Quảng Bình:

Gian nan vượt rừng tìm chữ

(Dân trí) - Hàng chục năm nay, các em nhỏ vùng cao ở Hang Còi (bản Đá Còi, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) phải gùi theo gạo, sách vở, áo quần… băng khe suối, vượt hàng chục km đường rừng heo hút để học lấy chữ Bác Hồ, gieo ước mơ thoát nghèo.

Trèo đèo, lội suối ra trung tâm trọ học

Hang Còi thuộc xã miền biên Ngân Thủy, nằm lọt thỏm giữa núi rừng hùng vỹ của dãy Trường Sơn. Bao đời nay, người dân nơi đây phải đi bộ hàng chục km đường rừng, lội qua con nước khe suối Rào Đá hung dữ mới ra được tận trung tâm xã. Đời sống người dân còn nghèo khó, điều kiện đi lại khó khăn, chính vì thế việc học tập của con em trong bản cũng trở nên gian nan, vất vả hơn. Để học được chữ Bác Hồ, các em học sinh (HS) phải ra ở trọ nhà người quen cách đó hàng chục cây số đường rừng.

Ông Nguyễn Ba, Bí thư chi bộ bản Đá Còi cho biết, Hang Còi hiện có hơn 30 em HS đang “di trú” ở Rào Đá để học lấy cái chữ. Cứ đầu tuần là các em lại gói gém hành trang gồm ít cân gạo, sách vở, áo quần để vượt hàng chục km đường rừng ra trung tâm bản trọ học. Để học chữ, các em nhỏ học lớp mầm non cũng phải theo chân anh chị băng rừng, lội suối bất chấp hiểm nguy.
 
Các em học sinh mần non cũng theo chân anh chị ra Rào Đá trọ học
Các em học sinh mầm non cũng theo chân anh chị ra Rào Đá trọ học.
 
Chị Hồ Thị Thủy ở Hang Còi, có 2 đứa con “di trú” ra Rào Đá trọ học, băn khoăn: “Nhiều lúc nghĩ thấy thương các con quá. Người lớn lội suối, băng rừng còn cảm thấy sợ huống chi các cháu còn nhỏ dại như rứa. Nhưng để các con biết cái chữ thì cũng đành phải chịu chứ biết mần răng bây giờ?”. Ở Hang Còi, không riêng gì gia đình chị Thủy mà hàng chục gia đình khác cũng đang trong cảnh lo lắng cho chuyện học của con em mình.
 
Các em học sinh mần non cũng theo chân anh chị ra Rào Đá trọ học
Để muốn con thoát khỏi kiếp nghèo, các bậc cha mẹ ở Hang Còi đành phải chấp hiểm nguy cho con vượt hàng chục km đường rừng ra Rào Đá trọ học.
 
Chia sẻ những khó khăn, vất vả đó, nhiều hộ gia đình ở Rào Đá đã mở rộng tấm lòng chào đón các em HS ở Hang Còi ra trọ học mà không hề lấy một đồng. Không những thế, họ còn nấu cơm cho ăn những lúc các em hết gạo. Điển hình như gia đình anh Hồ Văn Chung. Dù kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng vợ chồng anh Chung đã cho 7 em ở Hang Còi ở trọ miễn phí.
 
“Nhà tôi rộng lắm nên tiếc chi mà không cho các cháu ở. Tôi luôn xem các cháu như con cháu của mình vậy”, anh Chung chia sẻ. Vợ chồng anh Chung cũng có 2 con đang theo học cấp 3 ở trường PTDTNT tỉnh nên anh đã thấu hiểu được cảnh xa nhà trọ học của các em HS ở Hang Còi.
 

Dù con đường đến lớp với các em học sinh ở bản Đá Còi gặp muôn vàn khó khăn nhưng các em đã vượt lên hoàn cảnh, nỗ lực trong học tập. Hiện tại bản có 6 em học cấp 3 ở trường PTDTNT tỉnh. Ngoài ra, còn có em Hồ Thị Hoàng đang là SV năm 2, Trường ĐH Nông lâm Huế và em Hồ Văn Bình, đã tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế Huế.

Lớp học “2 trong 1”

Hang Còi cách trung tâm xã Ngân Thủy gần 30 km. Đường xa, đi lại khó khăn nên những năm gần đây, các cấp ban ngành đã đầu tư điểm trường Tiểu học ở Rào Đá nhằm phục vụ công tác dạy học cho HS bậc tiểu học được tốt. Còn đối với HS bậc THCS thì phải lên trung tâm xã, HS bậc THPT phải xuống ở bán trú tại trường PTDTNT tỉnh để theo học.

Để tận mắt chứng kiến sự khó khăn trong công tác dạy và học nơi đây, chúng tôi đã có mặt tại điểm trường Rào Đá. Hiện điểm trường Rào Đá có 6 giáo viên (GV) cắm bản dạy chữ. Điều kiện cơ sở vật chất trường còn nhiều thiếu thốn, chưa có đầy đủ phòng học nên 2 lớp phải học chung trong một phòng. Các thầy cô ở đây thường hay ví von: lớp học “2 trong 1”, và GV cũng phải dạy luôn 2 lớp. Gọi là lớp, nhưng thực chất mỗi lớp cũng chỉ có từ 4 đến 10 em, trung bình mỗi GV phụ trách dạy 5 em.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Duy Xuân, dạy lớp ghép 4 - 5, than phiền: Do phải dạy kèm một lúc 2 lớp trong một phòng nên GV gặp rất nhiều khó khăn. Dạy xong lớp này phải quay sang ra bài tập, rồi hướng dẫn cho lớp kia làm. Phòng học được kê 2 cái bảng ở 2 đầu với 2 chương trình khác nhau nên các em bị mất tập trung. Hơn nữa, HS ở đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Vân Kiều nên bắt buộc GV phải biết chữ Vân Kiều thì học trò mới hiểu bài. Chính vì thế, chất lượng học tập của các em ít nhiều bị ảnh hưởng.
 
Lớp học 2 trong 1 ở Rào Đá
Lớp học "2 trong 1" ở Rào Đá.

Chia tay các em học sinh nơi miền sơn cước Hang Còi và những GV đang ngày đêm miệt mài cắm bản, gieo ước mơ thoát nghèo cho các em nhỏ vùng cao, chúng tôi mang theo cả những tâm sự cũng như những mong muốn từ đáy lòng của GV và các em HS. Mong rằng các cấp ban ngành quan tâm, đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, các trang thiết bị dạy học để cho công tác dạy và học ngày một tốt hơn.

Đăng Đức - Đặng Tài