Giám đốc Trung tâm văn hóa Nga: "Chúng tôi rất khổ khi tìm phiên dịch"

(Dân trí) - Lớp trẻ giỏi tiếng Nga phần lớn đều ở lại nước ngoài còn những người nói giỏi tiếng Nga hiện đang ở đây, phần lớn đều đã già đi nên Trung tâm văn hóa Nga nói riêng và các văn phòng đại diện khác, muốn tìm được phiên dịch rất khổ.

Đó là ý kiến của bà Natalia Shafinskaya - Quyền Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga (TTVH) tại Việt Nam với PV Dân trí liên quan đến khả năng hợp tác của đơn vị này đối với chủ trương dự kiến thí điểm dạy tiếng Nga từ lớp 3 trong năm 2017 của Bộ GD&ĐT.

Hy vọng chương trình dạy tiếng Nga từ lớp 3 được áp dụng sớm

Dự kiến năm 2017, Bộ GD&ĐT sẽ thí điểm dạy tiếng Nga từ lớp 3. Với vai trò Giám đốc TTVH Nga tại Việt Nam, bà đánh giá thế nào về chủ trương này?

TTVH Nga là đơn vị hợp tác rất chặt chẽ với Bộ GD&ĐT theo các phương hướng cụ thể: Hàng năm Liên bang Nga (LBN) bố trí chỉ tiêu học bổng dành cho người dân Việt Nam đi du học ở LBN theo các trình độ và các ngành đào tạo khác nhau. Năm nay, số lượng chỉ tiêu là 855 so với năm ngoái là 795 suất, tiến tới đạt được 1 nghìn chỉ tiêu vào năm 2018.

Phương hướng cộng tác thứ 2 là thực hiện các dự án hợp tác giáo dục như: Dự án các trường ĐH Nga và hiện chúng tôi tại đang thực hiện đến giai đoạn thứ 6 của Dự án.

Trong khuôn khổ dự án đấy, các dự án có thể thiết lập và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa các trường ĐH và cả các trường phổ thông ở Việt Nam vươn tới việc trao đổi sinh viên, học sinh, giảng viên và xây dựng chương trình liên kết đào tạo, có thể do phía LBN hoặc phía Việt Nam cấp bằng.

Liên quan tới các hợp tác đến các trường phổ thông, hiện tại ở Việt Nam có 10 trường THPT có học tiếng Nga. Tất cả các trường này là đối tác gần gũi của TTVH Nga bởi trung tâm phụ trách việc phổ biến tiếng Nga ở Việt Nam và phụ trách việc thúc đẩy phát triển tiếng Nga hơn nữa qua các buổi ca múa nhạc, qua các hoạt động nhân văn, gửi các giáo trình dạy tiếng Nga cho các trường phổ thông và các trường ĐH có giảng dạy tiếng Nga.

Bà Natalia Shafinskaya - Quyền Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Việt Nam.
Bà Natalia Shafinskaya - Quyền Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Việt Nam.

Việt Nam từng có thời gian rất thịnh hành tiếng Nga. Tuy nhiên, trước sự lấn át của tiếng Anh, nhiều người đã bỏ tiếng Nga để học thứ tiếng khác. Theo bà, việc Bộ GD&ĐT khôi phục việc học tiếng Nga ở cấp phổ thông trong thời điểm này liệu có hợp lý?

TTVH Nga cũng cho rằng việc đào tạo tiếng Nga từ lớp 3 sẽ giúp các cháu học tiếng Nga sâu hơn, nhiều hơn để đến lớp 11- 12, có thể đủ điều kiện tham gia các kì thi Olympic tiếng Nga để nhận chỉ tiêu đi du học LBN hoặc đi xin việc ở bất kì công ty liên doanh Việt Nga, các văn phòng Đại diện LBN tại Việt Nam hoặc đi phiên dịch...

Mặc dù mối quan hệ giữa LBN và Việt Nam lâu nay rất phát triển nhưng với tư cách là Quyền Giám đốc TTVH Nga tại Việt Nam, tôi thấy việc tìm phiên dịch rất khó cho dù nếu trước đây phần lớn trí thức của Việt Nam hoặc xác đáng hơn, khoảng 70% trong số họ đều nói được tiếng Nga. Tuy nhiên, sau một thời gian không còn dùng tiếng Nga, họ quên đi. Lớp trẻ giỏi tiếng Nga phần lớn đều ở lại nước ngoài còn những người nói giỏi tiếng Nga hiện đang ở đây, phần lớn đều đã già đi nên TTVH Nga nói riêng và các văn phòng đại diện khác, muốn tìm được phiên dịch rất khổ.

Do đó hy vọng chương trình thí điểm đào tạo tiếng Nga từ lớp 3 mà Bộ GD&ĐT Việt Nam dự kiến áp dụng sẽ có hiệu quả rất sớm.

Sẵn sàng hỗ trợ giáo trình hoặc xây dựng chương trình

Riêng với chủ trương dự kiến thí điểm dạy tiếng Nga từ lớp 3 vào năm sau, TTVH Nga có hoạt động hợp tác gì để hỗ trợ?

Nếu nói về dự định thí điểm dạy tiếng Nga từ lớp 3 vào năm 2017 của Bộ GD&ĐT Việt Nam, phía LBN và TTVH Nga rất vui mừng và sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp Bộ GD&ĐT có đề nghị.

TTVH Nga thường xuyên tổ chức các buổi Semina, hỗ trợ phương tiện giảng dạy, hướng tới nâng cao trình độ giáo viên tiếng Nga. Thực hiện một số loại hình trao đổi giảng viên, cử giảng viên giỏi của Việt Nam sang LBN thực tập 3 tháng, 6 tháng 10 tháng trong khuôn khổ chỉ tiêu LBN cấp cho VN hoặc trong khuôn khổ các chương trình ngắn hạn.

Ngoài ra, TTVH Nga có các khóa tiếng Nga ngay tại đây và có thể dạy cho các cháu nếu muốn học thêm. Liên quan đến giáo viên tiếng Nga, chúng tôi cũng tổ chức giờ học mẫu, giờ học mở cho các học sinh và thầy cô giáo, cung cấp giáo trình và có thể hỗ trợ xây dựng chương trình tiếng Nga.

Theo bà, TTVH Nga có thể hỗ trợ đào tạo với quy mô khoảng bao giáo viên mỗi năm?

Con số này không hạn chế. Theo đó, nguồn hỗ trợ đầu tiên là chỉ tiêu LBN cấp cho Việt Nam cho các trình độ đào tạo ĐH và sau ĐH. Riêng TTVH Nga luôn luôn cố gắng tạo điều kiện nhất cho các thầy cô giảng viên được có cơ hội sang Nga hoặc đến trực tiếp TTVH Nga để học tiếng Nga với giáo viên bản ngữ hiện đang giảng dạy tại trung tâm.

Bà đánh giá thế nào về mức độ phủ sóng của tiếng Nga hiện nay so với một số tiếng thông dụng khác?

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nước mạnh nhất về tiếng Nga cho đến thời điểm này với số lượng người biết nói tiếng Nga rất lớn.

Tuy nhiên, tôi cũng rất lo bởi đa số người nói được tiếng Nga hoặc đang dạy tiếng Nga là những người thuộc thế hệ lớn tuổi. Còn những đối tượng kế cận sẵn sàng thay thế thì chưa có đủ bởi đa số cựu sinh viên đã tốt nghiệp ở Nga về đây lại không đi dạy tiếng Nga mà làm nghề khác. Tôi có thể đánh giá chất lượng giáo dục với các đối tượng ngày rất cao, rất tốt nhưng số người đi dạy rất ít.

Ở Nga, việc lựa chọn ngoại ngữ ở các cấp học được thực hiện ra sao, thưa bà?

Đối với các đối tượng đi du học ở Nga, tất cả mọi ứng viên bắt buộc phải học cả tiếng Nga và tiếng Anh. Với học sinh phổ thông ở Nga, các em được học 2 thứ tiếng: Tiếng Anh và một tiếng gì nữa tùy từng trường. Chẳng hạn, có trường muốn hướng đến châu Á, châu Âu..., họ có thể chọn bất cứ thứ tiếng nước nào của một trong các nước đó.

Hiện ở Nga có 3 thành phố lớn nhất đang dạy tiếng Việt cho sinh viên ở bậc ĐH. Tôi cũng từng học tiếng Việt ở LBN chứ không phải học ở Việt Nam. Và số lượng sinh viên lựa chọn học tiếng Việt cũng rất lớn. Do đó, Chính phủ Việt Nam đã bố trí cho LBN 30 chỉ tiêu hàng năm cho những trường ĐH có dạy tiếng Việt để cử sinh viên sang Việt Nam thực tập tiếng Việt trong thời gian 10 tháng.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm