Giá mà con mình được như…
(Dân trí) - Không chỉ ở Việt Nam, nhưng đặc biệt ở Việt Nam, thì chỉ làm Toán giỏi, tính nhẩm nhanh mới được xem là thông minh. Từ quan niệm này, không ít phụ huynh thường lôi con mình ra so sánh với đứa trẻ khác.
Chỉ học Toán mới giỏi
Yêu thương con nhưng có một thực tế không ít phụ huynh khi nhìn đứa trẻ không phải là con mình lại tỏ ra “thòm thèm”. Một đứa trẻ hàng xóm, một đứa trẻ nào đó trên ti vi, một đứa trẻ được khen thưởng đều có thể trở thành đối tượng để phụ huynh thốt ra câu “giá mà con mình được như…”.
Phụ huynh hay xầm xì đứa trẻ này biết đọc sớm, làm được Toán rồi khen những đứa trẻ đó thông minh. Và khi con mình chưa làm được như vậy, họ thường có xu hướng đánh giá rằng con mình kém thông minh.
Nói về vấn đề này, tại hội thảo “Khám phá trí thông minh vượt trội của trẻ” vừa diễn ra tại Hội trường Thành ủy TPHCM do Trường Mầm non Saigon Academy tổ chức, TS Phan Thị Thu Hiền - Trưởng khoa Mầm non, ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng: Không chỉ ở Việt Nam, nhưng đặc biệt là ở Việt Nam thì chỉ khi làm Toán giỏi, tính nhẩm nhanh mới được xem là thông minh. Ít ai nghĩ một đứa trẻ chơi banh tốt, múa hay, vẽ đẹp... là thông minh.
Vì thế, bố mẹ thường bắt con phải rướn lên thật nhiều để bằng bạn A, bạn B. Trẻ ở tuổi mầm non chưa thể nói lên sự bực mình của bản thân khi bị so sánh với đứa trẻ khác. Nhưng lớn hơn một chút, từ tiểu học, điều trẻ sợ nhất ở cha mẹ là so sánh mình với đứa trẻ khác, với những tấm gương học giỏi. Hoặc cha mẹ đưa ra khuôn mẫu thành đạt trong xã hội mà hồi nhỏ họ không thực hiện được, mong muốn con theo hình mẫu đó.
Đứa trẻ nào cũng thông minh
TS Phan Thị Thu Hiền cho hay, Thuyết trí thông minh đa dạng nổi tiếng của giáo sư Howard Gardner (ĐH Howard) chỉ ra rằng không chỉ những đứa trẻ học Toán giỏi mới là thông minh. Mà đứa trẻ nào cũng thông minh nhưng theo cách riêng của mình. Theo đó, có 8 loại hình trí thông minh: logic và toán, tự nhiên, ngôn ngữ, âm nhạc, vận động, hình ảnh, giao tiếp và hướng nội.
Điều này mở ra cơ hội mới, cách nhìn mới trong giáo dục cho phụ huynh, nhà trường và những nhà giáo dục rằng: trẻ học qua nhiều cách khác nhau. Không chỉ có giờ học duy nhất thích hợp cho nhiều đứa trẻ mà mỗi trẻ tùy vào trí thông minh, sở trường của mình sẽ có cách học hiệu quả hơn những cách khác. Cách học bé A chưa chắc đã phù hợp với bé B và ngược lại.
Mỗi người đều có đầy đủ các loại hình về trí thông minh kể trên. Ở mỗi đứa trẻ, sẽ có một số loại hình trí thông minh nổi trội, một số loại hình ở mức độ trung bình và một số loại kém hơn một chút.
Theo bà Hiền, các loại hình thông minh kể trên đều quan trọng trong cuộc sống. Điều phụ huynh cần làm là đừng bao giờ cảm thấy con mình kém thông minh hơn người khác. Nếu không sẽ không giúp con phát huy được sở trường - mà đây chính là trí thông minh của trẻ - là điều đáng tiếc.
Vấn đề là gia đình, nhà trường phải thấy được tiềm năng của mỗi đứa trẻ. Việc phát triển sở trường dễ và hiệu quả hơn rất nhiều lần so với ép trẻ làm những việc mình không có khả năng, không yêu thích.
“Nếu cố cải tạo một đứa trẻ suốt ngày đam mê âm nhạc bắt nó làm Toán giỏi quả thật rất khó. Còn nếu giúp trẻ học nhạc, phát huy khả năng của mình sẽ dễ hơn nhiều. Vừa giúp cho đứa trẻ, vừa có ích cho xã hội", chuyên gia này lấy dẫn chứng và cho biết, bà luôn nói với sinh viên sư phạm mầm non, các bạn phải học rất nhiều thứ, đủ các loại hình thông minh như khoa học, hát, múa, vẽ, tâm lý...
Nhưng không ai giỏi tất cả mọi thứ, mỗi người sẽ có những khả năng nổi bật và cần biết phát triển thế mạnh đó. Mỗi đứa trẻ cũng vậy.
Chỉ khi được làm việc đúng sở trường, sở thích mới không mệt mỏi, vất vả hay phải mất quá nhiều thời gian, công sức để đạt được kết quả mong muốn. Vậy nên, gia đình, nhà trường cần chọn con đường dễ dàng, hứng thú hơn cho con trẻ bằng cách hiểu rõ sự thông minh của mỗi trẻ.
Hoài Nam