Giải pháp nào để cứu nền KHCB?

(Dân trí) - Đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất hết sức quan trọng. Tuy nhiên đất nước ta còn nghèo nên những sự đầu tư hiện tại chẳng thấm vào đâu. Trong khi đó vấn đề đầu tư cho con người làm khoa học cơ bản lại chưa được quan tâm đúng mức.

Minh chứng cho vấn đề này, GS.TS Nguyễn Hưu Dư, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Nhà trường được Nhà nước đầu tư 55 tỷ để trang bị một máy gia tốc hạt nhân, sự đầu tư này tương đương chưa đến 3 triệu USD nên chắc chắn cũng chỉ sắm được một chiếc máy gia tốc bé tí chứ chúng ta chưa thể có cái lò tuyến sinh dài 2km như một trường ĐH của Pháp được. Nếu chúng ta muốn nghiên cứu ra được một vấn đề nào đó thì cần phải trang bị những máy móc đắt tiền và lúc đó cần tiêu tồn đến hàng chục, hàng trăm triệu USD. Hiện nay giải pháp để phát triển nền KHCB của chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc đầu tư trang thiết bị. Trong khi đó việc đầu tư cho con người làm khoa học cơ bản thì gần như không có gì thay đổi”.
 
Giải pháp nào để cứu nền KHCB?  - 1

Đầu tư cho con người sẽ là giải pháp tích cực để cứu nền KHCB trong nước? (Ảnh minh họa)

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội là một trong những đơn vị đào tạo các ngành về khoa học cơ bản (KHCB) nhưng giáo viên ở đây gần như không có thêm bất kỳ một ưu đãi nào so với giáo viên các ngành đang “nóng” hiện nay như Kinh tế, Tài chính, Kế toán... Bên cạnh đó, ngay những thí sinh đam mê đầu đơn để học các ngành KHCB cũng không được hưởng chính sách đặc biệt nào.

Bản thân nhà trường cũng đã nhiều lần đề xuất với các ban ngành liên quan cần có chính sách đặc biệt cho những sinh viên theo học các ngành KHCB như miễn giảm học phí, tăng học bổng… nhưng đến này vẫn chưa có sự chuyển biến là bao.

Sinh viên theo học ngành KHCB từng được hưởng lợi từ chương trình đào tạo cử nhân tài năng. Tuy nhiên do sự đầu tư không đều nên ngày càng mai một. Cụ thể, hệ đào tạo cử nhân tài năng ĐH Khoa học Tư nhiên đã được 14 khóa nhưng thời gian đầu được đầu tư mạnh mẽ như không phải nộp học phí, được cấp học bổng… Nhưng 5-7 năm trở lại đây thì sự đầu tư đó không còn nữa, các em cũng phải đóng học phí…

Theo GS. TS Dư thì quy trình đào tạo phải gắn rất nhiều vấn đề. Hiện nay khâu đào tạo trong nước vẫn là ở trong nước. Đối với ngành khoa học Toán có thể phát triển rất mạnh mẽ vì đây là ngành học phi vật chất, người học chỉ cần một quyển sách hoặc một chiếc máy tính kết nối mạng Internet là có thể phát hiện ra được nhiều vấn đề. Trong khi đó các ngành khoa học thực nghiệm thì dù là hệ cử nhân tài năng nhưng khi sánh tầm với quốc tế vẫn có một khoảng cách khá xa.

Chính vì thế khi những đối tượng này khi ra trường, nếu vẫn theo quỹ đạo và đà phát triển như vậy kèm với việc mức lương không cao thì họ cũng chỉ trở thành những người thợ tầm thường chứ không giống như kì vọng ban đầu của chúng ta.

GS.TS Nguyễn Hữu Dư cho rằng, chúng ta phải làm sao tạo điều kiện để làm sao những nhân tài Việt Nam cảm thấy không cần phải ra nước ngoài chứ không nên đưa ra những quy định cứng nhắc để giữ chân họ.

“Nhiều em sẵn sàng về Việt Nam với mức lương thấp hơn nhiều so với ở nước ngoài. Tuy nhiên chí ít khi trở về Việt Nam họ phải có đủ thu nhập để sống, nuôi gia đình con cái và có điều kiện để được làm việc. Nếu chúng ta không thể giải quyết được vấn đề này thì chắc chắn khó có thể giữ chân được họ” - GS.TS Dư nhấn mạnh.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm