Giảng viên ĐH hay thợ dạy?

Sức hút kỳ lạ từ các trung tâm luyện thi, dạy thính giảng ở các trường dân lập, tư thục, tại chức... đã đẩy nhiều giảng viên vào vòng xoáy kiếm tiền, rời xa dần việc nghiên cứu khoa học.

6giờ sáng, trong ngôi nhà nhỏ ở quận 3, TPHCM, gia đình tiến sĩ (TS) H. đang hối hả chuẩn bị cho một ngày mới. TS H. phải xoay xở làm sao để vừa đưa 2 đứa con đi học, một ở Trường Tiểu học Lương Định Của (Q.3), một ở Trường THCS Thực nghiệm (Q.5) vừa ăn sáng và có mặt ở trung tâm luyện thi ĐH ở Q.1 đúng 7 giờ. Suốt 7 ngày trong tuần và suốt 20 năm qua, TS H. đều phải tranh thủ từng phút như vậy.

 

Vòng xoáy luyện thi

 

10 phút trước khi vô lớp, TS H. uống vội ly cà phê ở quán trước cổng trung tâm luyện thi và ăn vội gói xôi đã mua trên đường đi. Xôi không phải là món ăn ưa thích của TS H. nhưng vì nó lẹ. Sau 6 tiết dạy, đến 11 giờ 45 phút TS H. chạy về đón con ở Trường THCS Thực nghiệm. Về nhà, TS H. bắc nồi cơm để cha con cùng ăn. Nghỉ lưng vài phút, để con lại ở nhà, TS H. tiếp tục tiết dạy thứ bảy trong ngày ở trung tâm luyện thi lúc 13 giờ. Sau 2 tiết lại có 5-10 phút nghỉ, cứ như thế TS H. dạy đến tận 21 giờ.

 

Trải qua 1 ngày với 16 tiết dạy, đêm về đến nhà TS H. không còn ăn được nữa, nói cũng không nổi mà chỉ ngồi thẫn thờ... Những ngày phải ngồi thẫn thờ quá nhiều nên TS H. sáng tác cả tập thơ, có bài được phổ nhạc.

 

Sức hút ghê gớm

 

Tôi hỏi sao không bớt giờ dạy để còn thời gian tái tạo sức lao động. TS H. tâm sự: “Đôi khi nhìn những những người ngồi quán cà phê buổi sáng với tờ báo trên tay mà tôi tức sao mình không được như vậy. Nhưng đã đi dạy rồi nay xin bớt giờ lại cũng khó khăn. Các trung tâm họ cứ gọi điện đến khi nào mình đồng ý thì thôi. Giờ nào mình trống ở trường ĐH là họ lắp ngay giờ vào”.

 

Một TS khác tốt nghiệp ở nước ngoài, từng đạt giải thưởng cấp quốc tế khi còn là học sinh nhưng nay cũng là “trùm” về luyện thi. Những người trong ngành tiết lộ: TS này chưa có được một bài báo khoa học nào đăng trên tạp chí quốc tế. Còn một PGS khác đã dành nhiều tâm trí, thời gian cho việc nghiên cứu khoa học trong một thời gian dài nhưng nay cũng phải lao vào vòng xoáy luyện thi.

 

Nhìn vào thù lao các trung tâm luyện thi trả cho các giảng viên mới thấy vì sao việc dạy luyện thi có sức hút ghê gớm như vậy! Thấp nhất mỗi tiết dạy là 50.000 đồng. Nếu giảng viên “có giá” mỗi tiết dạy có thể lên đến 150.000 đồng. Nhịp độ dạy như TS H. thì mỗi ngày có thể bỏ túi trung bình 1,6 triệu đồng. Thu nhập 1 tháng có thể lên tới 30-40 triệu đồng.

 

Chạy “sô” thỉnh giảng

 

Nếu các giảng viên khoa cơ bản bị hút vào vòng xoáy luyện thi thì giảng viên khoa chuyên ngành bị hút bởi việc thỉnh giảng tại các trường dân lập, tư thục hoặc các hệ đào tạo ngoài chính quy.

 

Trong một ngày, thạc sĩ (ThS) T. dạy đến 4 trường ĐH với đủ các loại hình công lập, bán công, dân lập. May mà các trường này nằm ở trung tâm TP nên việc di chuyển cũng tốn ít thời gian. Dù tranh thủ từng phút nhưng ThS T. luôn phải xin lỗi sinh viên vì việc đến muộn về sớm của mình. Đến cuối buổi chiều, ThS T. không còn nói nổi nữa nên sinh viên có hỏi gì cũng đành bó tay, hẹn lại dịp khác hoặc ghi ra vài cuốn sách tham khảo cho sinh viên tự tìm đọc.

 

Một TS dạy chuyên ngành kinh tế ngoại thương đạt kỷ lục giờ giảng tại trường với trên 1.000 tiết/năm và còn thỉnh giảng ở nhiều trường khác. Thù lao mỗi tiết dạy ở các trường ĐH ngoài công lập không cao bằng luyện thi ĐH, chỉ khoảng 50.000 đồng/tiết nhưng do sắp xếp dạy được nhiều giờ nên thu nhập của giảng viên này tổng cộng lên tới 20 triệu đồng/tháng.

 

Rơi vào tình trạng thợ dạy

 

Các giảng viên từng dạy ở nước ngoài đã đánh giá giảng viên Việt Nam đang rơi vào tình trạng thợ dạy. PGS-TS Nguyễn Lương Dũng, giảng viên Việt kiều đang dạy tại ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết: “Ở nước ngoài, số giờ giảng trung bình của các giảng viên là 6-8 giờ/tuần. Riêng ở Đức, sau 7 năm làm việc sẽ được cho nghỉ 1 năm dưỡng sức”. Trong khi đó, ở nước ta giảng viên phải lên lớp 25-30 giờ/tuần hoặc hơn thế nữa.

 

Theo ông Dũng, việc nghiên cứu khoa học nếu không thực hiện được các công trình lớn thì cũng phải làm những nghiên cứu nhỏ vì qua đó giảng viên cập nhật được kiến thức, đưa kiến thức mới vào giảng dạy cho sinh viên. Đó là nhiệm vụ bắt buộc đối với một giảng viên ĐH.

 

Có quy định nhưng không ai làm

 

Theo quy định hiện hành về chế độ làm việc của cán bộ giảng dạy ĐH của Bộ GD-ĐT, nhiệm vụ cơ bản của cán bộ giảng dạy ĐH là giảng dạy, nghiên cứu và thực nghiệm khoa học kỹ thuật. Thời gian dành cho công tác giảng dạy quy ra giờ chuẩn của một GS là 290-310 giờ/48 tuần/năm học, PGS: 270-290 giờ, giảng viên: 260-280 giờ; thời gian dành cho công tác nghiên cứu và thực nghiệm khoa học kỹ thuật của một GS: 500 giờ/năm, PGS: 450 giờ, giảng viên: 350 giờ... Với số lượng giờ giảng của nhiều giảng viên hiện nay thì rõ ràng thời gian cho việc tái tạo sức lao động còn không có nói gì đến sáng tạo hoặc nghiên cứu khoa học.

 

Tình hình này, Bộ GD-ĐT đã nhìn thấy. Bộ cho rằng, do tỉ lệ số lượng sinh viên trên giảng viên quá cao, trung bình 30 sinh viên/giảng viên nên có đến 50% - 60% giảng viên không dành hoặc dành rất ít thời gian làm nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, một GS lâu năm cho rằng: Con số giảng viên không làm nghiên cứu khoa học thực tế còn cao hơn.  

 

Theo Diệu Hằng

Người Lao Động