Edgar Morin và Triết học giáo dục

(Dân trí) - Tối 26/5, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội đã phối hợp với Nhà xuất bản Tri thức tổ chức buổi toạ đàm “ Edgar Morin và Triết học giáo dục”.

Nhà Triết học, Xã hội học và Nhân học E.Morin được xem là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của nước Pháp đương đại.

Ông đã được Tổng giám đốc UNESCO Koichiro Matsuura tôn vinh là “ Người cha đẻ của tư duy phức hợp, nhà cải cách lý trí con người và người công dân xuất sắc của Trái đất - Tổ quốc chung”.
 
Và trong những năm gần đây, tên tuổi của E.Morin, người đã trở nên gần gũi với bạn đọc Việt Nam.

Trước thềm thế kỷ 21, E.Morin cho xuất bản liên tiếp 3 cuốn sách về giáo dục, được gọi là sách “cải cách” và dịch ra tiếng Việt với tên: Bộ óc được rèn luyện tốt- Tư duy về cải cách, cải cách tư duy; Liên kết tri thức. Thách đố của thể kỷ 21; Bảy tri thức tất yếu cho nên giáo dục tương lai.

Quan điểm E.Mori và giáo dục Việt Nam

Nhà văn Nguyên Ngọc, 1 trong 3 diễn giả chính tại buổi toạ đàm nhận định, điểm độc đáo và đặc sắc trong bộ ba sách về giáo dục của E.Morin là ông đặt vấn đề giáo dục trước những thách thức lớn của tương lai, của thế giới toàn cầu hóa và trong thế giới ấy, sự hội nhập của các quốc gia và dân tộc là một tất yếu.

Qua đó nhà văn Nguyên Ngọc thẳng thắn nhìn nhận: “Giáo dục nước ta đang cố chạy đuổi theo những biến động ấy, như một cuộc rượt bắt vừa đuối sức vừa vô vọng. Điều đó nó thể hiện cụ thể ở yêu cầu ngày càng được nhắc đến và nhấn mạnh: giáo dục phải nhằm đào tạo ra những con người “dùng được ngay” cho đòi hỏi của thị trường việc làm. Giáo dục đã trở nên thực dụng hơn bao giờ hết , “ngắn hạn” hơn bao giờ hết”
 
Edgar Morin và Triết học giáo dục  - 1

"Giáo dục đã trở nên thực dụng hơn bao giờ hết "-
Nhà văn Nguyên Ngọc (người ngồi thứ nhất từ trái qua phải) nhận định

Qua sự đánh giá đó, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: “Chính chiến lược đuổi bắt ấy làm cho giáo dục ngày càng nặng trĩu, ai cũng thấy nặng nhưng không sao sửa được, càng sửa càng nặng thêm, đến mức tình trạng “nặng” đã trở thành một trong những vấn nạn chủ yếu của giáo dục hiện nay.

Song lại rất nghịch lý, một nền giáo dục như vậy lại không hề tạo ra những sản phẩm “dùng được ngay” có hiệu quả tích cực như mong muốn, may lắm cũng chỉ cung cấp được một lực lượng lao động làm thuê cằn cỗi, yếu đuối, hoàn toàn không đủ sức góp phần tạo chuyển biến đột phá thiết yếu cho đất nước trong hội nhập sôi nổi và căng thẳng ngày nay”

E.Morin đã trả lời câu hỏi của thế kỷ mới một cách khác, hoàn toàn ngược lại. Ông cho rằng, chính trong thế giới đang biến động vũ bão này, giáo dục phải rất bình tĩnh trở lại với những vấn đề cơ bản nhất của con người, không chạy theo đuổi bắt mà trở lại những vấn đề cơ bản với một tầm mức sâu và cao hơn, đề cho con người làm chủ được hiện thực ở một tầm khống chế vững chãi hơn.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm