Echelon Asia Summit 2017: 4 xu thế công nghệ giáo dục để sống sót trong “Rừng rậm kiến thức”

Hội nghị thượng đỉnh khởi nghiệp châu Á - Echelon Asia Summit là một sự kiện công nghệ hàng đầu châu Á được tổ chức hàng năm tại Singapore bởi tạp chí khởi nghiệp E27, quy tụ 6.000 đại diện các startup, doanh nghiệp công nghệ và nhà đầu tư từ hơn 20 nước tham dự.

Trong bài trình bày khai mạc phiên thảo luận về “Xu thế công nghệ giáo dục trong tương lai”, ông Phạm Minh Tuấn, CEO Topica cho biết, nhân loại đang đối mặt với lượng kiến thức khổng lồ có thể ví như “rừng rậm kiến thức". Làm thế nào để xử lý được khối lượng thông tin 2,5 tỉ Gigabytes đang được tạo ra mỗi ngày? Làm sao để lựa chọn được trong số hơn 60.000 khoá học trên trang các đào tạo trực tuyến như Udemy, Coursera, EdX, Lynda? Hàng tỷ người lao động sẽ cập nhật kỹ năng như thế nào, khi mà trong 25 năm tới sẽ có gần một nửa (47%) các việc làm hiện nay biến mất (*), thay vào đó là hàng ngàn công việc mới đòi hỏi những kỹ năng hoàn toàn mới?

TS. Phạm Minh Tuấn, CEO Topica, phát biểu khai mạc phiên thảo luận với chủ đề “Xu hướng công nghệ giáo dục tương lai: Trở lại rừng rậm”.
TS. Phạm Minh Tuấn, CEO Topica, phát biểu khai mạc phiên thảo luận với chủ đề “Xu hướng công nghệ giáo dục tương lai: Trở lại rừng rậm”.

Theo ông Tuấn, các tổ chức đào tạo hàng đầu thế giới đang đầu tư cho 4 xu thế công nghệ giáo dục chính để đối phó với những thay đổi chóng mặt này.

Thứ nhất, sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) để dẫn dắt người học, lựa chọn được khoá học và người dạy phù hợp nhất trong số hàng chục ngàn nội dung, và hướng dẫn lộ trình học nhanh hay chậm, nên theo những bước nào và phương pháp nào. Các tổ chức giáo dục trực tuyến như Coursera, EdX, Udacity, hay Gotit, startup đang thu hút nhiều sự quan tâm của founder người Việt - Hùng Trần cũng đang đầu tư mạnh để phát triển năng lực AI.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ thực tế ảo (AR, VR) để tạo ra môi trường học 360 độ sinh động nhất, thậm chí các thiết bị mới như qua găng tay 3D, giao tiếp qua sóng não để tăng cường khả năng tương tác và tiếp thu.

Thứ ba, hợp tác trực tiếp với các nhà tuyển dụng để đào tạo theo đặt hàng, và đảm bảo việc làm cho học viên dựa trên kiến thức chứ không phụ thuộc vào bằng cấp. Điển hình là Udacity đã công bố các khoá học về công nghệ thông tin, đảm bảo 100% học viên hoàn thành khoá học có việc làm tại các công ty như Facebook, Google, Oracle.

Thứ tư, đào tạo kiến thức cập nhật nhất ngay khi có nhu cầu, chứ không phải dựa vào dự báo 5-10 năm như trước đây, và xây dựng hàng ngàn nội dung, khoá học mới nhất để đáp ứng ngay những nhu cầu đó.

Tại sự kiện năm nay, TS. Phạm Minh Tuấn là diễn giả duy nhất được mời thuyết trình khai mạc phiên thảo luận về công nghệ giáo dục. Ngoài ra, các đại diện khác của Việt Nam là ông Eddie Thai - Partner quỹ đầu tư 500 Startups, ông Bobby Liu - Giám đốc cấp cao về Phát triển đối tác quốc tế của Topica cũng được mời thuyết trình và điều phối phiên thảo luận. DesignBold - ứng dụng thiết kế đồ hoạ trực tuyến do ông Hùng Đinh sáng lập cũng đã vinh dự nhận giải thưởng Startup được yêu thích nhất tại cuộc thi Top 100 Startup Châu Á của Echelon.

(*) Theo dự báo của Oxford

-----

Topica Edtech Group là đơn vị đào tạo trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á, với hơn 1.000 nhân viên và 2.000 giảng viên tại Indonesia, Mỹ, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam. Topica Native cung cấp chương trình luyện nói tiếng Anh trực tuyến. Topica Uni cung cấp hạ tầng công nghệ và dịch vụ các trường ĐH ở nhiều nước để triển khai đào tạo Cử nhân trực tuyến chất lượng cao. Nền tảng Edumall cung cấp hàng ngàn khoá học kỹ năng trực tuyến. Topica Founder Institute là thành viên hệ thống Founder Institute toàn cầu có trụ sở tại Silicon Valley, và là Accelerator duy nhất tại Việt Nam đã có các startup nhận đầu tư tổng cộng gần 20 triệu USD. Topica là đơn vị đầu tiên ở Châu Á triển khai ứng dụng 360LiveTourEnglish, luyện nói tiếng Anh qua du lịch trực tuyến với công nghệ 3D. Topica AI Lab là trung tâm nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo cho giáo dục đầu tiên tại Đông Nam Á.