Giảng viên “ngại” tham gia nghiên cứu khoa học

(Dân trí)- Theo thống kê của Bộ GD-ĐT hiện nay chỉ 28,4% giảng viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Tỷ lệ giảng viên là chủ nhiệm đề tài, nhiệm vụ cấp nhà nước còn rất khiêm tốn và chủ yếu tập trung vào đội ngũ giảng viên trên 45 tuổi.

Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo "Giải pháp tạo động lực cho giảng viên ĐH tham gia nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ" (NCKH-CGCN).
 
Giảng viên “ngại” tham gia nghiên cứu khoa học  - 1
Nhiều giảng viên không mặn mà với nghiên cứu khoa học.

Giảng viên luôn bị quá tải về giờ dạy

Theo báo cáo của 34 trường cho thấy, từ năm 2006 đến năm 2009, có 248 đề tài cấp Nhà nước được thực hiện với tổng kinh phí 136.066,3 triệu đồng;1.823 đề tài cấp Bộ với kinh phí 185.832,5 triệu đồng; 5.505 đề tài cấp trường với kinh phí 53.317 triệu đồng. Đặc biệt, theo thống kê chỉ có 28,4% giảng viên tham gia hoạt động NCKH-CGCN. Tỷ lệ giảng viên là chủ nhiệm đề tài, nhiệm vụ cấp nhà nước còn rất khiêm tốn và chủ yếu tập trung vào đội ngũ giảng viên trên 45 tuổi.

Tại hội thảo nhiều ý kiến đại biểu cho rằng công tác NCKH hiện nay ở các trường còn hạn chế, các giảng viên mới chỉ làm nhiệm vụ giảng dạy là chủ yếu. Do hoạt động NCKH và CGCN chưa tạo được sức hút với các giảng viên vì họ luôn bị quá tải giờ giảng nên không còn thời gian dành cho NCKH.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, cơ sở vật chất phục vụ công tác NCKH hiện ở nhiều trường đại học còn nghèo nàn. Kinh phí ít, thiếu cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ. Một số chính sách, đặc biệt là cơ chế tài chính chưa phù hợp để thực hiện đề tài khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học của Việt Nam chưa đồng đều, thiếu chuyên gia giỏi đầu đàn trong nhiều lĩnh vựcvà đủ sức đảm nhiệm các nhiệm vụ nghiên cứu có tầm cỡ quốc tế. Đặc biệt, nước ta cũng chưa có một viện, trường, trung tâm nghiên cứu nào đạt đẳng cấp quốc tế hoặc khu vực…

Ông Lê Minh Tiến, giảng viên Trường ĐH Mở TPHCM, cho biết nguồn thu nhập chính yếu của các giảng viên ĐH hiện nay đến từ việc giảng dạy. Việc NCKH vừa tốn nhiều thời gian, công sức, trong khi thu nhập lại ít ỏi. Thực tế, nhiều giảng viên dạy vượt quá 200%-300% số giờ quy định là bình thường. Thậm chí nhiều giảng viên còn đi dạy thêm ở trường tư vì ở đó thù lao mỗi tiết dạy cao hơn. Do vậy, giảng viên “quên” NCKH là điều không hề khó hiểu. Bên cạnh đó, từ trước đến nay, chưa có một chế tài nào đối với những người không nghiên cứu. Nhiều giảng viên ĐH hiện nay không có công trình nghiên cứu nào trong thời gian dài nhưng vẫn được giảng dạy”.

Tại hội nghị, ông Tiến đề nghị: Với những trường đại học mới thành lập, Bộ GD-ĐT phải đặt ra những yêu cầu về cơ sở vật chất phục vụ NCKH thì mới cho hoạt động đào tạo; giảm tỷ lệ giảng viên/sinh viên để giảm bớt áp lực giảng dạy cho giảng viên; đồng thời xây dựng bộ tiêu chí nhằm xếp hạng năng lực NCKH của các trường ĐH và công bố công khai những xếp hạng này, đi kèm với một số chế tài liên quan đến việc tuyển sinh, giao chỉ tiêu đào tạo. Đặc biệt, cần quy định rõ trình độ ngoại ngữ của những giảng viên ĐH vì giảng viên ĐH cần thông thạo một ngoại ngữ.

Không phân phối hết tiền đầu tư NCKH

Được biết, năm 2007, Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn lại cho ngân sách Nhà nước 125 tỉ đồng vì không phân phối hết cho các đề án nghiên cứu; năm 2006, con số được hoàn trả lên đến 321 tỉ đồng.

Ngay ở ĐH Quốc gia Hà Nội, mấy năm gần đây vẫn phải hoàn lại từ hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng kinh phí NCKH vì không thể giải ngân được.

TS Lê Thị Tuyết Hạnh, Học viện Quản lý giáo dục, cho rằng: “Hiện nay giảng viên chưa coi việc NCKH là nhiệm vụ thiết thân vì chính cách quản lý NCKH bằng hình thức và máy móc, bằng sự phân chia kinh phí hay đăng ký trước đề tài đã làm tiêu tan nhiệt tình của các nhà khoa học chân chính, tạo kẽ hở cho sự tiêu cực và tham nhũng khoa học nảy sinh, cho nhiều công trình khoa học không có lợi cho ai cả của những nhà NCKH cơ hội ra đời”.

TS Hạnh đề nghị: “Chấm dứt tình trạng quản lý phân bổ đề tài, kinh phí NCKH bình quân, cũng không nên để tồn tại các hội đồng khoa học gồm các nhà khoa học không cùng chuyên môn, như thực tế nhiều hội đồng khoa học của các trường hiện nay”.

Tháo gỡ khó khăn trên, tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý lưu ý các trường cần thêm giải pháp tăng cường các nguồn lực từ doanh nghiệp, địa phương và đặc biệt là từ hợp tác quốc tế. Thứ trưởng cho rằng, để đẩy mạnh công tác NCKH và tạo động lực cho giảng viên cần thay đổi được nhận thức của nhà trường và của từng giảng viên. Bên cạnh vấn đề cơ chế chính sách, cần đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm; vấn đề đổi mới công tác quản lý về khoa học và công nghệ.

 

ĐH Kinh tế quốc dân vừa tổ chức hội nghị “Tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên các trường đại học khối kinh tế, quản trị kinh doanh giai đoạn 2006 -2010”. Theo báo cáo tổng kết, trong giai đoạn 2006 - 2009, tỷ lệ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) đã tăng gần 2,25%, đó là nỗ lực lớn của các trường trong việc thức đẩy hoạt động NCKH sinh viên. Năm 2009, số giải thưởng các cấp trong hoạt động NCKH sinh viên tăng 19,3% so với năm 2006.

Bên cạnh đó, chất lượng đề tài cũng được nâng lên rõ rệt, thể hiện ở tính nghiêm túc khi nghiên cứu, số liệu được lựa chọn tương đối công phu, cập nhật và phân tích có chiều sâu. Cụ thể, về giải thưởng các cấp năm 2006 là 663 giải đến năm 2009 tăng lên 791 giải, trong đó giải cấp Bộ năm 2006 172 giải đến năm 2009 tăng lên 218 giải.

 
Hồng Hạnh