Gần 47.000 lượt người cai nghiện được dạy nghề, tạo việc làm và vay vốn
(Dân trí) - Số liệu này do Bộ LĐ-TB&XH công bố tại Hội nghị Tổng kết chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm giai đoạn 2011-2013 cho người sau cai nghiện của các tổ chức, cá nhân và người cai nghiện hòa nhập cộng đồng tiêu biểu, được tổ chức sáng 14/11 tại Hà Nội.
Mô hình tạo việc làm cho người sau cai nghiện tại Hà Nội
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, số liệu trên bao gồm 39.971 lượt người được dạy nghề, 13.472 lượt người được tại việc làm, 2.155 người được vay vốn với tổng số tiền cho vay là 10,756 tỉ đồng.
Tại các Trung tâm cai nghiện, học viên được học nghề kết hợp với lao động trị liệu, lao động sản xuất nhằm phục hồi sức khỏe. Các nghề được dạy phổ biến như: Cơ khí, may công nghiệp, trồng trọt, thủ công mỹ nghề, cắt tóc, mộc dân dụng…
Đối với những người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc hết thời hạn cai nghiệp tập trung, nếu có nhu cầu học nghề, được hỗ trợ 1 triệu đồng/người.
Hội nghị cũng nêu ra những mô hình tạo việc làm, dạy nghề có hiệu quả cho người sau cai như tại Lào Cai, Cần Thơ, Bến Tre, Ninh Bình…
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng ĐàmTại Lào Cai, các đoàn thể đã tư vấn và tín chấp giúp 55 hộ gia đình có người sau cai nghiện vay vốn phát triển kinh tế với số tiền là 550 triệu đồng, dự án VNMJ04 cho vay vốn theo chương trình Quỹ tín dụng vi mô: Giải ngân cho 205 họ gia đình có người sau cai nghiện, quay vòng 396 lượt hộ với số tiền hơn 400 triệu đồng, giúp đỡ cây con giống cho 41 hộ trị giá hơn 65 triệu đồng, bồi dưỡng chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 79 người và hàng ngàn ngày công của cán bộ cơ sở và khu dân cư tới thăm hỏi động viên.
Tại Cần Thơ, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể địa phương hỗ trợ vốn cho 71 người với số tiền 300 triệu đồng, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh dạy nghề cho 14 người sau cai, xây dựng 1 căn nhà tình thương. Tại Kiên Giang, chính quyền đã tổ chức cho 253 đối tượng sau cai học nghề, hỗ trợ kinh phí học nghề với số tiền 270 triệu đồng, hỗ trợ 83 đối tượng ma túy được vay vốn xóa đói giảm nghèo…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện.
Theo đó, nhiều người cai nghiện từ trung tâm về địa phương chưa được quản lý chặt chẽ dẫn tới tái nghiện hoặc bỏ địa bàn đi nơi khác không quản lý được; công tác dạy nghề cho người sau cai nghiện mới chỉ chú trọng ở các Trung tâm cai nghiện và chỉ dạy các nghề đơn giản như chế biến nguyên vật liệu, làm tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chưa gắn với nhu cầu của thị trường lao động.
Hậu quả dẫn tới tình trạng người sau cai không tìm được việc khi về công đồng; sự kỳ thị của cộng đồng còn quá lớn đối với người sau cai nghiện…
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đề xuất việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách theo hướng tăng chế độ kinh phí đầu tư thiết bị, thời gian và kinh phí dạy nghề để người sau cai có đủ trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu lao động của cơ sở sản xuất, doanh nghiệp.
Đồng thời, các bộ nghành Trung ương cần nghiên cứu sửa đổi chính sách về ưu đãi tín dụng, miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp có sử dụng lao động là người sau cai.
Lãnh đạo cấp tỉnh cần nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác phòng chống ma túy và hỗ trợ người sau cai nghiện trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hoàng Mạnh