Giải pháp nào để giáo dục đại học tăng chất lượng thực tiễn?

(Dân trí) - Ngày 13/11, hơn 100 đại biểu là các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước tham dự hội thảo tại TPHCM bàn về vấn đề nâng cao chất lượng thực tiễn giáo dục đại học. Từ bài học của giáo dục Anh, các chuyên gia nhìn nhận tăng thực tiễn đòi hỏi sự tham gia tích cực của doanh nghiệp.

Giải pháp nào để giáo dục đại học tăng chất lượng thực tiễn? - 1

Đại diện chuyên gia giáo dục đến từ trường ĐH Birmingham City (Anh) và chuyên gia giáo dục Việt Nam cùng trao đổi vấn đề nâng chất lượng giáo dục ĐH

Tại đây, đại diện đến từ trường ĐH Birmingham City (Anh) đã chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nghiên cứu định tính, sáng tạo trong các bối cảnh quốc tế. Đây còn là dịp tổng kết những kết quả từ dự án do Quỹ Hỗ trợ Hợp tác Giáo dục Đại học Vương quốc Anh - Việt Nam mang lại.

Giải pháp nào để giáo dục đại học tăng chất lượng thực tiễn? - 2

PGS.TS Trần Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phát biểu tại hội thảo quốc tế này

PGS.TS Trần Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết: “Chủ đề của hội thảo chính là “Kết hợp giảng dạy và học tập: tái quan sát các đối tác giáo dục xuyên quốc gia, từ đó hình thành cộng đồng hợp tác trong thực hành và giảng dạy. Nhiều trường, nhiều chuyên gia về giáo dục chia sẻ theo chủ đề này như: lấy sinh viên làm trung tâm, phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, để sinh viên sau ra trường có kỹ năng thực hành tốt, kiến thức vững vàng đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng giúp các nhà giáo dục, giảng viên và sinh viên đang công tác và học tập có cơ hội trao đổi, tìm hiểu về các phương pháp sáng tạo trong nghiên cứu giúp hỗ trợ việc học tập và phát triển chuyên môn trong các bối cảnh quốc tế.

Giải pháp nào để giáo dục đại học tăng chất lượng thực tiễn? - 3

Hơn 100 đại biểu là các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước tham dự hội thảo để tìm giải pháp tăng chất lượng thực tiễn trong giáo dục

Theo bà Hồng, ở Anh việc gắn kết giữa nhà trường và các doanh nghiệp rất chặt chẽ. Ở Anh, tất cả các mô hình đại học đều có một trung tâm để các doanh nghiệp đến có thể đặt phòng thí nghiệm, xây dựng các nghiên cứu… với điều kiện là để cho sinh viên tham quan và thực tập. Mỗi trường ĐH ở Anh có tới mấy chục doanh nghiệp ở trung tâm sáng tạo này.

Dù là cách làm hay nhưng bà Hồng cho rằng sẽ không dễ dàng để các trường ĐH Việt Nam thực hiện. “Các trường ĐH Việt Nam có thể áp dụng được cách làm này tuy nhiên vấn đề mấu chốt đầu tiên chính là nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Ở Anh, doanh nghiệp họ có ý thức rất rõ ràng ở chỗ nhận sinh viên tốt nghiệp vào làm việc thì họ sẽ có đóng góp trở lại cho doanh nghiệp. Ở Việt Nam, thật hiếm có doanh nghiệp nào chấp nhận đưa vào trường một cái xưởng, hoặc một loại máy mới… để sinh viên thực tập”, bà Hồng nói.

Đồng thời theo bà, cái khó thứ hai là khi sinh viên đến doanh nghiệp thực tập thì chỉ được đứng xem từ xa, doanh nghiệp sợ sinh viên làm hỏng nên ít cho tiếp cận khâu sản xuất, họ cũng không nhìn nhận trách nhiệm đào tạo sinh viên mà thường có cảm giác bị làm phiền. Mỗi năm, các doanh nghiệp thường đóng góp cho các trường bằng những học bổng nhưng việc đóng góp bằng trí tuệ, công nghệ và quan điểm sản xuất cho sinh viên lại chưa được làm.

Tiếp nối các dự án hợp tác, năm 2017 Hội đồng Anh tài trợ mở rộng thêm kết quả của dự án với tiêu đề “Số hóa và tái ngữ cảnh các phương pháp giảng dạy lấy sinh viên làm trọng tâm nhằm nâng cao chuẩn đầu ra theo định hướng nghề nghiệp trong bối cảnh Việt Nam”. Đây là dự án mở rộng kết quả của dự án 2016, với sự tham gia của Đại học Birmingham City (Anh Quốc), ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Giáo dục Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM.

Hiện nay cả nước có 12 trường ĐH có các dự án hợp tác với Hội đồng Anh. Năm 2018 - 2019, các trường được phê duyệt tiếp tục thực hiện dự án với chủ đề “Nâng cao chất lượng thực tiễn giáo dục đại học: kinh nghiệm sử dụng nghiên cứu định tính, sáng tạo trong các bối cảnh quốc tế".

Lê Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm