Gặp cô thủ khoa 8,69 của ĐH Ngoại thương
(Dân trí)- Mục tiêu học là để tiếp nhận kiến thức nên với Huỳnh Kim Ánh - thủ khoa tốt nghiệp 2011 của Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 với số điểm tổng kết 8,69 xác định việc học là con đường dài. Trong việc học, Ánh luôn có những biện pháp, kế hoạch rất rõ ràng.
Mẹ tham gia hoạt đoàn hội ở xã nên nhiệm vụ “quản lý” việc học của hai chị em Ánh do bố đảm nhiệm vì ông làm nghề sửa đồng hồ ngay tại nhà. Bố Anh không khắt khe nhưng ông lại sống rất khoa học và… từ nhỏ các con đã được ông uốn nắn để biết cách thu xếp mọi việc sao cho hiệu quả nhất. Tính cách và phương pháp giáo dục này ảnh hướng đến Ánh rất nhiều.
Các cách sắp xếp bàn học, xác định cần tập trung học những kiến thức nào hay cân đối việc học và việc chơi, làm việc nhà… của Ánh đều rất chỉn chu và sắp xếp theo kế hoạch. “Bố mẹ không tạo áp lực bắt con phải học giỏi nhất mà chỉ cố gắng giúp con phát huy được hết khả năng của mình”, Kim Ánh chia sẻ.
Nhờ nền tảng ban đầu đó mà Ánh có những bước đi “chậm mà chắc”. 12 năm liền là học sinh giỏi; năm cuối ở bậc phổ thông, cô gái vùng núi ở Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) bất ngờ đoạt giải khuyến khích môn Anh văn cấp quốc gia. Cuối năm đó, Ánh lại lập thành thích khi trở thành thủ khoa tốt nghiệp THPT tỉnh Bình Thuận với tổng điểm 58,5.
4 năm sau theo học ở ĐH Ngoại thương CS2, Kim Ánh đạt điểm số điểm 8,69, là SV có điểm đầu ra cao nhất trường, trở thành thủ khoa tốt nghiệp. “Hình như em có duyên với đầu ra chứ ngày đầu đặt chân vào đại học, em chưa phải là một SV xuất sắc”, cô gái khiêm tốn.
Được biết, ở bậc đại học, Kim Ánh nghiêm túc với từng giờ lên lớp nghe giảng, từng trang vở, nét chữ của mình. Cô bạn rất chăm chú chép bài - cách học này người ngoài nhìn vào có thể đánh giá là khá “chuối” khi đã là SV, nhưng cách chép bài của Ánh cũng cực kỳ khoa học. Không phải "cắm đầu" vào ghi chép mà các kiến thức được Kim Ánh trình bày bằng những ký tự, sơ đồ… nên chép đến đâu Ánh nắm chắc đến đó, việc học lúc nào cũng rất nhẹ nhàng.
Với cô gái quê Phan Thiết này, việc học quan trọng nhất là phải xác định được mục tiêu. Và mục tiêu học tập của Ánh là thu nạp kiến thức để ứng dụng vào công việc thực tế chứ không phải điểm số thế nên kết quả cũng là một bất ngờ với chính chủ nhân.
Điều này thể hiện rõ khi năm thứ nhất, Ánh quyết định định học tiếng Nhật chứ không phải tiếng Anh như hầu hết bạn bè. Ánh chia sẻ: “Nếu học vì điểm số em đã chọn môn học thế mạnh của mình chứ không bắt đầu bằng tiếng Nhật. Nhưng Ánh xác định rõ, theo học tiếng Nhật mình vẫn có thể tự trau dồi kiến thức tiếng Anh”.
Với Kim Ánh, việc học là con đường dài.
Nhờ lựa chọn sáng suốt này, Ánh đã trang bị cho mình được hai ngoại ngữ trong hành trang vào đời. Việc đam mê tiếng Nhật đã đem đến cho Ánh rất nhiều cơ hội. Từ khi là SV năm nhất, Kim Ánh "nhẵn mặt" tại thư viện Việt - Nhật (thuộc Trung tâm Hợp tác Nguồn Nhân lực Việt Nam - Nhật Bản) nhiều đến mức cô được mời làm thủ thư ngoài giờ. Một công đôi việc, vừa làm thêm, Ánh lại vừa được thỏa sức thu nạp kiến thức ở thế giới sách. Thời gian này, Ánh cũng đạt nhiều giải thưởng về các cuộc thi tiếng Nhật, được Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản mời sang Nhật giao lưu văn hóa.
Sau đó, Ánh còn kiêm vai trò chủ nhiệm CLB tiếng Nhật của Trường ĐH Ngoại thương với vô số hoạt động ngoại khóa. Đồng thời Ánh vẫn đi làm thêm tại một số công ty về lĩnh vực tài chính, chứng khoán… để tích lũy kinh nghiệm. Cô gái muốn thử khả năng quản lý, thu xếp của mình khi kham nhiều việc một lúc và cô đã không phải thất vọng về bản thân khi các công việc đều được Ánh hoàn thành tốt.
Hiện tại, Kim Ánh đang làm việc cho một ngân hàng của Nhật Bản có chi nhánh ở TPHCM. Đúng với tính cách của mình, Ánh không đưa ra mục tiêu phải trở thành nhân viên xuất sắc mà quan trong là làm sao để có thể hiện tốt nhất khả năng bản thân. Ánh dự tính, khoảng 1 đến 2 năm có thêm kinh nghiệm làm việc, cô sẽ sang Nhật học lên tiến sĩ về lĩnh vực tài chính bởi theo Ánh học tập là một con đường rất dài.
Hoài Nam