"Giải oan" cho các ngành nghề đang bị TikToker đánh giá là vô dụng
(Dân trí) - Một số TikToker cho rằng các ngành học như Marketing, Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh là "vô dụng nhất". Tuy nhiên, phát ngôn này theo các chuyên gia là không có cơ sở.
Hiện nay, trên mạng xã hội TikTok đang rộ lên trào lưu tư vấn hướng nghiệp với chủ đề tiêu cực là "Những bằng đại học vô dụng nhất" gây nên sự hoang mang, bối rối cho học sinh và phụ huynh.
Đáng chú ý, các ngành nghề được một số bộ phận sáng tạo nội dung trên mạng xã hội TikTok đánh giá là "vô dụng nhất" đều là các ngành nghề được nhiều bạn trẻ ưa thích, lựa chọn như: Marketing (Tiếp thị - PV), Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh...
Những video có nội dung khuyên người học từ bỏ các ngành nghề trên đã thu hút từ vài trăm nghìn đến vài triệu lượt xem.
"Giải oan" ngành Ngôn ngữ Anh
Theo thầy Đỗ Quang Khang - Giảng viên ngành Ngôn ngữ Anh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đánh giá những video nhận định nói trên là những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội. Thầy cho biết, hiện nay, trên mạng xã hội có nhiều thông tin, luận điệu sai trái, tiêu cực gây ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề trong đó có ngành giáo dục.
Trước những thông tin này, cần phải xem xét, chắt lọc thông tin và nhìn nhận vấn đề theo hướng khách quan, xem mục đích của những thông tin này là tư vấn hướng nghiệp hay là vì mục đích cá nhân, câu view.
Trước quan điểm cho rằng, ngày nay ai cũng đều biết tiếng Anh nên không cần thiết phải học ngành Ngôn ngữ Anh, chỉ cần học chứng chỉ IELTS là đủ, thầy Khang khẳng định chứng chỉ IELTS không thể so sánh, thay thế đối với ngành Ngôn ngữ Anh.
Thầy Khang cho biết, chứng chỉ IELTS chỉ là một bài kiểm tra năng lực tiếng Anh trong khi Ngôn ngữ Anh là một ngành học, nằm trong hệ thống giáo dục.
"Đối với chứng chỉ IELTS, tôi không phủ nhận lợi ích của nó đối với người học. Tuy nhiên, chúng ta đừng nên thần thánh quá chứng chỉ này, đừng coi đây là chìa khóa vạn năng vì đây đơn giản chỉ là một bài kiểm tra năng lực tiếng Anh, không thể so sánh với một ngành học nằm trong hệ thống giáo dục", thầy Khang chia sẻ.
Thầy Khang phân tích, ngành Ngôn ngữ Anh không chỉ dừng lại ở một bài đánh giá năng lực mà còn có nhiều yếu tố khác như kiến thức về văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị… Chứng chỉ IELTS chỉ là một bài kiểm tra năng lực, không đề cập đến vấn đề văn hóa, con người. Vì vậy, không thể so sánh giữa chứng chỉ tiếng Anh IELTS với ngành Ngôn ngữ Anh.
Ngành Marketing không cần bằng cấp vẫn đi làm được nhưng không thể đáp ứng kỹ năng cao
Chia sẻ với PV Dân trí, thầy Nguyễn Phan Anh - giảng viên ngành Marketing, Trường Đại học Thương mại cho biết thông tin trên có phần đúng.
Thực tế ngày nay, đối với ngành Marketing không cần bằng cấp vẫn đi làm được, điều này là có thật. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng với nhóm người lao động làm những công việc đơn giản hoặc công việc cụ thể mà chủ lao động thuê.
Theo thầy Phan Anh, những người không được đào tạo qua chuyên ngành Marketing vẫn có thể đi làm được, ví dụ làm về các công việc như: Chạy quảng cáo cho Facebook, quản trị nội dung cho website và các nền tảng xã hội, quay dựng, tư vấn bán hàng, chỉnh sửa video bằng một số phần mềm biên tập… Nhưng khi họ đối mặt với những công việc phức tạp, đòi hỏi kỹ năng cao thì họ sẽ không làm được.
"Nhiều nhân sự chỉ biết làm đúng một việc cụ thể nào đó mà doanh nghiệp đã giao cho hoặc kèm cặp dạy cách làm mà không hiểu được nguyên lý hoặc tư duy về thị trường, tư duy về marketing. Những kiến thức đó chỉ có trên trường học, điều mà những người lao động đã được đào tạo qua chuyên ngành, chuyên môn".
Thầy Phan Anh cho rằng không có bằng đại học nào là vô bổ. Thầy khuyên các bạn trẻ nếu có điều kiện được học tập, hãy theo đuổi một chuyên ngành tại trường đại học hoặc cao đẳng. Bởi những người lao động được đào tạo qua chuyên ngành sẽ chiếm nhiều ưu thế hơn.
Lợi ích của việc học ngành Quản trị kinh doanh
Thầy Nguyễn Ngọc Hưng - Giảng viên ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Thương Mại cũng đưa ra quan điểm trước những đánh giá về ngành Quản trị kinh doanh là một ngành chung chung, ra trường chỉ làm được Sale (Bán hàng - PV) và Marketing trong khi để làm được hai nghề này thì học ngành nào cũng được.
"Học ngành Quản trị kinh doanh sẽ giúp các bạn có tư duy tổng thể về kinh doanh, tổng thể làm việc. Khi xây dựng mô hình kinh doanh thì đều cần tư duy tổng thể và tư duy nền tảng.
Từ đó, các bạn sẽ xác định, phân tích được cơ hội kinh doanh, cơ hội thị trường, nhìn thấy được điểm mạnh, điểm yếu để kịp thời có những phương án đúng đắn", thầy Ngọc Hưng chia sẻ.
Thầy Hưng cho biết thêm, ngành Quản trị kinh doanh còn giúp cho các bạn có tư duy và kỹ năng xây dựng đội ngũ một cách tổng thể và có tính hệ thống cao. Vì làm ngành Sale hay Marketing thì đều phải làm việc với con người, đối tác, khách hàng nên kỹ năng tập hợp, xây dựng đội ngũ là rất quan trọng.