Quảng Bình:
Giấc mơ được đến trường của cậu bé 7 tuổi liệt tứ chi, tập viết bằng miệng
(Dân trí) - Bị liệt tứ chi và chỉ có thể nằm một chỗ nhưng Nguyễn Thế Phong luôn khao khát được đi học, mỗi ngày em đều miệt mài, cố gắng tập viết bằng miệng. Giấc mơ đến trường của cậu bé 7 tuổi này đã được hiện thực hóa vào đầu năm học này.
Sinh ra trong thiệt thòi
Nguyễn Thế Phong (sinh năm 2012) là một cậu bé có hoàn cảnh đặc biệt tại xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Phong sinh ra không được lành lặn như những đứa trẻ khác. Khi chào đời, tay chân em đã co quắp, tật nguyền không vận động được.
Mọi hoạt động đều phải nhờ đến bàn tay người mẹ là chị Nguyễn Thị Trúc Phương.
Chị Nguyễn Thị Trúc Phương (sinh năm 1989), mẹ của Phong cho biết, ngày mang thai đứa con đầu lòng được 4 tháng, chị đi khám thì phát hiện cháu bị dị tật, dù được các bác sỹ khuyên không nên giữ nhưng chị không đành lòng.
“Các bác sỹ nói cháu bị tật nguyền, nên bỏ đi. Thế nhưng vợ chồng em không đành lòng, chúng em không muốn bỏ con đi, muốn cháu được sinh ra đời, được nhìn thấy ba, thấy mẹ. Lúc sinh cháu ra, chân tay đều vòng lại đặt trước ngực. Các bác sĩ nói cháu bị đa khớp bẩm sinh và bại não vận động, gia đình cũng đã đưa cháu đi khắp bệnh viện lớn nhỏ để chữa trị nhưng không thành công”, chị Phương tâm sự.
Mặc dù bị tật nguyền nhưng Phong luôn khát khao đến trường, được học chữ. Em tự học hỏi, nhờ mẹ dạy và kiên trì tập viết bằng miệng.
Mỗi buổi sáng qua ô cửa nhỏ, ánh mắt Phong lại đượm buồn khi thấy những đứa em được đi học... còn mình thì không thể.
Từ đó đến nay, cuộc sống của Phong gắn với chiếc giường nhỏ bên ô cửa được cắt ra từ một tấm ván làm vách nhà. Mặc dù phải nằm một chỗ, không vận động tay chân, thế nhưng Phong lại tỏ ra rất thông minh, lém lỉnh, đây cũng là niềm an ủi, động viên lớn lao với vợ chồng chị Phương.
Gia đình thuộc diện khó khăn, chị Phương cũng vì chăm đứa con tật nguyền, lại còn 2 đứa em của Phong nên chỉ loanh quanh việc nhà, mọi gánh nặng đều đổ dồn lên đôi vai của người chồng, người bố Nguyễn Văn Nhật (sinh năm 1982). Ngoài đi phụ hồ, anh còn đi làm keo, ai thuê gì cũng làm chỉ mong có thể nuôi sống gia đình.
Thương đứa con tật nguyền nhưng ham học, chị Phương đã "đánh liều" xin thầy giáo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Trạch và được thầy đồng ý...
Và từ đó, giấc mơ đến trường của cậu bé 7 tuổi, tật nguyền đã trở thành hiện thực.
Niềm khao khát đến trường mãnh liệt
Dù Phong không thể đi lại, tay cũng không cử động được, niềm khao khát được đến trường, được đi học luôn cháy bỏng trong trái tim và suy nghĩ của cậu bé tật nguyền.
Nhìn thấy các em đi học, Phong cũng xin mẹ đi nhưng vì trường không đủ trang thiết bị cho học sinh như Phong nên em đành ở nhà làm bạn với ti vi, tự lân la học số đếm và chơi với bút, giấy của các em và vẫn hàng ngày năn nỉ mẹ cho đi học. Phong đã tập ngậm bút ở miệng, luồn vào giữa 2 ngón tay co quắp để nắn nót từng nét chữ. Khi viết qua chữ khác hay xuống dòng, em phải lắc cả người để dịch chuyển.
Phong háo hức khi mỗi sáng được mẹ đưa đến trường.
Cậu bé được nhà trường và cô giáo chủ nhiệm quan tâm, yêu thương mỗi ngày.
Năm học mới này, em trai Phong là Nguyễn Ngọc Gia Bảo vào lớp 1, ngày nào Phong cũng xin mẹ đi học và hay hỏi mẹ đã mua áo sơ mi và cặp chưa, mong muốn đi học của Phong lại càng khiến người mẹ phải suy nghĩ.
“Trong một lần chở Bảo đi học, thấy thầy hiệu trưởng đứng cạnh đó nên tôi đánh liều xin cho Phong được đến lớp. Thầy đã cho phép cháu đến học thử 1 tuần xem cháu có tiếp thu được bài không và có đủ sức khỏe không và tạo điều kiện để Phong được học cùng lớp với em trai. Tôi về thông báo với con, thấy cháu vui quá tôi càng thương con. Sau 1 tuần, thấy Phong ham học và tiếp thu bài nhanh nên trường đã nhận cháu vào học, hiện nay cháu đã đi học được gần 2 tháng”, chị Phương kể lại.
Sáng nào cô giáo Lê Thị Hiền Bích cũng chờ sẵn ở cửa lớp để đón cậu học trò đặc biệt của mình.
Cô Bích cho biết, mặc dù bị liệt tay chân, thế nhưng Phong rất thông minh và hăng say nghe giảng.
Để có thể học bài, bố mẹ Phong đã đóng cho em một chiếc giường gỗ đặt ở cuối lớp, đầu chiếc giường có thành cao bằng ván để làm giá kê sách vở. Hàng ngày, Phong dùng miệng điều khiển cây bút để viết chữ, mặc dù đi học muộn hơn nhưng nay chữ em viết đã đều và đẹp không kém gì các bạn. Hành trình đi tìm con chữ của Phong bắt đầu, đó cũng là điều mà chị Phương chưa bao giờ nghĩ đến.
Để con có thể học bài, bố mẹ Phong đã đóng cho em một chiếc giường gỗ đặt ở cuối lớp.
Chị Phương lặng lẽ dõi theo đứa con của mình.
Đây cũng là lần đầu tiên Trường Tiểu học số 1 Xuân Trạch tiếp nhận, nuôi dạy một học trò khuyết tật tay chân như Phong. Cô Lê Thị Hiền Bích, giáo viên chủ nhiệm của Phong cũng cho biết, Phong rất thông minh và siêng năng. Thầy cô nhà trường và các bạn cũng quan tâm và giúp đỡ Phong rất nhiều để em vui vẻ, học tốt, không bị mặc cảm trong cuộc sống.
Tiến Thành