Gặp mặt 250 Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú tại Hà Nội
(Dân trí) - Sáng nay 18/11, Bộ GD-ĐT tổ chức lễ Kỷ niệm 28 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2010) và gặp mặt đại diện 250 Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú ngành giáo dục được Nhà nước phong tặng lần thứ 11 năm 2010.
Từ năm 1988 đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã có 11 đợt phong tặng, ghi nhận và tuyên dương thành tích xuất sắc cho 488 Nhà giáo Nhân dân (NGND) và 6.165 Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) ở tất cả các bậc học trên cả nước. Riêng đợt phong tặng lần thứ 11, năm 2010 có 132 NGND và 1.062 NGƯT.
Tại buổi kỷ niệm trọng thể này, nhiều NGND, NGƯT đã bày tỏ nguyện vọng, tâm huyết của mình với nghề cao quý mà họ đang cống hiến và họ khiêm tốn cho rằng cống hiến đó còn quá nhỏ bé.
GS.TS Trần Hữu Luyến, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội, người vừa được phong tặng danh hiệu NGND năm 2010, tâm sự: “Suốt những năm qua, kể từ khi bắt đầu cuộc đời dạy học, nhớ lại và nhìn nhận một cách nghiêm túc, tôi chưa bao giờ lấy những danh hiệu này để phấn đấu, mặc dù tôi rất ngưỡng mộ. Đối với tôi nghề dạy học là nghề cao quý. Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống dạy học. Chắc vì thế, tôi thích nghề dạy học từ bé. Sau này, khi thực sự làm thầy giáo, buổi đầu tiên lên lớp giảng bài đối với tôi là một ngày hội. Năm tháng qua đi, có rất nhiều sự kiện thực tế đã diễn ra, nhận thức của con người không thể thay đổi, nhưng niềm vui này vẫn theo tôi cho đến tận bây giờ.
Trong suốt cuộc đời làm nghề dạy học, không hiểu từ bao giờ, những bài giảng của tôi luôn được định hướng theo một câu nói cảu một nhà giáo dục học rằng “giờ học là đời sống của trí tuệ”. Và hôm nay, tôi thấy rất rõ, lòng yêu nghề và yêu người chính là động lực quan trọng nhất để người thấy giáo có giờ học là “đời sống của trí tuệ”, để đổi mới cách dạy cho phù hợp đối tượng, để có công trình khoa học có giá trị cho xã hội; để hợp tác, chia sẻ với đồng nghiệp một cách thân thiện và cũng để không vướng vào những tiêu cực mang tiếng “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Phần thưởng chính đáng là cái không thể xin; nó chỉ đến với lao động chân chính của con người. Cái cảm giác gần như lúc nào cũng thường trực trong tôi, rằng mình vẫn còn đóng góp với sự nghiệp giáo dục, với xã hội được ít quá. Nếu trời cho tôi một cuộc đời nữa, tôi xin vẫn được làm thầy giáo, để cố gắng có thêm đóng góp, dù ít ỏi, cho ngành giáo dục, cho xã hội".
Còn NGƯT, PGS.TS Nguyễn Phúc Chỉnh, Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, cho biết: Phấn đấu để trở thành NGƯT là một quá trình lâu dài, trước hết bắt nguồn từ lòng yêu nghề và sự đam mê nghề nghiệp. Được phong tặng danh hiệu NGƯT, tôi tự nhận thấy những đóng góp của mình cho sự nghiệp giáo dục còn rất nhỏ bé. Tôi sẽ phấn đấu nhiều hơn nữa trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học để xứng đáng với danh hiệu này”.
Khiêm tốn nói về thành tích của mình, NGƯT Cao Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định bày tỏ: “Tôi tự xác định nếu đã theo nghề dạy học thì không thể thiếu trách nhiệm của người thầy. Thiết nghĩ, mỗi nhà trường đều là “hạt nhân trí tuệ” của một vùng dân cư rộng lớn. Tương lai, số phận của hàng vạn con người phục thuộc rất nhiều vào chất lượng của nhà trường đóng tại vùng đó. Nếu mỗi nhà trường, mỗi giáo viên xác định rõ vai trò, trách nhiệm, vị thế của mình để cố gắng hơn, tâm huyết hơn, tự nâng tầm của mình cao hơn thì chắc chắn nền giáo dục của chúng ta phát huy đúng vai trò trong sự nghiệp đổi mới của đất nước”.
Hồng Hạnh