông Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết, do lường trước những tình huống có thể xảy khi sử dụng mạng xã hội nên nhà trường đã ban hành quy tắc ứng xử khi sử dụng hệ thống công nghệ thông tin, mạng internet dành cho sinh viên và giảng viên. Trong đó, có nêu rõ giảng viên và người học không được chia sẻ, bình luận những thông tin chưa kiểm chứng, không chính đáng hoặc không tốt trên mạng xã hội.
Đối với giảng viên, người lao động tùy theo mức độ vi phạm sẽ có hình thức xử lý trong đó nặng nhất là xem xét đuổi việc, tất nhiên khi thực hiện vẫn kèm theo quy định của luật viên chức.
"Nếu người phát ngôn trên mạng xã hội với vai trò cá nhân thì không vấn đề gì nhưng nếu nhận mình là giảng viên của trường thì mặc nhiên nhà trường sẽ xem xét mức độ vi phạm đến mức nào để đưa ra xử lý bởi hành vi ấy làm ảnh hưởng đến thương hiệu của nhà trường. Đáng mừng là kể từ khi ban hành quy tắc này, trường chưa xử lý trường hợp nào vi phạm", ông Hoàn nói.
Ông Hoàn nhấn mạnh, "với vai trò giảng viên thì văn hóa ứng xử phải khác người thường, nếu lên mạng xã hội nói điều không hay, dùng lời lẽ thô tục là điều không chấp nhận được".
Trường hợp giảng viên trường lên mạng xã hội phát ngôn những vấn đề gây tranh cãi thì phải xem xét hành động đó như thế nào. Nếu nhà trường xác định nội dung trên không được hoặc chưa được đưa lên mạng xã hội thì giảng viên phải có ý thức điều chỉnh hành vi của mình, nếu tái diễn thì hội đồng kỷ luật của trường sẽ xử lý.
Trong khi đó, trường tư nên việc giữ hình ảnh được trường ĐH Công nghệ TPHCM (Hutech) đặt lên hàng đầu. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường cũng quy định giảng viên chỉ được phát ngôn trong nội dung chuyên môn giảng dạy, còn những nội dung về hoạt động của trường thì sẽ có bộ phận chức năng phụ trách phát ngôn. Đối với những vấn đề xã hội, người giảng viên có thể chia sẻ trên mạng xã hội với tư cách cá nhân, tuy nhiên không thể tự xưng là người của trường khi bày tỏ những nội dung về tôn giáo, chính trị.
"Ngoài ra, dù không xưng là giảng viên của trường nhưng đăng tải, bình luận các thông tin được xem là lệch lạc, không tốt thì nhà trường sẽ có biện pháp nhắc nhở. Phòng chính trị công tác sinh viên sẽ rà soát, nếu phát hiện giảng viên có những hành vi trên mạng xã hội làm ảnh hưởng đến thương hiệu của trường thì phòng nhân sự sẽ nhắc nhở chấn chỉnh, trường hợp tái diễn hoặc có thái độ chống đối trường sẽ chấm dứt hợp đồng với họ", ông Quốc Anh chia sẻ.
Không riêng gì hai trường đại học trên, việc giữ gìn thương hiệu được nhiều trường hết sức chú trọng. Cách đây vài năm, trường ĐH Kinh tế TPHCM đã thông báo nhắc nhở và yêu cầu tạm đóng tài khoản Facebook đối với một giảng viên của trường vì phát ngôn sai lệch trên mạng xã hội.
Được biết, giảng viên này đã viết trên trang cá nhân bày tỏ quan điểm sinh viên một trường đại học khác tại TPHCM "khá kiêu căng và ngạo mạn" đồng thời không bằng lòng khi có người so sánh trường mình với một trường đại học khác.