Gây dựng sự nghiệp với Anh ngữ

33 tuổi, là Trưởng Phòng Uỷ quyền và Quản lý gian lận – Trung tâm Thẻ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Trần Ngọc Dung, người phụ nữ trẻ đang vững tiến trong sự nghiệp “bật mí” một bí kíp quan trọng để gây dựng sự nghiệp với chị là học và làm chủ Anh ngữ.

Nữ Trưởng Phòng trẻ cho biết, “cơ duyên” để thuận lợi bước vào ngành ngân hàng, thể hiện và phát triển được năng lực chính là từ thành công trong các cuộc thi tiếng Anh.

Năm 2005, khi vừa tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, Trần Ngọc Dung nhận được thông tin BIDV có chương trình tuyển dụng nhân sự hướng tới các tân cử nhân. Khi đó, BIDV là Ngân hàng thương mại nhà nước đầu tiên thực hiện việc tuyển dụng “cởi mở” như vậy.

Nhờ kết quả học tập tốt cùng với nhiều giải thưởng từ các kỳ thi tiếng Anh, cô sinh viên vừa ra trường đã được miễn thi vòng một (vòng kiểm tra trình độ ngoại ngữ, tin học văn phòng, kiến thức “nhập nghề” ngân hàng…).

Theo chị Dung, thuận lợi ban đầu đó đã giúp con đường của chị suôn sẻ hơn đôi chút so với các ứng viên khác. Chị trúng tuyển, nhanh chóng được giao vị trí quản lý dự án rồi quản lý rủi ro vì nhà tuyển dụng nhận ra khả năng nghiên cứu bằng tiếng Anh của chị - một kỹ năng cần thiết cho các công việc đó…

Cố gắng tiếp xúc với tiếng Anh càng nhiều càng tốt, từ sách vở, giao tiếp, xem phim, nghe nhạc...
Cố gắng tiếp xúc với tiếng Anh càng nhiều càng tốt, từ sách vở, giao tiếp, xem phim, nghe nhạc...

Khẳng định lợi thế, sự thiết thực, như một điều kiện cần và đủ để cạnh tranh trong thị trường nhân lực chất lượng cao như vậy, chắc hẳn chị ý thức rất rõ ràng về vai trò của Anh ngữ từ rất sớm?

Lớn lên trong thời đại mà Anh ngữ được coi là công cụ cần thiết để chắp cánh cho sự nghiệp, chúng ta được học nó ngay từ lúc nhỏ. Thế nhưng cho đến mãi năm cuối trung học cơ sở thì tôi mới bắt đầu say mê môn học này.

Đầu tư học tiếng Anh, tôi đã thành công trong nhiều cuộc thi Anh ngữ. Sớm hoàn tất kỳ thi TOEIC với kết quả cao đã giúp tôi vượt qua một “cửa ải”, đáp ứng được các điều kiện, yêu cầu của nhà tuyển dụng, của công việc. Đó cũng là nền tảng để tôi được đề bạt và được giao các dự án tốt.

Thú vị thay, cứ mỗi lần tôi đạt được thành tích trong học Anh ngữ thì rất trùng hợp, tôi cũng được thăng chức ở ngân hàng. Tuy tiếng Anh không phải là điều kiện để được thăng chức  ở đây, nhưng tôi cho rằng các nhà tuyển dụng cũng vẫn xem xét yếu tố này khi họ đưa ra quyết định đề bạt.

Có thể hiểu tiếng Anh là công cụ làm việc không thể thiếu trong một ngành kinh tế hội nhập, toàn cầu hoá mạnh mẽ như ngành ngân hàng. Thách thức nào lớn nhất đối với công việc của một Trưởng Phòng phụ trách lĩnh vực đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm như quản lý gian lận?

Phải cập nhật kiến thức, thông tin liên tục là thách thức lớn nhất của công việc của tôi. Xu hướng gian lận trong hoạt động tín dụng, ngân hàng luôn thay đổi và các cá nhân có hành vi gian lận luôn tìm cách tấn công điểm yếu nhất của hệ thống. Vì thế chúng tôi cần cập nhật tất cả các công nghệ mới để bảo vệ sự an toàn thẻ cũng như học thêm công nghệ mới, tìm hiểu những phương thức gian lận, ăn cắp tiền từ thẻ ngân hàng để trang bị các phương thức phòng chống tốt nhất có thể.

Chúng tôi phải liên tục nghiên cứu, giao tiếp với đồng nghiệp và làm việc với đối tác nhằm có được thông tin mới nhất từ nhiều nguồn khác nhau.

Khi được bổ nhiệm tại Trung tâm thẻ, tôi đã nghĩ rằng đây là một công việc nhàm chán và lặp đi lặp lại. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Tính chất thử thách rất cao của công việc, cơ hội làm việc với các đồng nghiệp xuất sắc trên thế giới đem đến tình yêu và động lực để tôi trụ lại cho đến ngày hôm nay.

Và trong công việc hàng ngày, với vai trò là người quản lý rủi ro cho hệ thống thẻ, tôi cần liên tục tìm kiếm thông tin xoay quanh các trường hợp rủi ro, thất thoát dữ liệu, xu hướng gian lận… Tất cả những thông tin, nguồn dữ liệu đó đều bằng tiếng Anh. Việc liên lạc giữa các tổ chức ngân hàng với nhau và giữa các hệ thống thanh toán thẻ (Card Schemes), với các đối tác trên toàn thế giới cũng phải bằng tiếng Anh….

Thực sự tiếng Anh là một phần trong thiết yếu công việc hằng ngày của tôi. Tôi thậm chí cho rằng, rất khó có thể làm được công việc này nếu không biết tiếng Anh.

Đạt được nhiều thành công với vốn tiếng Anh, sự chuẩn bị rất tốt cho con đường sự nghiệp của mình như thế, chị có lời khuyên nào dành cho những bạn sắp tham gia kỳ thi TOEIC?

Các bạn không nên học tiếng Anh chỉ để thi. Học cho chính mình, học có mục đích ví dụ như cho sự nghiệp của bạn, hay đi du lịch, giao tiếp và kết bạn, vv.. Khi các bạn học nó với cả trái tim, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn nhiều bởi vì nó sẽ trở thành một phần cuộc sống của bạn, giống như tiếng mẹ đẻ.

Hãy đọc thật nhiều (truyện, tiểu thuyết, bài viết, vv..), nghe thật nhiều (tin tức, phim ảnh, âm nhạc, vv..) để làm giàu vốn từ vựng và nền tảng kiến thức hằng ngày cũng như kiến thức môn học. Bạn sẽ thấy dễ dàng hơn khi muốn hiểu hoặc đoán nghĩa của một đoạn đối thoại hoặc bài giảng, vv... nếu bạn đã quen với chủ đề đó.

Dĩ nhiên khi đạt đến trình độ tiếng Anh nhất định và cần dự thi, bạn cũng cần chuẩn bị để có kết quả tốt nhất. Có rất nhiều chỉ dẫn cho các thí sinh trên mạng mà bạn có thể tìm kiếm. Cá nhân tôi luôn bám theo những nguyên tắc căn bản như xác định rõ mình sẽ làm gì (làm quen với cấu trúc của bài thi bằng cách đọc qua giới thiệu và làm càng nhiều bài thi thử càng tốt); quản lý chặt thời gian làm bài; không bỏ trống đáp án; phán đoán câu trả lời bằng cách tự đặt mình vào hoàn cảnh đối thoại/văn bản.

Xin cảm ơn và chúc chị tiếp tục thành công với niềm yêu thích của mình!

PV