Gia đình hiếu học ở vùng biên

(Dân trí) - Ở quê không có việc làm ổn định, gia đình anh Nguyễn Văn Nhung và chị Phạm Thị Loan di cư lên vùng biên giới làm rẫy tìm tương lai. Dù ở vùng đất mới khai phá, khó khăn đủ bề nhưng anh chị quyết tâm cho con cái ăn học nên người.

Khó khăn cách mấy cũng quyết cho con đi học 

Nằm giữa vùng ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) là một vùng đất mới. Hầu hết người Kinh ở đây là dân di cư từ miền Bắc, miền Trung vào đây từ 20 năm nay. Gia đình anh Nhung, chị Loan cũng vậy. Năm 1999, hai vợ chồng dắt díu ba con nhỏ từ Nghi Xương, Hà Tĩnh lên vùng biên giới này lập nghiệp.

Lúc ấy, Ngọc Hồi còn rất hoang sơ, dân di cư đến đây ở chủ yếu bám vào những con đường lộ chính do nhà nước xây dựng để định cư. Sâu bên trong đường lộ là địa bàn của đồng bào dân tộc thiểu số. Địa bàn rộng lớn, đi lại khó khăn, mọi điều kiện sinh hoạt, học tập đều thiếu thốn. 

Khi mới chuyển vào Ngọc Hồi, đứa con lớn nhất của anh chị mới 8 tuổi, đứa nhỏ vừa tròn 4 tuổi. Sống ở đây được một năm, anh chị sinh đứa út. Một gia đình 2 lao động phải nuôi 4 con nhỏ ở vùng biên giới heo hút với cái nghề nông quả không dễ dàng. 

Vậy mà từ đó đến nay, 4 con của anh chị chưa một đứa nào đến trường trễ tuổi, chưa ngày nào phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Dù bận rộn đến mấy, anh chị vẫn cố gắng thu xếp để đưa con đến trường, chăm lo việc học tập cho con không thua kém bạn bè. Chị Loan tâm sự: “Chỉ mong sao cho tất cả con cái ăn học thành đạt, bố mẹ có vất vả đến mấy cũng chấp nhận”.  

Nhìn lên bức tường nhà treo kín cả trăm tấm giấy khen, chị Loan khoe: “Rất may là con tôi đứa nào cũng chăm học và học giỏi. Đến đêm bố mẹ phải giục các cháu đi ngủ nếu không lại học thâu đêm, ảnh hưởng sức khỏe”. 

Gia đình hiếu học ở vùng biên  - 1
Anh Nguyễn Văn Nhung bên cậu con trai Nguyễn Hoàng Mạnh và bức tường đầy giấy khen của gia đình.

Những đứa con không phụ lòng cha mẹ 

Quả  thật, 4 con của anh Nhung, chị Loan đã không phụ tấm lòng của cha mẹ. Cả 4 anh em đều kiên trì học tập, đều đạt kết quả nhất nhì trong khối lớp của mình ở phạm vi toàn huyện. Đến các trường THCS, THPT mà hỏi đến tên của những đứa con gia đình anh Nhung, chị Loan, có lẽ thầy cô nào cũng biết.

Đầu tiên là anh cả Nguyễn Hoài Nam (sinh năm 1991) hiện đang học năm 1 khoa Kinh tế, Trường ĐH Quốc gia TPHCM. Suốt 12 năm học phổ thông, Nam đều là học sinh giỏi, là học sinh đứng nhất nhì trường chuyên tỉnh Kon Tum. Đặc biệt, trong năm lớp 12, điểm trung bình môn Toán của Nam đạt 9,8.

Kế đến là em Nguyễn Văn Long (sinh năm 1993), năm học mới tới đây em sẽ vào lớp 12A1 Trường THPT Ngọc Hồi. Các năm học vừa qua Long cũng luôn đạt kết quả học sinh giỏi toàn diện. 

Đứa con mà gia đình anh Nhung, chị Loan tự hào nhất là em Nguyễn Hoàng Mạnh (sinh năm 1990). Em vừa tốt nghiệp Ttrường THCS Plei Kần, năm học mới em sẽ vào lớp 10 trường THPT Ngọc Hồi. Ngoài thành tích suốt 9 năm liền là học sinh giỏi toàn diện (điểm tổng kết năm học lớp 9 là 9,1; môn toán và tiếng Anh đều đạt điểm 9,8…), Hoàng Mạnh còn đạt nhiều giải thưởng khác.  

Thành tích mà em tự hào nhất là Huy chương bạc Giải toán trên mạng cấp quốc gia năm 2010, dù khi dự giải, nhà em mới được nối mạng có 3 tháng. Ngoài ra, Mạnh còn giành giải nhất Giải toán trên máy tính cầm tay cấp tỉnh, Huy chương đồng cấp quốc gia năm 2010; Giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn toán và nhiều giải thưởng khác. 

Gia đình hiếu học ở vùng biên  - 2
Em Hoàng Mạnh vừa giành huy chương bạc Giải toán trên mạng cấp quốc gia.

Nhắc đến Hoàng Mạnh, cô Thảo Vy - Phó hiệu trưởng trường Plei Kần cho biết: “Em Mạnh là nhân tố nổi bật của trường trong nhiều năm qua. Có lẽ vài năm tới, trường cũng khó có được học sinh xuất sắc như vậy!”. 

Con út nhà anh Nhung, chị Loan là bé Nguyễn Thị Ánh Ngọc (sinh năm 2000), năm nay em sẽ vào lớp 5A Trường tiểu học số 2 Ngọc Hồi. Dù còn bé nhưng em cũng không chịu thua các anh chị, chưa năm nào em để mất danh hiệu học sinh xuất sắc.

Bài và ảnh: Hạ Nguyên