Gánh “lỗ” trong tuyển sinh: Tạo sân chơi bình đẳng giữa các trường
(Dân trí) - Công tác tuyển sinh đã “lỗ” nhưng các trường tổ chức thi lại phải gánh thêm phần đối với những thí sinh đăng ký dự thi nhờ để lấy kết quả xét tuyển vào các trường không tổ chức thi. Nghịch lý tồn tại nhiều năm và đến lúc cần phải thay đổi.
Trường tổ chức thi “gánh lỗ”
Nhiều năm nay, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội vẫn phải tiếp nhận khoảng trên 1.000 thí sinh (TS) đăng ký dự thi nhờ. Với con số này, nhà trường phải bố trí khoảng 30-40 phòng thi. Mọi hoạt động từ khâu tổ chức trông coi thi, chấm thi… đều do trường đảm nhận trong khi các trường có TS dự thi nhờ thì lại ngồi “ung dung” chờ kết quả.
Theo Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương thì việc cho TS dự thi nhờ phát sinh nhiều vấn đề. Ngoài vấn đề chi phí tuyển sinh lại phát sinh biết bao nhiêu câu chuyện làm ảnh hưởng đến nhà trường. Chẳng hạn như, trong những năm qua, phần lớn TS bị đình chỉ thi, sử dụng điện thoại trong phòng thi… đều là TS dự thi nhờ nhưng thông tin ra xã hội thì không phải ai cũng hiểu điều đó và lại cho rằng đó là TS dự thi vào ĐH Ngoại thương.
Bên cạnh đó, khi có kết quả thi gửi giấy báo điểm có trục trặc gì thì trường không tổ chức thi cứ “đùn đẩy” sang các trường tổ chức thi. Công việc tuyển sinh đã bận rộn lại gánh thêm các công việc của trường khác nên lúc nào cũng căng như “dây đàn”
“Ngoài khoản lệ phí tuyển sinh thì các trường tổ chức thi chẳng nhận thêm được gì từ trường có TS dự thi nhờ. Mô hình chung cho thấy trường đang phải gánh công việc của người khác mà không được trả công. Chúng tôi dự tính là năm tới sẽ không tiếp nhận TS dự thi nhờ” - cán bộ tuyển sinh nhà trường cho biết.
Với việc “tránh” được lỗ lại không tốn công, tốn sức nên nhiều trường dù có năng lực tuyển sinh vẫn “cố đấm ăn xôi”. Thậm chí có đơn vị sau nhiều năm tổ chức thi tuyển thì năm 2012 đột ngột thông báo: “Không tổ chức thi mà xét tuyển”.
Theo thống kê của các trường tổ chức thi, với mức lệ phí tuyển sinh hiện nay thì việc “lỗ” là điều hiển nhiên. Tùy vào số lượng TS đăng ký và độ ảo sẽ cho ra con số “lỗ” chi tiết, thấp thì cũng lên đến hàng trăm triệu đồng, có nơi ngót tiền tỷ. Đã “lỗ” lại còn phải gánh thêm phần của các trường không tổ chức thi nên ngày càng “bi đát” hơn.
Cần tạo sân chơi bình đẳng
Nhiều trường tổ chức thi cho rằng, nếu không có năng lực tổ chức thi thì các trường không tổ chức thi cần thực hiện nghĩa vụ của mình đó chính là trả chi phí thực tế. Với khoản lệ phí tuyển sinh ít ỏi, các trường tổ chức thi không thể “nhiệt tình” mãi được.
Cũng chính vì sự bất cập đó mà hàng năm, câu chuyện các trường không tổ chức thi chậm gửi giấy báo điểm, giấy chứng nhận điểm thi… cho TS xảy ra thường xuyên. Không những thế, khi gặp những sự cố giấy báo “thất lạc” thì TS lại phải “khổ sở” đi lại hai bên để giải quyết cho dù đó là quyền lợi mà các trường phải đảm bảo cho các em.
Theo một cán bộ tuyển sinh ở Văn phòng Bộ GD-ĐT ở phía Nam thì tuyển sinh trải qua rất nhiều khâu, từ việc tổ chức thi đến chấm thi và sau đó là gửi kết quả. Đối với TS dự thi nhờ lại phải tách dữ liệu, in kết quả riêng, gửi dữ liệu cho trường không tổ chức thi… Đã bận rộn lại thêm công việc của người khác mà lại không được trả chi phí thì chắc chắn họ không thể thoải mái được. Do đó việc TS dự thi nhờ đến xử lý các vụ việc mà trường tổ chức thi ít thân thiện cũng là điều dễ hiểu.
“Tôi nghĩ cần có sự sòng phẳng ở đây. Nếu không tổ chức thi được thì phải trả chi phí thuê trường có tổ chức thi làm nhiệm vụ thay mình. Bên cạnh đó, cần có cam kết thực hiện giữa hai bên về thời gian và tiến độ. Chỉ khi làm tốt điều này thì quyền lợi của TS mới được đảm bảo” - cán bộ tuyển sinh này nói.
Trước thực trạng này, ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trường Vụ giáo dục ĐH cho rằng: “Về nguyên tắc thì đúng là như vậy nhưng ở đây các trường phải tương trợ lẫn nhau. Tuyển sinh năm tới, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các trường có năng lực tuyển sinh phải tổ chức thi chứ không thể xét tuyển mãi được”.
Cũng theo ông Tuấn, việc đưa ra chính sách trường không tổ chức thi hỗ trợ trường tổ chức thi, Bộ GD-ĐT quyết được ngay mà cần phải thông qua Bộ Tài chính. Tuy nhiên vấn đề này cũng là điều cần phải quan tâm để bàn luận trao đổi tại hội nghị tuyển sinh dự kiến được tổ chức vào tháng 1 năm 2013 sắp tới.
S.H