Gần 10.000 phòng học, nhà công vụ đã được triển khai xây dựng
(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa cho biết, trong giai đoạn 2008-2010, đã triển khai xây dựng được 75.932 phòng học và 21.435 phòng công vụ cho giáo viên. Tuy nhiên con số này so với kế hoạch đặt ra vẫn còn thấp, nhiều địa phương có tiến độ xây dựng nhà công vụ giáo viên dưới 30%.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT gửi Chính phủ về tình hình thực hiện đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 thì kế hoạch xây dựng là 83.519 phòng nhưng mới triển khai xây dựng được là 75.932 phòng, chiếm tỷ lệ 53,44% so với kế hoạch cả giai đoạn. Số phòng học đã hoàn thành đưa vào sử dụng là 55.372 phòng, đạt 66,3%; Số phòng học đang xây dựng là 20.560 phòng, chiếm 24,6%.
Cả nước có 12 tỉnh có tiến độ xây dựng phòng học trên 70% kế hoạch có 6 tỉnh có tiến độ xây dựng phòng học dưới 35% kế hoạch. Sở dĩ 6 tỉnh này có tiến độ xây dựng phòng học thấp là do giá cả nguyên vật liệu tăng cao, các địa phương chưa chủ động bố trí ngân sách địa phương tham gia thực hiện Đề án. Bên cạnh đó địa phương phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ chưa đam bảo cơ cấu vốn đúng theo yêu cầu của Đề án.
Về xây nhà công vụ cho giáo viên Bộ GD-ĐT cho biết, kế hoạch sẽ xây dựng 24.186 phòng, trong đó số nhà công vụ giáo viên đã triển khai xây dựng là 21.435 phòng, chiếm tỷ lệ 38,3 % so với kế hoạch cả giai đoạn. (Số phòng công vụ đã hoàn thành đưa vào sử dụng là 17.222 phòng, đạt 71,2%; Số phòng công vụ đang xây dựng là 4.213 phòng, chiếm 17,4%). Phòng công vụ chưa triển khai là 2.751 phòng, chiếm 11,4%.
Cả nước chỉ có 5 tỉnh có tiến độ xây dựng nhà công vụ giáo viên trên 70% kế hoạch. Có đến 16 tỉnh có tiến độ xây dựng nhà công vụ giáo viên dưới 30%, đáng chú ý là Bình Thuận (6,8%), Ninh Thuận (8,2%), Hà Tĩnh (13,9%) và Cao Bằng (17,8%)
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, phần lớn phòng học và nhà công vụ giáo viên được xây dựng theo thiết kế mẫu, thiết kế điển hình do Bộ Xây dựng ban hành, đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu của Chương trình là kiên cố, bền vững và phù hợp với điều kiện của Việt Nam ở các vùng, miền khác nhau. Tuy nhiên, tại một số địa phương có những điểm trường áp dụng mẫu chưa đúng theo hướng dẫn của ban chỉ đạo Trung ương. Chẳng hạn, tại một số điểm trường sử dụng trần treo (thạch cao, nhựa xốp) đối với hành lang không đảm bảo chất lượng công trình (các tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Sóc Trăng..). Xây dựng một số điểm trường mầm non không có nhà vệ sinh (huyện Sin Hồ tỉnh Lai Châu; huyện Điện Biên tỉnh Điện Biên...).
Cũng theo báo cáo của Bộ GD-ĐT thì năm 2011, vốn trái phiếu Chính phủ đã giao cho các địa phương là 2.500 tỷ đồng. Nếu tính cả năm 2011, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã giao cho các địa phương là 15.346,6 tỷ đồng, đạt 89,6% kế hoạch cả giai đoạn. Nguồn vốn bố trí từ ngân sách địa phương và huy động xã hội hóa là 5.724,643 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch cả giai đoạn.
Trước thực tế biến động về giá nên tổng số vốn đã được phê duyệt không thể giải quyết hết số phòng học và nhà công vụ giáo viên đã được phê duyệt nên Bộ GD-ĐT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tổ chức kiểm tra, rà soát tại các địa phương về số phòng học đã thực hiện và số phòng học chưa đủ vốn. Bổ sung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện hoàn thành kế hoạch danh mục theo mục tiêu đã được phê duyệt. Đồng thời, xem xét, bổ sung vào giai đoạn tiếp theo số phòng học mượn, học nhờ chưa được giải quyết. Số phòng học này chủ yếu tập trung ở các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung có nhiều huyện miền núi, các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Nguyễn Hùng