“Đường đến trường xa lắm!”

(Dân trí) - “Mùa nắng, tụi em đi đường cầu dưới sông AVương, mất gần một tiếng đồng hồ mới đến trường; còn trời mưa thì phải vòng đường rừng, xa lắm! Nếu học buổi sáng thì phải dậy từ 4-5 giờ, rồi nắm cơm đi học; buổi chiều về đến nhà là trời đã tối mịt…”.

Để đến trường học tập, từ nhiều năm nay, các em học sinh người dân tộc Cơtu ở làng Aduông 2 (thị trấn P’rao, huyện vùng cao Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) phải vượt rừng với quãng đường dài hơn 5km. Đường khó, lại xa nên mỗi buổi sáng, các em phải thức dậy sớm và có khi phải dùng cả đèn pin để soi đường đến lớp.

 

Trước kia, khi chiếc cầu gỗ bắc qua sông AVương chưa được dựng lên, muốn đến lớp, các em học sinh ở làng Aduông 2 phải đi vòng đường rừng với đoạn dài gần 10km mỗi ngày. Tinh thần ham học và niềm tin vào con chữ đã thôi thúc các em đến trường, vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống đời thường mà các em phải đối mặt.

 

“Đường đến trường xa lắm!”
Học sinh thôn Aduông 2 trên đường tới lớp.

 

Em Alăng Thị Phước, HS lớp 8, Trường THCS Võ Thị Sáu (thị trấn P’rao), kể: “Mùa nắng, tụi em đi đường cầu dưới sông AVương, mất gần một tiếng đồng hồ mới đến trường; còn trời mưa thì phải vòng đường rừng, xa lắm! Đứa nào học buổi sáng, phải dậy từ 4-5 giờ sáng, rồi nắm cơm đi học; buổi chiều về đến nhà là trời đã tối mịt nên buổi học nào em cũng phải mang theo đèn pin đến lớp để soi đường lúc về”.

 

Vừa kể, em vừa dẫn chúng tôi đi theo con đường rừng vòng ra sau núi. Con đường vòng này thông sang thôn Aduông 1 (thị trấn P’rao), không phải băng qua sông AVương, nhưng cũng vì thế mà xa hơn gấp đôi so với con đường mới mở, dốc đất dựng đứng. Đi qua con đường này, các em luôn phải đối mặt với vô vàn khó khăn do đường khó đi, lại nhiều thú rừng. Mặc dầu vậy, theo lời em Phước thì “chỉ có rứa mới đến được lớp học thôi!”.

 

“Đường đến trường xa lắm!”
Em Alăng Thị Phước (bên trái), một tấm gương vượt khó học tập ở làng Aduông 2.

 

Già làng Ating Lăng, người bản Aduông 2 tâm sự: “Hồi trước, chỉ có duy nhất con đường vòng đó thôi. Sau ni đường mòn Hồ Chí Minh được mở, xe cộ qua lại nhiều, đàn ông trong thôn mới bàn nhau làm con đường tắt như bây chừ, để ra đổi chuối, đổi sắn cho tiện. Mùa mưa, cầu trôi không đi được, vẫn phải đi theo con đường cũ. Chỉ có mấy đứa nhỏ mùa mưa đi học là cực nhất thôi!”.

 

Theo lời kể của già Lăng, mùa nắng còn đỡ, hễ đến mùa đông là các em lại gặp vô vàn khó khăn. Những buổi sáng “dầm sương” để đến trường nhiều khi lại trở thành nỗi ám ảnh đối với các em học sinh nơi đây. Mặc dầu vậy, ngày qua tháng lại, các em vẫn miệt mài đến lớp với ước mơ sẽ làm thay đổi được buôn làng của mình trong tương lai. 

Nằm lọt thỏm giữa núi rừng, từ nhiều năm nay, làng Aduông 2 (thị trấn P’rao, huyện vùng cao Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) được mệnh danh là “làng 4 không” hay “làng cô lập” với 24 hộ dân với 166 nhân khẩu. Nơi đây, đa phần là đồng bào Cơtu sinh sống từ rất lâu đời. Do cô lập với bên ngoài nên cuộc sống của đồng bào còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Cả thôn Aduông 2 có ba lớp ghép từ lớp 1 đến lớp 5 với hai cô, một thầy giáo dưới thị trấn vào dạy. Lên cấp 2, cấp 3, muốn đi học, những đứa trẻ Aduông 2 phải đi bộ xuống thị trấn P’rao. Buổi sáng, để kịp đến trường, các em phải mang đèn pin đi học từ tờ mờ sáng. “Ở đây nhà nào cũng có đèn pin. Có nhà có 2-3 cái, cho con cái đi học, rồi dùng khi đi ra thị trấn, qua mấy thôn bên cạnh. Sáng dậy, tụi nhỏ tự gọi nhau, nắm cơm đi học thôi. Sinh ra đã đi bộ nên tụi hắn cũng quen rồi!” - ông Alăng Hứa, người dân trong thôn kể lại.

 

Ở thị trấn P’rao cũng có khu nội trú dành cho học sinh con em đồng bào, nhưng nhà neo người, những đứa trẻ ngoài giờ học còn phải trông em, đến mùa thì lên rẫy. Vậy là những ông bố, bà mẹ đành để con ở nhà để giúp việc mỗi khi kết thúc buổi học ở trường. “Đi riết cũng quen, tới giờ sáng là tự nhiên dậy, không cần kêu đâu. Ama, Amế (bố, mẹ - PV) cho đi học là mừng lắm rồi” - em Ating Thị Ngheng, HS lớp 7, Trường THCS Võ Thị Sáu, tâm sự.

 

Chiếc cầu gỗ tạm bắc ngang con sông AVương được Đoàn thanh niên thị trấn dựng lên là phương tiện duy nhất đưa các em học sinh ở làng Aduông 2 đến trường vào mỗi mùa mưa lũ. Những năm mưa to, nước lũ lớn, cây gỗ bị trôi nên các em đành phải cuốc bộ đường rừng đến trường. Những ngày như vậy, ngoài mấy quyển sách, vở được các em bọc kín vào bao ni-lông, cả người có khi đều ướt sũng, nhưng các em vẫn đều đặn đến lớp, đến trường học tập.

 

“Đường đến trường xa lắm!”
Để đến lớp, các em học sinh ở thôn Aduông 2 phải vượt đường rừng hơn 10km mỗi ngày. Trong ảnh: Một đoạn đường chênh vênh vào bản Aduông 2.

 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Ating Tinh - Bí thư Đoàn thị trấn P’rao tự hào: “Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng hầu hết các em HS ở làng Aduông 2 đều có tinh thần vượt khó học tập. Đây là dấu hiệu tốt, rất đáng tự hào về tinh thần hiếu học nơi vùng cao này. Chúng tôi cũng đã phối hợp tạo điều kiện ban đầu nhằm giúp các em không bỏ học nữa chừng, tiếp tục phấn đấu trong học tập”.

 

Theo ông Tinh, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương nên những năm gần đây, chuyện các em HS ở làng Aduông 2 phải dùng đèn pin để đến lớp học đã không còn xảy ra nhiều như trước đây. Do đa phần các em được ở lại học tập tại khu nội trú tại trường hoặc xin ở nhờ nhà bà con, dân bản. “Thỉnh thoảng, cứ đến chiều thứ bảy hàng tuần, các em lại vượt rừng trở về nhà và đến chiều chủ nhật lại có mặt tại trường để tiếp tục học tập” - ông Tinh cho biết thêm.

 

Bài và ảnh: Vương Hoàng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm