Gen Y - thế hệ "nhảy việc": Tự tin nhưng nhiều hoang mang?
(Dân trí) - Khác với các thế hệ trước thường coi trọng sự ổn định, gen Y (những người sinh trong giai đoạn 1981-2000) bị gán mác là thế hệ "nhảy việc". Tự tin nhưng nhiều hoang mang, đâu là lối đi đúng đắn về sự nghiệp cho các bạn trẻ gen Y?
Chương trình Diễn đàn hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường, chủ đề "Gen Y" và bài toán nghề nghiệp do trường Đại học Ngoại thương Hà Nội tổ chức ngày 16/3 đã tập trung giải quyết câu hỏi đó.
Gen Y - Hãy học hỏi không ngừng và biết rõ mình hơn
Thế họ Y chỉ những người sinh ra từ năm 1981 đến năm 2000. Đây là thế hệ tiếp nối thế hệ X - những người sinh ra từ năm 1965 đến năm 1980.
Tại sao lại gọi họ là thế hệ Y? - Vì trong tiếng Anh, Y phát âm giống từ "Why", có nghĩa là Tại sao? Vì sao? Đây là câu hỏi mà những người trẻ tuổi thuộc thế hệ này thường xuyên đặt ra. Có nhiều cách gọi khác nhau tùy theo từng nước, nhưng nhìn chung, trên thế giới họ được gọi là thế hệ Y.
Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn tự thân nó đòi hỏi chuyển biến về chất rất lớn để bắt nhịp xu thế toàn cầu. Và đi kèm với đó đương nhiên là đòi hỏi ngày càng lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong nền kinh tri thức và công nghệ số thì yếu tố sáng tạo đổi mới có tính chất sống còn. Trong khi, vốn con người quan trọng và có tính chất quyết định về đổi mới sáng tạo. Không ai khác, thế hệ gen Y sẽ là lực lượng đảm nhận nhiệm vụ đổi mới, sáng tạo này.
"Thế hệ Y vượt xa hẳn thế hệ chúng tôi về sự tự tin. Các em sinh ra trong thời đại của Google, Facebook, được tiếp cận thông tin, dám thể hiện mình mạnh dạn chứ không rụt rè, nhút nhát như các thế hệ trước. Đó là dấu hiệu đáng mừng", TS. Vũ Viết Ngoạn nhận xét.
Tuy nhiên, người trẻ gen Y có kiến thức, bản lĩnh, tự tin, nhanh nhạy, dám nghĩ dám làm nhưng cũng thiếu sự kiên nhẫn, bốc đồng và sức chịu đựng khó khăn có thể kém hơn.
Sinh ra, lớn lên và tham gia vào thị trường lao động có những biến chuyển mạnh mẽ và không khí, thế hệ gen Y cần trang bị cho mình những gì?
Ông Nguyễn Khắc Nguyện - Giám đốc khối quản trị nguồn nhân lực ngân hàng ACB, đại diện khối doanh nghiệp/ nhà tuyển dụng cho biết, bản thân các doanh nghiệp hiện nay cũng có nhiều sức ép làm thế nào tăng năng suất lao động, tối ưu hóa nguồn lực... Sự có mặt của gen Y trong các doanh nghiệp không hề nhỏ.
"Gen Y là thế hệ không hề bị động. Ở công ty chúng tôi, thế hệ này chiếm đến 74% nhân sự trong tổng số 10.000 nhân sự", ông Nguyện nói.
Định hướng cho thế hệ Y trong việc xây dựng lộ trình công danh, ông Nguyện kêu gọi các bạn có ý chí và cách tiếp cận mạnh bạo hơn nữa nhưng tất nhiên, cũng biết rõ mình hơn nữa.
Theo ông, điều tạo sự khác biệt của nhân sự trong thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt hiện nay là khả năng học hỏi chứ không phải những gì đã biết. Có nghĩa, gen Y sẽ là thế hệ chứng minh khả năng học hỏi, mang nó vào các tổ chức để biến thành điểm cạnh tranh cho tổ chức và rộng hơn, sức bật cho cả nền kinh tế.
Thế hệ Y cũng là thế hệ bắt đầu quen thuộc với cụm từ "khởi nghiệp". Ở góc độ một sinh viên khởi nghiệp thành công từ ngay trên ghế nhà trường, bạn Nguyễn Việt Hùng (sinh năm 1995) - đại diện thế hệ Y nhận định, sinh viên Việt hiện nay có nhiều lợi thế nhưng thiếu kiến thức khởi nghiệp, chưa biết khởi nghiệp để làm gì...
"Không quan trọng khởi nghiệp hay làm thuê, quan trọng là bạn muốn làm gì. Làm nhân sự cho công ty lớn vẫn có thể đóng góp, làm nhiều điều hơn làm chủ của công ty nhỏ vốn vô cùng khó khăn vất vả. Điều cần làm để thành nhân sự tốt là lăn xả nhiều hơn, tiếp cận nhiều cơ hội hơn. Nếu vừa học vừa lăn xả làm từng công việc mà đôi khi các bạn thầm nghĩ đáng lẽ mình không phải làm thì lại học rất nhiều điều, và nó giúp ích cho quá trình thăng tiến sau này", chàng trai 9X chia sẻ.
Nói về chuyện bị gán mác thế hệ nhảy việc của gen Y, chị Trâm - Giám đốc chiến lược tuyển dụng của Techcombank (một gen Y) lý giải: "Gen Y rất tự tin nên kì vọng cao về bản thân, về người thuê mình. Kì vọng cao không xấu nếu đủ kỹ năng kiến thức nhưng thực tế, nhiều bạn trẻ chưa trả lời được câu hỏi từ doanh nghiệp: em là ai, mang lại giá trị gì?
Khi chưa thực sự hiểu rõ mong muốn năng lực bản thân và con đường mình theo đuổi nên các bạn dễ dàng yêu thích một công ty nhưng chỉ sau vài tháng cảm thấy những gì công ty mang lại không giống kì vọng ban đầu của mình nên đi tìm công ty khác. Có hoài bão kỳ vọng là tốt nhưng ngược lại, khi được nhà tuyển dụng hỏi "em có thể mang lại gì? định vị giá trị bản thân ra sao?" thì các bạn rất lúng túng".
Nữ giám đốc trẻ bình luận: "Gen Y là thế hệ tự tin nhưng cũng đầy hoang mang...". Và đặc tính này rất có ý nghĩa với các doanh nghiệp - doanh nghiệp cũng phải chuyển mình để thu hút và giữ chân người tài trẻ. Ngoài hai yếu tố cần nhất là sự minh bạch ở môi trường làm việc, cơ hội phát triển thăng tiến, doanh nghiệp cũng cần tạo sự chủ động, không gian sáng tạo cho người trẻ ở thế hệ Y.
Nhà trường - doanh nghiệp - sinh viên: Cần tìm ra tiếng nói chung
Bàn về giải pháp giải bài toán chất lượng cao, các diễn giả đồng tình thống nhất cần nâng cao sự hợp tác chặt chẽ giữa ba bên: nhà trường, doanh nghiệp, sinh viên. Doanh nghiệp lưu ý àm thế nào khai thác đặc tính lợi thế bạn trẻ thế hệ Y hiện nay, khuyến khích thế hệ này có cách tiếp cận cụ thể phù hợp trong cộng đồng nhiều thế hệ.
Ông Nguyễn Khắc Nguyện đặt kì vọng: Liệu có thể tạo ra hệ thống doanh nghiệp – nhà trường – sinh viên và ba bên cùng làm việc ở đó, mục đích là làm sao xóa được ranh giới giữa tốt nghiệp và việc làm (sinh viên tốt nghiệp có thể làm luôn chứ không phải đào tạo lại)?
Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương nhấn mạnh: "Xuất phát từ nhu cầu của bạn trẻ và doanh nghiệp thì các trường đại học cũng phải thay đổi cách thức giảng dạy, cung cấp chương trình... nhằm đáp ứng thị trường. Và nhà trường, cần sự hỗ trợ từ phía cộng đồng doanh nghiệp để biết được, nhu cầu doanh nghiệp hiện tại ra sao, biến đổi thế nào từ đó có định hướng thay đổi nội dung, cách thức giảng dạy phù hợp".
Ông Lê Nguyễn Trường Giang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CSCI Indochina, đại diện khối doanh nghiệp cho rằng, trường đại học cũng nên chú trọng dạy các môn góp phần xây dựng nền tảng tư duy qua các bộ môn: Triết học, Kinh tế chính trị…
Bản thân các thầy cô ở trường đại học cũng phải là người tiên phong, đi đầu cập nhật kiến thức công nghệ. Về phía sinh viên, các bạn phải chuẩn bị tâm thế, trong đó năng lực học hỏi là năng lực bắt buộc.
“Nhà trường cũng phải dạy sinh viên lăn xả, biết làm bất cứ công việc nào; tức là có năng lực thích nghi nhanh với môi trường khác nhau, học hỏi nhanh. Trở thành thợ giỏi thì mới trở thành thầy giỏi. Không chỉ là người thợ trong ngành cụ thể nào đó mà có kỹ năng để làm được nhiều thứ trong thời đại hỗn loạn này”, ông Giang nhắn nhủ.
Đặc biệt, theo vị này, ba bên nhà trường – sinh viên – doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung. Chỉ khi nào gỡ được nút thắt này thì việc hợp tác hướng tới đào tạo nhân lực chất lượng cao mới hiệu quả. Nhà trường làm công tác nghiên cứu đào tạo chuyển cho doanh nghiệp, còn doanh nghiệp thì đặt hàng và sử dụng sản phẩm nhân lực từ nhà trường.
Lệ Thu
Ảnh: Anh Việt