“Em không sợ mù, chỉ sợ mình không có văn hóa”
(Dân trí) - Đôi mắt không còn sáng, hơn chục năm trời sống trong cảnh tăm tối nhưng chàng trai 24 tuổi Hà Minh Quân vẫn cố gắng vươn lên để không là gánh nặng của gia đình. Từ xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, Hòa Bình, Quân xuống Hà Nội học nghề tẩm quất tự nuôi mình...
Hà Minh Quân sinh năm 1987 tại mảnh đất trung du miền núi nghèo nàn, xung quanh chỉ toàn đồi núi, nhà làm nương rẫy. Bố Quân bị bệnh liệt nửa người, mọi công việc đồng áng trong gia đình là do một tay mẹ Quân làm.
Hồi đang học lớp 2 ở Trường tiểu học Tu Lý, Đà Bắc, một hôm trong giờ học bỗng dưng Quân thấy đôi mắt của mình mờ đi, nhìn lên bảng thấy chữ bị mờ, đọc sách thấy mắt mỏi. Vô cùng hoảng hốt, bố mẹ Quân cho con đi khám và chữa trị tại bệnh viện tỉnh. Sau hai tháng, bác sĩ kết luận bệnh này không chữa được.
Thời gian trôi qua, đôi mắt của Quân cứ mờ dần. Bố mẹ Quân chứng kiến đứa con trai út bị tai ương bất ngờ hành hạ nhưng lực bất tòng tâm. Họ đã bán bớt nương, chỗ đất tốt nhất để tìm ông lang bà lang chữa trị cho Quân nhưng rồi tất cả đều bó tay.
Mặc dù vậy Quân vẫn ham học, trên lớp luôn cố gắng căng tai ra nghe giảng để có thể thuộc bài luôn. Chỗ nào nhìn không rõ thì nhờ bạn đọc hộ, suốt 4 năm Quân đến lớp đều đặn và năm nào cũng đạt học lực khá.
Năm 1998, khi 11 tuổi và đang học lớp 5, Quân phải bỏ học vì đôi mắt không còn nhìn thấy gì nữa. Từ đó Quân ngày ngày ở nhà, vĩnh viễn bước vào một thế giới mới, một thế giới của màu đen. Quân phải học cách đi lại, làm quen lại một lần nữa với chính ngôi nhà thân yêu của mình.
Thời gian cứ trôi đi rồi một ngày đôi bàn tay Quân cứ cứng đờ ra không còn cử động được nữa. Bố mẹ Quân lại một phen hoảng hồn đi mời ông lang đến chữa. Ông lang kết luận đôi bàn tay của Quân có nguy cơ bại liệt hoàn toàn do bệnh thấp khớp, để khắc phục thì phải thường xuyên vận động.
Gần 10 năm trời sống với bóng đêm, Quân không còn nghĩ đến tương lai nữa. Rồi một ngày, có một người nước ngoài đến khám bệnh từ thiện trên Tu Lý. Quân nghe theo lời mẹ ra bệnh xá khám. Người đó đã gợi ý về việc đi học tẩm quất ở Hội người mù huyện Thanh Trì, Hà Nội và hứa sẽ giúp đỡ. Quân suy nghĩ và quyết định sẽ xuống Hà Nội học nghề xoa bóp tẩm quất. Từ đó cuộc sống của Quân đã sang một trang mới.
Đến trường bằng đôi tai
Tháng 8 năm 2007, Quân chính thức được gia nhập Hội người mù huyện Thanh Trì. Từ đó, Quân được hòa nhập với một môi trường sống mới với những người cùng cảnh ngộ có thể chia sẽ và giúp đỡ nhau. Niềm vui làm Quân yêu cuộc sống hơn.
Buổi học tẩm quất đầu tiên đã đến, đôi bàn tay khó cử động cứ đau ê ẩm. Mặc dù vậy, Quân luôn gắng chịu đau để hoàn thành bài học cho thật tốt.
Quân tâm sự: “Lúc đầu học mệt lắm anh ạ. Mình chưa quen nên mất sức, và gân cốt nó cứ dã rời ra, được vài buổi thì quen dần”.
Cần mẫn với việc học nghề, Quân nhanh chóng nắm được 18 thủ thuật tẩm quất và điều kỳ diệu đã đến, đôi bàn tay cậu không còn đau và cứng nữa. Sau hai tháng, Quân có thể tự làm mà không cần thầy hướng dẫn. Rồi Quân tự kiếm cho mình những đồng tiền đầu tiên để lo cho cuộc sống. Những đồng tiền lương ít ỏi được gửi về quê đều đặn cho người mẹ già.
Khao khát học chữ ùa đến, Quân đã nhờ các bác trong hội xin cho học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố ở Hàng Quạt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cứ đến chủ nhật, Quân lại nhờ bác bảo vệ của hội đưa ra bến xe buýt và tự đến trường. Hôm đầu tiên đến trường Quân đã đến muộn vì bị lạc. Đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ của Quân.
Từ đó, Quân học cách nhận biết chữ nổi, ghép chữ, đánh vần. Vì được học phổ thông từ trước nên Quân nhận biết rất nhanh, chỉ hai tháng sau Quân đã biết đọc chữ nổi. Sau đó Quân học viết chữ nổi. Nhờ chăm chỉ, trong hai năm liên tiếp Quân đều đạt học lực giỏi của Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố. Hiện Quân đang học lớp 7 tại Trung tâm.
Ngoài thời gian học ở Trung tâm, Quân còn tham gia học lớp tiếng Anh để hiểu biết thêm và học thêm vi tính để có thể phục vụ cho công việc sau này. Quân tâm sự: “Suốt 2 năm em đi học bằng đôi tai đấy anh ạ”.Thấy tôi ngạc nhiên Quân giải thích: “Đó là một may mắn của những người khiếm thị chúng em. Nhưng điều cơ bản mình cũng đã gặp được rất nhiều người tốt nữa”.
Mơ ước giản dị
Khi tôi hỏi về ước mơ, Quân tươi cười cho biết: “Mục tiêu trước mắt của em là lấy cái bằng cấp 2. Em không sợ mình bị mù, em chỉ sợ mình không có văn hóa thôi”…
Nguyễn Văn Quý, sinh năm 1983 cũng là người khiếm thị, cùng quê với Quân nói cho tôi biết: “Quân nó tốt lắm bạn ạ. Nếu không có nó chắc giờ này tớ vẫn đang cô đơn với bóng đêm ở quê rồi. Cũng từ khi được đi học đi làm cho tới nay mình mới thấy cuộc sống này còn nhiều điều đáng để sống hơn”…
Hỏi ra tôi mới biết Quân thường xuyên liên lạc với mẹ ở quê xem có ai rơi vào hoàn cảnh giống mình thì xin hộ vào hội, học lấy một cái nghề. Chính Nguyễn Văn Quý đã được Quân xin hộ vào hội từ năm 2008, đến nay cũng đã trở thành một “cao thủ” xoa bóp tẩm quất của hội.
Tôi chia tay Quân khi cậu phải vào tẩm quất cho khách. Nhìn đôi bàn tay cứng cáp của Quân lướt nhẹ trên sống lưng người khách, tôi càng thêm tin rằng hạnh phúc sẽ đến với những ai biết vượt qua mặc cảm và tự tin vào chính đôi tay của mình.
Bài và ảnh: Tự Lập