Gặp cô giáo vùng biên tuổi nghề hơn nửa tuổi đời
(Dân trí) - Hơn 40 tuổi, nhưng cô Mai Thị Loan đã có 23 năm công tác nơi vùng biên giới. Với cô, nơi vùng biên giới như là quê hương thứ hai của mình. Cô đùa rằng, về quê ít người biết, nhưng nơi huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), không ai là không biết cô...
“Nhà báo đừng nói mình ôn nghèo kể khổ nhé”
Những ngày cuối năm, giữa tiết trời lạnh giá nơi vùng biên phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, tôi có dịp ghé thăm Trường tiểu học Na Mèo. Chỉ nằm cách cửa khẩu quốc tế Nam Mèo chưa đầy 1 km, trong câu chuyện với thầy hiệu trưởng nhà trường, tôi biết đến cô giáo Mai Thị Loan - người đã có thâm niên 23 năm gắn bó với vùng đất nơi đây. Vừa gặp cô giáo Loan, câu đầu tiên tôi thắc mắc tại sao công tác lâu như thế mà cô chưa về xuôi, cô Loan cười: “Muốn về thì muốn lâu lắm rồi”.
Cô Loan nhớ lại năm 1991, tốt nghiệp xong, theo phân công nhiệm vụ, cô lên vùng cao Quan Hóa cũ (nay là huyện Quan Sơn) công tác. Năm đầu lên đây, cô được phân công giảng dạy ở xã Sơn Điện. Một năm sau, cô lại được điều động lên xã Na Mèo, rồi “cắm chốt” từ đó đến nay. Với cô, nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của mình. Như để minh chứng cho điều này, cô Loan nói vui: “Về quê thì bà con không biết mình là ai, còn ở đây thì đi từ đầu đến cuối huyện ai cũng biết mình cả, bởi lâu lâu mới về thăm quê được một lần”.
Hơn 40 tuổi, có gia đình với hai người con đang học đại học, nhưng hàng ngày cô vẫn sống và công tác một mình nơi núi rừng miền tây xứ Thanh. Cô Loan cười vui: “Hơn 40 tuổi rồi mà vẫn sống độc thân”. Nói về những kỷ niệm với nghề, cũng như mảnh đất và con người nơi đây với cô thì nhiều lắm, nhưng ấn tượng nhất với cô là năm 2009 được mời về dự lễ kỷ niệm 50 năm giáo viên miền xuôi với vùng cao.
Nhớ lại những ngày đầu mới lên công tác ở trường Phổ thông cơ sở Sơn Điện, nhà công vụ cho giáo viên chỉ toàn là tranh tre nứa lá: “Mỗi người cũng chỉ được nửa căn phòng, trong đó bốn người chung một cây cột, chỉ kê vừa cái rương. Có lần mưa đá vào ban đêm, hai chị em ở chung giá rét quá, gió đưa nhà như lá rung. Chỉ biết lấy chăn bông quấn người lại nằm cho qua cơn giông”.
Như được trút bầu tâm sự, trong câu chuyện của mình, cô luôn nói với tôi: “Nói ra nhà báo đừng nói mình ôn nghèo kể khổ nhé. Có lần đi công tác ở bản xa, tôi cùng chị bạn đi bộ từ Na Mèo xuống bản Xuân Thành cách xa hơn 30km, không một bóng xe, loay hoay mãi mới xin đi nhờ bè cùng người dân. Thác ghềnh trên sông thì nhiều, chỉ biết khóc, vì tôi không biết bơi. Khi vào đến nơi, nhà trường báo hoãn họp, hai chị em lại cuốc bộ trở về, về đến nhà hai bàn chân bị phồng rộp hết. Còn những lần đi thao giảng, đi bộ từ khu này đến khu khác chứ không biết đến xe là gì cả”.
Cũng đã có dịp đến nhiều bản làng miền núi nên tôi cảm nhận được cái khó của giáo viên vùng biên. Chuyện đi bộ 3, 4 ngày mới đến nơi là bình thường. Đôi khi còn không có cơm ăn phải xin cơm của bà con dân bản với dăm bảy con cá mắm, lấy rau rừng làm canh.
Phát cây, kéo nứa dựng trường dạy học
Ngày vừa ra trường, cô Loan được phân công đến điểm lẻ dạy học. Khổ nỗi, vừa từ miền xuôi chân ướt chân ráo lên với đồng bào dân tộc thiểu số, chưa biết tiếng Thái, khu trường thì sơ khai. Nói là trường nhưng lại không phải là trường, vì khi đến cô Loan cùng với bà con phát cây cộng sản và kéo nứa về làm trường. Lúc đó, cô chỉ khóc, trường chưa có nói gì đến nhà công vụ, may sao bà con dân bản tốt cho cô ở nhờ.
Nói về điều kiện học tập với các em học sinh miền núi bây giờ còn nhiều thiếu thốn, chứ chưa nói đến ngày xưa. Bàn ghế chỉ làm bằng những khúc nứa, chôn cọc xuống đất, đặt miếng ván lên. Còn học sinh thì mặc quần đùi đến lớp, dù lớp tiểu học nhưng toàn là học sinh nhiều tuổi. “Có những hôm, đang dạy, học sinh chạy đến lớp chỉ đứng ngoài cửa sổ nói xin cô giáo cho nghỉ bữa nhé để ở nhà làm cưới cho bố mẹ. Lúc đầu tôi chưa hiểu phong tục của người dân. Sau đó các em giải thích cho mình mới hiểu là người dân ở đây có tục bắt vợ về, sau đó có điều kiện mới cưới”, cô Loan cho biết.
Rồi giọng cô trầm xuống, sống mũi như cay cay khi tôi nhắc chuyện về thăm quê. Ngày trước, mỗi lần muốn về quê, phải bắt 3, 4 ngày mới được xe. Khó khăn đi lại là một chuyện, còn kinh tế nữa, đồng lương giáo viên còn hạn hẹp, mỗi chuyến về thăm quê lên ít cũng mất nửa triệu. Nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi, lúc thì mưa bão, lúc hỏng xe, đi mấy chặng mới về được đến nhà, khi người thân mất không kịp về. Có trường hợp giáo viên trong trường chồng mất, do đường xa, mưa rét về đến nơi thì đã muộn rồi.
Qua ánh điện lờ mờ ngoài sân trường, cô Loan chỉ tay về dãy nhà học khang trang và cho biết: “Ở đây ngày trước một dãy lều chia làm 3, 4 lớp học. Khi Sở lên kiểm tra, không dám mời về trường mà mời vào nhà dân, lãnh đạo sở hỏi đây là văn phòng nhà trường sao, chúng tôi trả lời trường không có văn phòng”.
Hai lần đặt chân đến vùng đất mới đều là sơ khai, bắt đầu làm trường dạy, trước đó không có lớp. Với giáo viên vùng cao, ngày trước, chuyện cơm không có ăn là bình thường. Nhiều địa phương quan tâm chỉ đạo dân phải bán gạo cho giáo viên, nhưng khổ một nỗi, dân còn đói, lấy đâu ra mà bán. Có những thời điểm đói quá, giáo viên phải cho học sinh nghỉ học vì nhiều ngày không có gạo ăn.
Cái khổ của giáo viên vùng cao có ngồi kể cả ngày cũng chưa hết, nhưng khi tôi hỏi về chế độ, chính sách, cô Loan cũng không nói là đòi hỏi: “Mong mỏi nhất của người miền xuôi lên phục vụ miền núi làm sao có một chế độ nào đó động viên, an ủi. Nói thế mới biết, giáo viên ở đây khổ thế nào, nhiều khi rơi nước mắt, mình chỉ mong muốn chứ không dám đòi hỏi, nếu có thì nó là nguồn động lực rất lớn. Nói là nói thế chứ mình cũng yên tâm công tác, không yên tâm làm sao mà hoàn thành nhiệm vụ được”.
Khi hỏi về thành tích, cô mỉm cười: “Thành tích thì nhiều lắm, không nhớ có bao nhiêu bằng khen, giấy khen nữa”. Nét mặt đầy tự hào, Cô Loan khoe: “Phần thưởng cao nhất với mình là tháng 11/2009 được nằm trong tốp 6 cán bộ, giáo viên của tỉnh về gặp gỡ vinh danh giáo viên miền xuôi với giáo dục vùng cao. Giấy mời đến giờ mình vẫn còn giữ, coi đó là kỷ niệm suốt đời không bao giờ quên. Giấy khen, bằng khen thì đồng nghiệp mình ai cũng có, còn cái đó mình quý trọng nhất, coi là món quà vô giá. Phải nói là lên rừng xuống biển, quê mình vùng biển mà. Nếu vì đồng tiền, bát gạo thì không tồn tại đến bây giờ ở đây được”.
Sau hàng chục năm cống hiến cho giáo dục vùng cao, tháng 8/2002, với những thành tích và xét năng lực, cô được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng nhà trường. Dù đã nếm đủ những khó khăn vất vả nơi miền núi xa xôi, giờ nằm trong diện được trở về xuôi công tác, nhưng với cô vẫn muốn cống hiến cho miền núi. Trước lúc ra về, cô Loan dặn với: "Nhà báo viết gì thì viết, đừng bảo giáo viên chúng tôi đòi hỏi nhé...!".
Duy Tuyên