Gian lận thi cử: “Hãy rửa tai để nghe lời nói thật”
(Dân trí) - Trong một bài báo, nhà báo Hữu Thọ đã viết, đại ý: "Muốn nghe được lời nói thật là phải công phu lắm, phải thành tâm lắm. Hãy rửa tai để nghe lời nói thật vì không có lời nói thật nào mà không có vị chua chát và cay đắng. Để bệnh nói dối tràn lan chủ yếu là tại người nghe" - Đây là đoạn kết trong bài phân tích về nguyên nhân gian lận thi cử của GS.TS, Nhà giáo nhân dân Trần Đức Viên – Học viện Nông nghiệp.
Trước đó, Dân trí đã giới thiệu phần 1 bài viết: Gian lận thi cử: Lo âu về phẩm giá của thế hệ tương lai, về tiền đồ dân tộc!
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gian lận thi cử, có thể phân ra 3 nhóm: Gia đình, Nhà trường và Xã hội.
Gia đình thiện lương thường có những đứa con tử tế
Gia đình là tế bào xã hội, nơi nuôi dưỡng, dạy dỗ và rèn rũa để hình thành nên nhân cách một con người. Chỉ cần tiếp xúc với một ai đó, là chúng ta có thể biết tương đối chính xác anh ta, chị ta được sinh thành trong một gia đình như thế nào, nếp nhà ra sao, phông văn hóa dày hay mỏng.
Có hai thứ rất khó che giấu, đó là nền tảng văn hóa và sự nghèo khó, có che đậy, giấu diếm, ngụy trang, son phấn thế nào, sớm muộn gì “bộ mặt thật” vẫn cứ bị phơi bày.
Không phải tất cả đều là như vậy, nhưng gần như tất cả là như thế: Gia đình thiện lương thường có những đứa con tử tế và hiếu đễ.
Từ xưa đến nay, có nhiều gia đình quan chức và các gia đình có điều kiện kinh tế nhưng có nền tảng văn hóa không cao, “nếp nhà” thấp, truyền thụ cho con các giá trị đạo đức lệch chuẩn, nhưng lại có quan hệ xã hội rộng vì có quyền có tiền hoặc có cả hai.
Do đó, con em họ thường ỷ lại vào quyền huynh thế phụ, học lực và đạo đức yếu kém, nhưng lại muốn làm “quan”, không phải để cống hiến và chứng tỏ gia phong, mà là để kiếm chác, để vinh thân phì gia.
Một sự thật hiển nhiên là trong xã hội đương thời, thường đã làm quan là khá giả, là giầu có, là được người đời ngưỡng mộ và trọng vọng, do các thang bậc giá trị trong xã hội đã bị méo mó; nên theo quy luật cung- cầu, những người này đã tìm đến với nhau, đổi chác, mua bán, hình thành “liên minh” quyền-tiền-điểm thi với các qui mô và mức độ tinh vi khác nhau.
Hình như phong trào xây dựng gia đình văn hóa trong thời gian qua không mấy thành công, nên giấy chứng nhận gia đình văn hóa thì nhiều mà gian lận thi cử (cùng với các tệ nạn và các hành vi vi phạm đạo đức xã hội và pháp luật nhà nước khác) lại ngày một nhiều hơn.
"Nói dối" đã trở thành “phổ cập” ở hầu hết các nhà trường
Trong đời người, trung bình một người thường phải sử dụng từ 27% đến 44% độ dài của cuộc đời mình để “mài đũng quần” trên ghế nhà trường. Vì thế, cùng với gia đình, nhà trường có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên nhân cách và phẩm giá của một con người.
Buồn là việc chạy theo thành tích cũng là một biểu hiện "nói dối" đã trở thành “phổ cập” ở hầu hết các nhà trường, thể hiện rõ nhất ở số lượng có quá nhiều học sinh giỏi các cấp, và người ta không thể biết đó là điểm của thầy, điểm của trò hay là điểm của phụ huynh.
Có lớp 100% là học sinh giỏi, và gần như không có học sinh bị đúp. Ngày xưa, năm học nào cũng có bạn bị lưu ban; bây giờ thì, tất cả đều phải “lên lớp”.
Người ta đã chứng kiến có những sinh viên đại học ngành kĩ thuật không biết qui đồng mẫu số, điều tưởng là cực kỳ phi lý nhưng lại có thật trong nhà trường Việt nam hiện nay.
Một biểu hiện “tha hóa” nữa là trường chuyên lớp chọn, các bậc phụ huynh gọi là lớp VIP khi khoe của, khoe con khoe cháu với bạn bè, làng xóm. Ban đầu, lớp VIP chỉ dựa trên học lực của học sinh, sau mới sinh ra “lớp chọn mở rộng” thì phụ thuộc chủ yếu vào "túi tiền" của phụ huynh.
Trong khi nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến đã xóa bỏ hình thức giáo dục này thì ở nước ta, cả xã hội tìm mọi cách cho con em mình chạy đua vào các trường chuyên lớp chọn, trường điểm.
Đây là hiện tượng không bình thường vì nó công khai sự phân biệt đối xử ngay trong một trường học, trong khi một xã hội văn minh là một xã hội trao cho con người quyền bình đẳng về cơ hội, mà đầu tiên là quyền bình đẳng trong giáo dục công.
Về bản chất, đây là một hình thức “đặc quyền” của các gia đình có quyền và có tiền, với họ và con cái họ, để lại nhiều hệ lụy không mong muốn lâu dài cho việc xây dựng một xã hội văn minh và tiến bộ.
Dạy thêm - học thêm tràn lan, một khi học thêm không mở mang thêm tri thức mới cho học sinh, cũng không nâng cao sự năng động thể chất, sự sáng tạo trong tư duy, hay sự bay bổng trong tâm hồn, nó không còn là biểu hiện của tinh thần hiếu học mà trở thành một tệ nạn.
Tất cả những tệ nạn đó có lẽ đã được thúc đẩy và tiếp sức vì chế độ lương bổng ‘không giống ai’ của chúng ta với đội ngũ công chức, viên chức nói chung, với đội ngũ ‘người giáo viên nhân dân’ nói riêng, nhiều người trong số họ ban đầu buộc phải nhắm mắt đưa chân vào việc dạy thêm như cần câu cơm, như một sinh kế, rồi có người không giữ được phẩm hạnh của họ nữa, họ bị tha hóa dần và biến chất.
Một hệ quả lớn hơn, đó là nó làm sụp đổ toàn bộ quá trình giảng dạy đạo đức hay nhân cách cho học sinh, khi chính những người thầy ở vị trí có tính biểu tượng truyền thống về đạo đức và đang giảng dạy đạo đức lại làm những việc trái với những điều họ răn dạy về đạo đức cho học trò.
Chương trình đào tạo được thiết kế vì người lớn nhiều hơn là vì người học, vì con trẻ; nhiều khi được áp đặt từ bên trên, từ bên ngoài nhà trường.
Vì do áp đặt và thiết kế không chuẩn nên dẫn đến hiện tượng quá tải về kiến thức, trong đó có nhiều thứ không thiết thực, người học không cần, nhưng họ buộc phải học để thi, để tốt nghiệp.
Lối giáo dục đặt nặng về điểm số, đặt nặng thành tích, không quan tâm đến sự hứng thú và thực tiễn, trò lo học đối phó để kiếm điểm nên học hình thức, thiếu thực chất, thiếu thực lực, thiếu thực học, thiếu thực tài, ngay cả học sinh sinh viên khá giỏi cũng sẵn sàng quay cóp, nên ‘phao’ là điều dễ hiểu; và gần như là không thể triệt tiêu nếu vẫn duy trì lối dạy, học và thi như thế.
Xã hội nào, giáo dục thế ấy
Xã hội thế nào giáo dục thế ấy, giáo dục thế nào con người thế ấy; con người chính là chân dung của xã hội. Thựa trạng xã hội có ảnh hưởng không nhỏ, nếu không muốn nói là giữ vai trò gần như quyết định, đến gian lận thi cử nói riêng, đến giả dối và các thói hư tật xấu khác của con người nói chung.
Ngày nay, trong xã hội chúng ta, có thể dễ dàng nhận thấy, thói giả dối trở nên khá phổ biến: Giả dối ngoài xã hội và trong không ít gia đình đã không còn là hiện tượng cá biệt ‘diễn’ ra ở khắp nơi.
Kết quả một cuộc khảo sát với 5.600 người do nhóm nghiên cứu của GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm thực hiện, công bố năm 2016 cho thấy, bệnh giả dối đứng hàng đầu trong 34 tật xấu của người Việt, chiếm đến 81%.
Còn theo điều tra của Viện nghiên cứu phát triển giáo dục, thì tỷ lệ nói dối cha mẹ của học sinh cấp tiểu học là 22%, cấp THCS là 50%, cấp PTTH là 64% và sinh viên đại học là 80%.
Không ai muốn tin vào các con số này, nhưng cũng không ai có thể thờ ơ. Dù đúng hay không đúng, thì những con số ấy cũng nói lên một sự thật: tỷ lệ nói dối tăng dần theo độ tuổi, nền đại học thế nào khi mà có đến 80% sinh viên nói dối? Nền đại học đó chắc chắn là cho “ra lò” không ít những “ông nghè” dối trá.
Chúng ta có thể gặp hàng ngày những nhà máy thải chất độc ra sông đầu độc môi trường và giết dần giết mòn đồng bào, những người làm hoa quả, làm nước mắm, làm sữa dùng độc chất để tăng sự bóng bẩy và chỉ số giả về chất dinh dưỡng.
Rồi mỗi gia đình có 2 mảnh đất trồng rau để ăn và để bán, 2 cái chuống nuôi heo để ăn và để bán, mỗi cơ quan, tổ chức có 2 hệ thống sổ sách kế toán để ‘nội trị’ và ‘ngoại trị’…
Đặc biệt tính giả dối đi liền với căn bệnh sợ sự thật, làm sao có thể xây dựng được một quốc gia hùng mạnh, trong sạch khi người ta luôn sợ hãi trước sự thật, tìm mọi cách để ngăn che sự thật?
Tệ nạn tham nhũng hiện vẫn là một vấn đề nhức nhối ở Việt Nam; điều đó phản ánh các nỗ lực của chúng ta về phòng, chống tham nhũng chưa đạt được những gì như chúng ta mong muốn, nếu không muốn nói là còn đang bị trì trệ.
Với giáo dục, tham nhũng được coi là trở ngại chính trên con đường cải tổ chất lượng giáo dục. Nó đe dọa tới việc gia tăng chi phí giáo dục của các gia đình. Tồi tệ hơn, nó gây ra nguy cơ bất bình đẳng xã hội trong tiếp cận dịch vụ giáo dục và ảnh hưởng phần lớn đến người nghèo. Tham nhũng cũng góp phần xói mòn chuẩn mực đạo đức của giáo viên và học sinh.
Có người cho rằng, kết quả khảo sát PISA không phản ánh toàn bộ môi trường dạy và học khi các hành vi tham nhũng tồn tại ở cả người học và người dạy.
Có thể cung cấp một số ví dụ khác để minh chứng cho điểm này: Theo một nghiên cứu thì, để qua được một kỳ thi hoặc để được chấp thuận tham gia một chương trình học nào đó, 23% học sinh Việt Nam (từ 15-30 tuổi) ghi nhận đã từng hối lộ. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn với học sinh thành phố (32%); hối lộ để đảm bảo một xuất học tại trường điểm ở Việt Nam có thể lên tới 3.000 USD.
Ngoài ra, căn bệnh thành tích, tệ sính bằng cấp ngày thêm trầm kha; Chế độ tiền lương "độc đáo" của chúng ta đã buộc người giáo viên ở thành thị phải sống với một thu nhập thấp hơn;
Sự liêm chính của thày và trò. Theo công bố của một nghiên cứu gần đây cho thấy, 38% học sinh được phỏng vấn cho rằng, họ sẵn sàng không trung thực để được nhận vào một trường học tốt. Gian lận trong học thuật khá phổ biến: 95% học sinh Việt Nam qua một nghiên cứu khác thừa nhận đã từng gian lận ít nhất một lần trong quá trình đi học; hầu hết giảng viên hay nhà quản lý giáo dục thừa nhận có nhận quà biếu để tăng điểm cao…
Nhà nước áp dụng một hệ thống thi cử, thi đua hết sức nặng nề khắp các cấp, các ngành, các đối tượng; Các cuộc thi này đã tạo áp lực rất lớn cho người thi và làm nảy sinh những gian lận trong thi cử. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt không đủ răn đe và không nghiêm minh nên gian lận tiếp diễn.
Cần có một kế hoạch cải cách tổng thể
Nguyên nhân nào thì giải pháp ấy. Do đó, cần có một kế hoạch cải cách tổng thể, hiện đại hóa giáo dục theo hướng thực học thực nghiệp xung quanh trục “dạy người -dạy chữ -dạy nghề”, chứ không phải những thử nghiệm liên miên, chắp vá, mang tính tình thế để giải quyết các sự vụ.
Cần đặc biệt coi trọng giáo dục và rèn luyện tính trung thực, liêm chính, tự trọng theo 5 điều Bác Hồ dạy (Khiêm tốn, Thật thà, Dũng cảm).
Song song với kế hoạch cải cách tổng thể, Nhà nước cần cải cách việc thi cử trong suốt quá trình đào tạo, chỉnh đốn các khâu đào tạo ở các cấp bậc phổ thông, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, tuyển chọn và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư, cải thiện chính sách sử dụng thầy giáo đại học và đào tạo giáo viên phổ thông.
Cần phải bắt đầu từ lứa tuổi mới cắp sách đến trường, giáo dục cần hướng đến khuyến khích học sinh tự mình làm công việc được giao, biến giáo dục thành quá trình tự giáo dục, tự trưởng thành. Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên xây dựng một khung chương trình tập trung hơn vào những kỹ năng mà xã hội mong mỏi ở người công dân?
Nếu đề thi của Bộ không chỉ gói gọn trong những kiến thức hàn lâm mà còn mở rộng sang khối kiến thức chung thì giáo viên sẽ dễ dàng giải thích cho học sinh hiểu rõ ý nghĩa thiết thực của việc học với tương lai của cá nhân họ nói riêng và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung.
Suy cho cùng, vấn đề giải quyết tận gốc tình trạng gian lận học đường không chỉ gói gọn ở khâu tổ chức thi nghiêm túc, hay các biện pháp trừng phạt được thiết kế để răn đe học sinh vi phạm, dù được tiến hành thực sự nghiêm túc, hay giáo viên được khuyến khích thực hiện những biện pháp răn đe đủ mạnh để giúp học sinh xây dựng tính trung thực... thì cũng không thể ngăn chặn và đẩy lùi gian lận thi cử.
Muốn làm sạch cầu thang thì phải quét dọn từ trên xuống. Xã hội trong sạch đã, nền giáo dục nghiêm cẩn đã, thì rồi mọi thứ sẽ tự vào khuôn phép.
***
Giả đối đang làm băng hoại đạo đức và niềm tin. Giả dối lại đang là tình trạng phổ biến trong xã hội, đến nỗi cố Giáo sư Hoàng Tuỵ phải thốt lên: "Sự giả dối đang là mối nhục lớn". Những ai là người đi đầu trong nhận thức "biết nhục" để xã hội không nhục, thì còn tuỳ vào việc có người nghe được lời nói thẳng và nghe được sự thật hay không.
Trong một bài báo, nhà báo Hữu Thọ đã viết, đại ý: "Muốn nghe được lời nói thật là phải công phu lắm, phải thành tâm lắm. Hãy rửa tai để nghe lời nói thật vì không có lời nói thật nào mà không có vị chua chát và cay đắng. Để bệnh nói dối tràn lan chủ yếu là tại người nghe".
GS.TS, Nhà giáo nhân dân Trần Đức Viên – Học viện Nông nghiệp