Thanh Hóa:

Gian nan đường đến trường của nữ sinh đỗ ĐH Luật

(Dân trí) - Đỗ vào ĐH Luật Hà Nội với số điểm khá cao (24 điểm), thế nhưng niềm vui ấy với Lê Thị Hòa (ở thôn 5, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) còn đang chông chênh khi em phải đối mặt với nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

Lê Thị Hòa sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh rất éo le. Cách đây 5 năm, bố em đã qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo, khi đó Hòa chỉ mới học 7, còn đứa em út mới tròn 1 tuổi. Gánh nặng oằn lên đôi vai người mẹ. Một mình mẹ em tảo tần làm 3 sào ruộng rồi làm thuê làm mướn nuôi 3 chị em Hòa khôn lớn.

Gian nan đường đến trường của nữ sinh đỗ ĐH Luật
Bên cạnh niềm vui nhận được giấy báo nhập học là nỗi buồn của Hòa cùng những người trong gia đình khi hoàn cảnh gia đình em quá khó khăn.

Cũng vì một thân một mình nuôi các con cùng với gánh nặng món nợ từ những ngày chồng bị bệnh nên trong căn nhà nhỏ hẹp của bốn mẹ con không có một vật dụng gì đáng giá, chỉ có chiếc xe đạp là vật duy nhất có giá trị. Thương mẹ, chị em Hòa luôn học hành chăm ngoan và đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Biết gia đình khó khăn nhưng ước mơ được học đại học vẫn luôn khát khao trong lòng cô học trò sớm phải lo toan này, Hòa đã quyết định đăng ký thi vào trường Đại học Luật Hà Nội.
 
Sau khi bài viết này được đăng tải trên báo điện tử Dân trí, đông đảo độc giả gửi bình luận ngỏ ý muốn động viên, chia sẻ với em Lê Thị Hòa. Chúng tôi xin đăng số điện thoại của em Hòa để độc giả có thể liên hệ với em:  0163 922 7692
Mặc dù, vừa phải giúp đỡ mẹ việc đồng áng vừa ôn thi đại học nhưng kỳ thi đại học vừa qua, Hòa đã đạt số điểm khá cao, 24 điểm. Còn nhớ, ngày em đi thi, anh em chú bác, xóm giềng, ai cũng thương nên đến hỗ trợ mỗi người một ít tiền để em làm lộ phí đi thi. Hôm xem kết quả trên mạng, biết ước mơ đậu đại học của mình đã thành hiện thực, nhưng em đã ôm mẹ và khóc bởi em biết rằng rồi đây cái ước mơ ấy sẽ khó trọn vẹn khi gia cảnh quá khó khăn. Hiểu rằng mình không thể tiếp tục là gánh nặng trên đôi vai tảo tần của mẹ đã quá nhiều vất vả, nên em đã quyết định gác lại giấc mơ giảng đường.

Hòa chia sẻ: “Em luôn nghĩ chỉ có con đường học mới thoát nghèo rồi em quyết tâm thi bằng được đại học để thay đổi cuộc đời mình nhưng cho đến bây giờ, khi đối mặt với nó, em lại chùn bước bởi em hiểu chỉ mình mẹ không thể nuôi em đi học giữa chốn thành đô được, rồi còn hai đứa em em nữa...”.

Chị Lê Thị Bình, mẹ của Hòa nghẹn ngào: “Tôi cũng rất lo lắng, không biết khi cháu ra nhập trường thì lấy tiền đâu ra cho con. Nghĩ mà thương lắm, nhưng cũng chẳng biết làm cách nào, chỉ biết trước mắt cứ động viên con vào đại học đi, nhưng cháu bảo nếu vào đại học, nhà mình không đào đâu ra tiền cho con ăn học đâu mẹ ạ”.

Bà Lê Thị Chinh, hàng xóm nhà chị Bình tâm sự: “Khi nghe thông tin cháu Hòa đậu vào ĐH Luật Hà Nội, nhưng cháu có ý định bỏ học vì gia cảnh, nên tôi đến động viên cháu nên đi học, nhưng cháu bảo cháu đi học thì mẹ cháu lấy tiền đâu để nuôi cháu 4 năm đại học. Rồi còn các em cháu nữa chứ, cháu không thể ích kỷ cho riêng mình mà để mẹ khổ, để các em thiệt thòi. Đúng là gia đình nhà cháu Hòa khó khăn thật, nhưng bù lại mấy chị em chúng nó học giỏi lắm, nếu để cháu bỏ đại học vì hoàn cảnh thì thật đáng thương. Anh em, bà con chòm xóm có giúp cháu thì cũng chỉ là tinh thần và mỗi người vài chục, vài trăm ngàn mà thôi. Nó nói cũng đúng, nếu nó đi học thì mẹ nó cũng không biết làm gì để nuôi nó”.

Tranh thủ những thời gian nghỉ, Hòa lại giúp mẹ những công việc trong gia đình.
Tranh thủ những thời gian nghỉ, Hòa lại giúp mẹ những công việc trong gia đình.

Ông Cao Văn Bình, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Vĩnh Lộc cho biết: “Chúng tôi sẽ bàn với Hội Khuyến học huyện, các cơ quan, ban ngành của huyện động viên, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để em ấy được đi học. Hiện nay, chính sách của Nhà nước là không để bất cứ một sinh viên đại học nào phải bỏ học vì hoàn cảnh quá khó khăn. Do đó, hàng năm Chính phủ tạo điều kiện cho mỗi sinh viên nghèo được vay vốn học tập với mức 9 triệu đồng/năm, để các em đủ điều kiện theo học”.

Ngày cầm tờ giấy báo nhập học trên tay, cô nữ sinh rưng rưng nước mắt, biết rằng đó là ước mơ của bao nhiêu người khác, biết rằng “chỉ có học mới thoát khỏi cảnh nghèo” nhưng rồi em đành gác lại giấc mơ giảng đường đại học, vì sau em còn hai đứa em đang đi học và cũng là để đôi vai mẹ bớt gánh nặng.

Có lẽ ước mơ của em phải tạm gác lại nếu không có sự động viên của hàng xóm, láng giềng, anh em họ hàng và quan trọng hơn hết là người mẹ của em. Nuốt nước mắt vào trong, Hòa lên đường nhập học mà tâm trạng em lẫn lộn nỗi buồn vui, vui vì em có thể thực hiện được ước mơ bấy lâu của mình, buồn vì không biết những tháng ngày trước mắt em sẽ lấy đâu ra tiền để theo học.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Dân trí, Hòa cho biết: "Em đã xin vào ở ký túc xá, em cũng bắt đầu làm quen được với giảng đường đại học. Nhưng em thương mẹ ở quê lắm, mẹ đã vất vả vì chúng em nhiều rồi. Em cũng chưa biết thời gian tới sẽ như thế nào, nhưng trước mắt em sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng mẹ và mọi người". 

Nguyễn Thùy - Duy Tuyên

Dòng sự kiện: Vượt khó đỗ ĐH

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm