Gia đình hiếu học ở miền Tây xứ Nghệ
(Dân trí) - Chồng là cán bộ công an, vợ ở nhà quanh năm gắn bó với nương rẫy nhưng họ đã nuôi 5 người con ăn học thành tài. Có người nối nghiệp bố, có người là giáo viên, có người theo nghề thầy thuốc, có người sẽ trở thành nhà quản lí kinh tế.
Đó là gia đình bác Hạ Huy Chò và Mùa Y Zìa ở khối 5, thị trấn Mường Xén, Kỳ Sơn, Nghệ An.
"Gia tài quí nhất của tôi là các cháu"
Đó là câu nói đầu tiên mà bác nói với chúng tôi khi chúng tôi đến thăm nhà hai vợ chồng bác. Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ, ấm cúng, thứ nhiều nhất đập vào mắt chúng tôi là giấy khen, bằng khen của các con và của bác. Trong năm người con của bác, anh con trai đầu Hạ Bá Lỉa đã tốt nghiệp Học viện Cảnh sát, hiện đã là trung úy công an huyện Tương Dương. Người con trai thứ hai Hạ Bá Dình chọn nghề thầy thuốc để giúp đỡ mọi người. Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Y tế Nghệ An, Dình đã về quê công tác tại trạm Y tế xã Nậm Càn. Không giống hai anh trai mình, cậu em trai thứ ba Hạ Bá Tình theo đuổi nghiệp "trồng người" và giờ đây đang là giáo viên ở chính quê hương.
Đã từng bán cả nhẫn cưới
Sinh ra ở xã Tây Sơn, gia đình người Mông mẫu mực này còn gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng vượt qua tất cả, hai bác đã cùng nhau cho các con ăn học được như ngày hôm nay. Các con bác cứ thi nhau ra trường huyện rồi trường tỉnh học còn hai bác thì chỉ biết tìm mọi cách để chu cấp cho các con ăn học.
Nói đến công lao to lớn này, bác Chò nhường hết cho người vợ quanh năm gắn bó với nương rẫy của mình: "Tôi đi công tác luôn, con cái được như ngày hôm nay là nhờ công lao của bà ấy đấy."
Cũng không để chồng thiệt thòi, bác Mùa Y Zìa tâm sự: "Mang tiếng cán bộ nhà nước nhưng ông ấy có khi nào nghỉ tay đâu, khi tranh thủ hay cắt phép, ông ấy đều về đỡ đần cho vợ và con cái. Ngày trẻ, để đủ điều kiện cho con cái học hành, ông ấy làm như điên, mảnh nương người ta làm mười ngày thì ông ấy chỉ phát xong trong năm ngày để kịp trở lại đơn vị công tác".
Nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình dựa vào đồng lương của bác trai và từ nương rẫy nên có lúc khó khăn chồng chất. Để có điều kiện cho các con ăn học, hai bác đã phải bán mọi đồ đạc trong nhà kể cả đôi nhẫn cưới mà bố mẹ cho làm kỉ niệm.
Người chiến sĩ công an mẫu mực
Ở cái thị trấn giáp biên này, người ta không chỉ biết đến bác Chò như là người chồng rất mực yêu thương vợ, người bố của những đứa con giỏi giang, mà người ta còn biết đến bác với tư cách là một cán bộ công an mẫu mực. Qua quá trình học tập phấn đấu lâu dài, hiện bác đã là một trung tá công an, Đội trưởng Đội công an phụ trách tuyến xã. Ngoài ra, bác cũng trực tiếp phụ trách địa bàn hai xã Tây Sơn và Nậm Càn. Địa bàn mà bác phụ trách luôn dẫn đầu về các phong trào giữ gìn an ninh trật tự và phát triển kinh tế.
"Hơn ai hết tôi là một người dân tộc thiểu số, tôi hiểu về đồng bào và luôn sát cánh cùng họ trong mọi phong trào" - bác Chò tâm sự. Chiến sĩ công an trẻ Nguyễn Văn Thắng khi nói về bác Chò đã bày tỏ: "Bác ấy đúng là tấm gương cho chúng tôi học tập, và xứng đáng là thủ lĩnh tinh thần ở đây".
Xứ Nghệ