Gần 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi khối A
(Dân trí) - Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có tổng số 1.964.598 hồ sơ đăng ký dự thi vào ĐH, CĐ năm 2011, trong đó 1.471.808 hồ sơ thi ĐH (chiếm 74,90%) và 492.790 hồ sơ thi CĐ (chiếm 25,10%).
Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) theo khối A chiếm đến 55,20%, với tổng số 1.084.583 hồ sơ. Đứng thứ hai là khối B với 381.503 hồ sơ, chiếm 19,40%. Khối D có tổng số 304.480 hồ sơ, chiếm 15,50%. Khối C có 125.264 hồ sơ, chiếm 6,40%. Các khối khác chiếm 3,50% với tổng số 68.768 hồ sơ.
Thí sinh nếu không trúng tuyển đợt 1, có kết quả thi đại học bằng hoặc lớn hơn điểm sàn cao đẳng đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0) sẽ được cấp hai Giấy chứng nhận kết quả thi đại học, có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi (số 1 và số 2). Thí sinh dùng Giấy số 1 để nộp hồ sơ ĐKXT đợt 2. Nếu vẫn không trúng tuyển đợt 2 thì dùng Giấy số 2 để nộp hồ sơ ĐKXT đợt 3. Thí sinh có kết quả thi đại học thấp hơn điểm sàn cao đẳng được cấp Phiếu báo điểm, nhưng không được dùng để tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi ĐH theo đề thi chung để xét tuyển.
Những thí sinh dự thi cao đẳng theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, nếu không trúng tuyển vào trường cao đẳng đã dự thi, nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn mức điểm tối thiểu (điểm sàn theo đề thi cao đẳng) theo quy định đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0) được trường cao đẳng tổ chức thi cấp hai Giấy chứng nhận kết quả thi cao đẳng (số 1 và số 2), có đóng dấu đỏ của trường cao đẳng tổ chức thi. Thí sinh dùng Giấy chứng nhận kết quả thi này để tham gia ĐKXT (đợt 2 hoặc đợt 3) vào các trường CĐ khác hoặc hệ cao đẳng của các trường đại học hoặc trường cao đẳng thuộc các đại học còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định của trường.
Sau khi nộp hồ sơ ĐKXT vào trường, nếu thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ để nộp vào trường khác, các trường tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh được rút hồ sơ ĐKXT.
Hồng Hạnh