Giám đốc ĐH QGHN: "Thời đại mới, sinh viên phải tích lũy cho mình cái bất biến”

(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) nhắn nhủ các sinh viên chủ động tạo dựng, tích lũy cái bất biến để ứng biến với thế giới với những biến động không thể hình dung được. Cái bất biến đó là một nhân cách tốt, tinh thần trách nhiệm xã hội và tình yêu thương con người.

Bài diễn văn của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tại lễ khai giảng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày 16/9 là những chia sẻ vô cùng tâm huyết nhằm định hướng các sinh viên về cách học tập, tu dưỡng, lập thân trong thời đại mới:

Học tập và nghiên cứu trên tinh thần trách nhiệm xã hội và lý tưởng nhân văn trong thời đại công nghiệp mới

“Chúng ta hiện nay đang thực hiện một triết lý giáo dục, một cách tiếp cận theo chuẩn đầu ra, lấy sản phẩm đầu ra làm thước đo cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo. Tất cả mọi sự mô tả tốt đẹp cũng không có ý nghĩa gì hết nếu không tạo ra được một sản phẩm đầu ra có thể gọi tên, mô tả hay kiểm đếm được với những chuẩn chất lượng cao đo đếm được. Theo tinh thần đó, tôi muốn dành những lời đầu tiên để tâm sự với các bạn sinh viên, sản phẩm đầu ra, sản phẩm quan trọng nhất của trường đại học chúng ta.

Các em sinh viên yêu quý!

Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà thế giới cả tự nhiên, xã hội và con người đang trải qua những biến đổi lớn và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Khí hậu và môi trường thay đổi, kỹ thuật, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin đang thay đổi đời sống con người một cách sâu sắc. Mọi lĩnh vực và vấn đề của cuộc sống đều có thể số hóa. Con người trở thành những “công dân số”. Thế giới thực và ảo không còn ranh giới. Thông tin đầy ắp chồng chất trên internet với trạng thái thực hư trắng đen tốt xấu cùng tồn tại. Lượng kiến thức mà nhân loại tích lũy được trở nên khổng lồ, dễ tìm kiếm nhưng mênh mang và đầy thách đố. Khái niệm về nghề và tên gọi việc làm ngày càng linh hoạt, biến hóa. Sự giao tiếp của con người thực hiện gián tiếp qua màn hình điện thoại soán đoạt sự giao tiếp trực tiếp sống động giữa những cá nhân con người. Văn hóa, hệ giá trị và đời sống con người đang đổi thay. Ranh giới giữa các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn ngày càng ngày càng mờ đi.


PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQGHN có bài diễn văn sâu sắc nhắn nhủ các sinh viên tại lễ khai giảng trường ĐH KHXH&NV ngày 16/9. (Ảnh: Ngọc Tùng)

PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQGHN có bài diễn văn sâu sắc nhắn nhủ các sinh viên tại lễ khai giảng trường ĐH KHXH&NV ngày 16/9. (Ảnh: Ngọc Tùng)

Đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta, một phần của thế giới, cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng. Những bước đi tất yếu gia nhập sâu vào nền kinh tế thị trường toàn cầu kéo theo hàng loạt vấn đề chuyển đổi của xã hội và con người. Nhu cầu nhân lực trở nên đa dạng, biến hóa hơn bao giờ hết. Đất nước trong thời kỳ khởi nghiệp cần một thế hệ những người trẻ tuổi giàu khát vọng và hoài bão sáng nghiệp, khởi nghiệp, lập nghiệp và sáng tạo tri thức.

Trong bối cảnh chung của thế giới và của Việt Nam như vậy, các em cần học tập như thế nào, tu dưỡng ra sao? Lập thân thế nào cho đúng, cho tốt? Trong hoàn cảnh kiến thức không giới hạn, lại thay đổi hàng ngày, nhu cầu xã hội, yêu cầu của người tuyển dụng cũng thay đổi hàng ngày, làm thế nào chúng ta có thể thích ứng?

Rõ ràng người học cần phải thay đổi cách học để thích ứng với yêu cầu của thời đại. Khả năng thích ứng, khả năng điều chỉnh để thích nghi trở thành năng lực quan trọng hàng đầu. Nhưng việc thích nghi và điều chỉnh chỉ có thể có được khi người học có được kiến thức cơ bản, kiến thức nền vững chắc. Kiến thức cơ bản + kỹ năng cốt lõi của nghề + kỹ năng bổ trợ, năng lực ngoại ngữ và tin học tốt là chìa khóa để thành công trong thời đại mới. Quá nhấn mạnh các kỹ năng bổ trợ mà xem nhẹ kiến thức cơ bản, hoặc chỉ biết tới kiến thức cơ bản mà thiếu kỹ năng đều là những khiếm khuyến ngăn cản sự thành công của sinh viên khi ra trường. Khả năng thích ứng, đối thoại và tư duy phản biện là những điều kiện để các em trở thành những công dân toàn cầu tốt.


Các sinh viên chăm chú lắng nghe. (Ảnh: Ngọc Tùng)

Các sinh viên chăm chú lắng nghe. (Ảnh: Ngọc Tùng)

Thế giới đang bước vào thời đại công nghiệp mới được định danh là công nghiệp 4.0, rồi sẽ còn công nghiệp 5.0 tới 6.0 và nhiều .0 nữa kế tiếp nhau rất nhanh chóng. Cuộc sống sẽ còn nhiều biến động và sự đổi thay nhanh không thể hình dung trước. Tính đa biến của cuộc sống, của tri thức và việc làm ngày càng tăng. Trong tình hình ấy, người học lại phải xác định tạo dựng và tích lũy cho mình cái bất biến, cái bền vững để ứng đối với cái đa biến ấy. Cái bất biến mà người học cần có, đó là một nhân cách tốt, tinh thần trách nhiệm xã hội và tình yêu thương con người. Đây là cái giúp sinh viên ra trường có chỗ dựa vững cho sự bình yên và tiến tới cho tạo dựng một xã hội bình yên.

Các em thân mến!

Chúng ta học tập rèn luyện để ra trường không chỉ để có nghề có việc làm, có miếng cơm manh áo. Ngôi trường này cổ vũ các em và mong các em theo đuổi những mục tiêu lớn hơn, có chiều sâu hơn. Nơi đây mong muốn các em trở thành những người trí thức, những con người gánh vác sứ mệnh lớn của đất nước, của xã hội và của con người, mong muốn trong số các em sẽ có những nhà sáng nghiệp thành công trong tương lai. Muốn thành nghiệp lớn, các em cần có phương pháp học tốt, nhưng điều hết sức quan trọng là cần có chí lớn và tầm nhìn xa. Có chí lớn là khởi đầu để có sự nghiệp lớn. Có đại chí thì khó khăn trở ngại to lớn cũng sẽ thành nhỏ bé dưới chân ta. Có chí lớn thì giữa thiên kinh vạn quyển sẽ tìm ra cái mình cần. Có chí lớn ắt sẽ tìm được thầy khai mở cho ta. Chí lớn những cám dỗ và thói xấu của xã hội sẽ tránh xa ta. Đường tới thành công bắt đầu từ lập chí. Người có chí lớn cần lấy việc giải quyết các vấn đề của cuộc sống xã hội và con người làm chí hướng cho mình. Ngôi trường này là môi trường cho các em lập chí lớn và đi xa.

Cách mạng công nghiệp mới, thời đại số hóa, toàn cầu hóa, thị trường hóa, đô thị hóa… đem lại cho con người nhiều điều tốt đẹp thuận tiện, nhưng cũng đặt con người trước rất nhiều nguy cơ. Con người ứng xử cực đoan hơn, đời sống nhiều nguy cơ hơn, sinh mệnh và hạnh phúc mong manh hơn… Trong bối cảnh ấy, sinh viên trường đại học hàng đầu của đất nước không chỉ cốt học kiến thức để có nghề, cần biết học để chung sống, học để phát triển toàn diện bản thân. Việc học tập và nghiên cứu cần xác lập trên nền tảng trách nhiệm xã hội và lý tưởng nhân văn cao đẹp.

Kính thưa các thầy các cô!

Những trao đổi với các bạn sinh viên ở trên chính là những yêu cầu sản phẩm đầu ra mà trường chúng ta cần đạt tới. Vấn đề tất yếu đặt ra là, các nhà lãnh đạo, quản lý và các nhà giáo chúng ta cần phải làm gì để có được những sản phẩm đào tạo như vậy? Để sinh viên có được những năng lực phẩm chất như kỳ vọng chúng ta cần phải đổi mới rất nhiều. Các thầy các cô cần phải có vai trò thực sự dẫn dắt cho sinh viên theo kịp thời đại, muốn vậy giáo viên phải tiên phong, làm chủ chuyên môn, hội nhập quốc tế, đối thoại quốc tế về phương diện khoa học. Nhà trường cần đổi mới để trở thành một đại học thông minh. Cần đổi mới quản trị đại học. Cần xây dựng những vốn cơ sở dữ liệu xã hội và nhân văn đủ lớn phục vụ quản lý, học tập và nghiên cứu. Cần tạo dựng môi trường tự do học thuật, công khai minh bạch làm cơ sở cho sáng tạo tri thức mới”.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQG Hà Nội