Đường đến thủ khoa của một nhà sư

(Dân trí)- Trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH vừa qua, một điều khá bất ngờ ở tỉnh Sóc Trăng khi một nhà sư quê ở Kiên Giang đạt danh hiệu thủ khoa khối Trung học Bổ túc. Để đạt được “ngôi vị” này, mấy ai biết sư Danh Chanh Đa Ra phải trải qua rất nhiều khó khăn.


Đường đến thủ khoa của một nhà sư  - 1

Sư Danh Chanh Đa Ra - Thủ khoa khối Trung học Bổ túc ở tỉnh Sóc Trăng

Sư Danh Chanh Đa Ra sinh năm 1986 tại xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang trong một gia đình nông dân nghèo có đến 4 người con. Sư Đa Ra là con cả và là con trai duy nhất nên ngay từ nhỏ sư đã ý thức được những nỗi vất vả của cha mẹ.

 

Gia đình khó khăn nên cần phải cố gắng học

 

Do sinh sống ở vùng sâu vùng xa nên điều kiện học hành gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Chính vì thế cả 3 em gái của sư Đa Ra không được học hành đàng hoàng. Hiện nay đã lập gia đình 2 người, còn 1 người gái út đang sống với cha mẹ. Duy nhất sư Đa Ra ở với ông bà nội, nhà gần trường học nên may mắn được đến trường học chữ.

 

Sư Đa Ra học ở trường xã Long Thạnh cho đến hết lớp 9 với kết quả luôn đạt khá giỏi. Tuy nhiên sau khi học hết lớp 9 thì do hoàn cảnh còn khó khăn nên cha mẹ sư chuyển nhà đến xã Lình Quỳnh, huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) tìm kế sinh nhai. Gia đình sư mướn hơn 5 công đất để làm ruộng nuôi sống nhau qua ngày. Sư Đa Ra đành phải nghỉ học 1 năm để phụ tiếp gia đình nuôi các em.

 

Theo sư Đa Ra nói, người nam Khmer đến tuổi trưởng thành thì vào chùa tu theo truyền thống để học Khmer ngữ và tiếng Pali. Vì thế sư Đa Ra cũng phải vào tu trong một ngôi chùa ở xã Lình Quỳnh, năm này sư 17 tuổi. Tại đây, sư học hết bậc Tiểu học 3 năm. Năm 2005, sư tham gia kỳ thi tuyển vào trường Bổ túc văn hóa Trung cấp Pali Nam Bộ tại Sóc Trăng và đạt hạng nhất.

 

Sư Đa Ra tâm sự: “Ban đầu gia đình khó khăn nên mình cố gắng học. Học theo khả năng vốn có, ý thức tự học là chính. Học phải đi đôi với hành, những môn tự nhiên thì áp dụng lý thuyết vào giải bài tập, những môn xã hội thì cần hiểu nội dung cơ bản từ đó triển khai ra chứ không học thuộc làu”.

 

Tại trường Trung cấp Pali Nam Bộ, sư Đa Ra sống ở khu ký túc xá cùng các sư khác đến từ các tỉnh ĐBSCL. Lớp sư Đa Ra có tất cả 33 sư. Trong 4 năm học sư Đa Ra đều giữ vững thành tích nhất lớp. Sư Đa Ra mỗi tháng cũng nhận được một suất học bổng do có thành tích học tập tốt. Mấy năm đầu là 180.000 đồng, những năm sau tăng lên hơn 500.000 đồng.

 

Sư Đa Ra cho biết, học ở trường không đóng học phí cũng như chỗ ở cũng được miễn phí nên số tiền mà sư có được từ học bổng sư dùng vào việc ăn uống, mua sách vở và dụng cụ học tập hoặc có khi đóng góp vào quỹ trợ cấp của chùa, chi phí góp lại cho trường. Ngoài ra gia đình của sư lâu lâu cũng gởi lên một ít tiền để phụ giúp sư trong việc trang trải sinh hoạt, học tập tại trường.

 

Sư nói: “Học trường ở tận Sóc Trăng nên nhiều khi cũng thấy nhớ nhà. Trường thì mỗi năm chỉ cho về nhà có 3 lần là tết Nguyên đán, tết cổ truyền Chonchnamthmay và Tết Đonta. Thời gian nghỉ cũng vài ngày nên mình thấy rất vui. Mỗi lẫn về nhà thì cha mẹ lại động viên phải cố gắng học hành, tự chăm lo cho bản thân, tự rèn luyện nhân cách nên lúc nào mình cũng nghĩ rằng gia đình luôn ở bên cạnh”. 

 

Ngoài việc học, sư Đa Ra cũng tham gia phong trào Đoàn của trường. Sư nói, phong trào Đoàn ở đây không giống các trường phổ thông ở bên ngoài. Ở đây các sư tham gia như cùng động viên các tăng sinh cố gắng học, trau dồi kiến thức, cùng nhau học tập hoặc đóng một số ít tiền trợ cấp do Đoàn trường phát động.
 
Đường đến thủ khoa của một nhà sư  - 2
Thầy Hiệu trưởng nhà trường và sư Đa Ra 
 

Không bao giờ nghĩ mình đậu thủ khoa

 

Trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vừa qua, sau khi biết mình đậu thủ khoa khối Bổ túc văn hóa với số điểm là 51. Trong đó, đạt điểm 10 ở môn Hoá; các môn Toán, Vật lý cùng có số điểm 8,5, môn Sinh là 8,0 điểm, cuối cùng là môn Văn với 7,5 điểm.

 

Sư Đa Ra cho biết là mình không bao giờ nghĩ đến. Sư nói: “Khi vào làm bài thi thì mình làm hết khả năng miễn đậu là được chứ không đặt mục tiêu là đậu thủ khoa”.

 

Trong 4 năm học ở trường Trung cấp Pali Nam Bộ thì các môn Toán, Lý, Hóa sư đều đạt điểm trung bình từ 9,0 trở lên. Còn các môn xã hội như Văn, Sử, Địa thì cũng không dưới 8,0. Chính vì thế sư Đa Ra luôn giành được danh hiệu học viên giỏi, học viên xuất sắc của trường.

 

Hiện giờ sau khi thi đậu tốt nghiệp, sư Đa Ra cho biết, mình không đi ôn thi mà về chùa ở Kiên Giang để tự luyện, đợi đến ngày thi thì mới khăn gói lên dự thi. Sư nói: “Gia đình luôn nói với sư là cố gắng học, trước là học cho bản thân, cho gia đình và rộng ra nữa là sau này đóng góp kiến thức cho xã hội”.

 

Thầy Thạch Rích - Trưởng Phòng Giáo vụ trường Trung cấp Pali Nam Bộ cho biết, sư Đa Ra là một học sinh giỏi, chăm chỉ, ngoan hiền. Sư luôn quan tâm đến các bạn, sau giờ học chính thì mượn Hội trường của trường để gom các bạn lại học nhóm nên luôn được các bạn yêu mến.

 

Còn thầy Lâm Quy - Phó Hiệu trường nhà trường nói: “Sư Đa Ra có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng sư là một học sinh học giỏi từ các lớp dưới, chính vì thế khi vào trường sư luôn ý thức được việc học tập. Sư đạt được thủ khoa là một niềm vinh dự của nhà trường. Sau này nếu sư vào được Đại học và tốt nghiệp Đại học thì trường luôn đón nhận sự “trở về” của sư để công tác ở trường.

 

Nói về mong muốn của mình, sư Đa Ra cho biết trong kỳ thi Đại học sắp tới, sư sẽ thi 2 khối, khối A thi ngành Sư phạm Toán và khối B thi ngành Sư phạm Hóa. Sư cho biết thêm, sư thi vào ngành Sư phạm vì thấy phù hợp với tính cách của mình và hoàn cảnh gia đình. Ước muốn của sư Đa Ra là sẽ được trở về phục vụ tại ngôi trường Sư đã được “vinh danh”, nơi mà thầy cô, bạn bè đã tin yêu và giúp đỡ sư Đa Ra rất nhiều.

 

Bài và ảnh: Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm