Đuổi học học sinh vi phạm: Biến “mèo” thành... “cáo”!

(Dân trí) - Tát liên tiếp vào mặt bạn cùng lớp vì mâu thuẫn tình cảm, mới đây một nữ sinh ở Sóc Trăng bị nhà trường kỷ luật bằng hình thức đuổi học một tuần lễ. Việc đuổi học tạm thời này liệu có tác dụng giáo dục hay chỉ kéo theo nhiều hệ lụy?

Đuổi học một tuần hoặc một năm vẫn là hình thức kỷ luật cao nhất mà các trường phổ thông áp dụng cho học sinh vi phạm kỷ luật. Đã từng có không ít học sinh phải tạm thời ngưng việc học khi nhận án phạt này.

Mới đây nhất, xuất phát từ mâu thuẫn khi cùng có tình cảm với một bạn trai, cô nữ sinh N.N.Q., học lớp 10 Trường THPT Đại Ngãi (huyện Long Phú, Sóc Trăng) tát túi bụi vào mặt bạn học ngay trong lớp học trước sự chứng kiến của rất nhiều bạn bè, một số học sinh quay lại cảnh tượng này. Sau khi tìm hiểu sự việc, nhà trường thống nhất đuổi học em N.N.Q. một tuần lễ.

Biện pháp kỷ luật đuổi học liệu có tác dụng giáo dục và răn đe học sinh? (Trong ảnh: Nữ sinh ở Sóc Trăng bị đuổi học một tuần vì đánh bạn)
Biện pháp kỷ luật đuổi học liệu có tác dụng giáo dục và răn đe học sinh? (Trong ảnh: Nữ sinh ở Sóc Trăng bị đuổi học một tuần vì đánh bạn)

Với tình trạng bạo lực học đường gia tăng trong nhiều năm gần đây, có thể nói hành vi đánh bạn là một vi phạm kỷ luật nhức nhối diễn ra ở nhiều trường học. Đuổi học vẫn là hình thức kỷ luật được nhiều trường sử dụng như một biện pháp “mạnh tay” đối với những em gây ra hành vi bạo lực học đường.

Kỷ luật là để giáo dục và răn đe học trò. Nhưng việc đuổi học học trò một tuần hay một năm chưa biết có giải quyết được hai yêu cầu trên không nhưng trên thực tế, lại kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Nghỉ học một thời gian, hậu quả dễ thấy nhất các em bị chậm bài vở, hổng kiến thức. Khi các em quay lại lớp, giáo viên phải mất thời gian, công sức và tránh nhiệm để củng cố lại kiến thức cho các em. Bậc học có bao nhiên môn thì có bấy nhiêu giáo viên phải vào cuộc vì một học sinh bị kỷ luật nghỉ học.

Còn học sinh nhận án kỷ luật đuổi học một năm, với thời gian dài lông bông, không ai quản lý, các em rất dễ trở thành những phần tử “đặc biệt”. Nếu các em còn trở lại trường học thì việc dạy dỗ lúc này còn nan giải hơn gấp nhiều lần khi học trò đã có “dấu ấn” đuổi học, học với lớp đàn em cùng thời gian không được tu dưỡng, không sinh hoạt trong môi trường tập thể.

Và không phải em nào bị đuổi học cũng quay lại trường học. Học sinh bỏ học vì một lỗi vi phạm bị loại ra khỏi trường học nghĩa là xã hội có thêm một “thành phần” không được học hành, rèn luyện, có thời gian rảnh rỗi đàn đúm, chơi bời. Nếu trường học “khước từ” nhiệm vụ giáo dục tri thức lẫn đạo đức cho con trẻ thì còn ai có thể gánh trọng trách này?

Khi một clip bạo lực học đường nào đó xuất hiện trên mạng, trong cơn phẫn nộ của dư luận, rất nhiều người lên tiếng cần phải đuổi học ngay lập tức những em đánh bạn để răn đe. Hình thức đuổi học các em làm thỏa lòng nhiều người khi tự trấn an đuổi một vài em vì tất cả sự an toàn của các em còn lại.

Tuy nhiên, kỳ vọng này thiếu thực tế. Sự an toàn của tất cả học sinh trong trường không được quyết định hoàn toàn bởi một vài học trò đánh bạn. Nếu có, thì kể cả khi bị đuổi học, các em sẽ còn “nguy hiểm” hơn cho học sinh trong trường.

Vì sự an toàn của bộ phận này mà “đào thải” bộ phận khác trong môi trường giáo dục là sự bất công. Vai trò và trác nhiệm của nhà trường là giáo dục, rèn luyện học trò mà ở đó đối tượng giáo dục sẽ có sự đa dạng, khác nhau về hoàn cảnh sống, về khả năng, về tính cách… Đuổi học các em vi phạm khi chưa thật sự nỗ lực áp dụng các biện pháp giáo dục khác là các nhanh nhất nhưng cũng phi giáo dục và thiếu trách nhiệm nhất khi tiếp tay biến các em học sinh từ “mèo” thành “cáo”.

Kỷ luật học trò cần nâng cao tính giáo dục thay cho trừng phạt (Ảnh minh họa: Hoài Nam)
Kỷ luật học trò cần nâng cao tính giáo dục thay cho trừng phạt (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Trong bài tham luận của mình gửi đến hội thảo về bạo lực học đường ở trường phổ thông diễn ra ở TPHCM, ông Đào Văn Trà (Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận, TPHCM) nhấn mạnh, hình thức kỷ luật đuổi học học sinh chỉ là ngọn lửa châm mồi cho trẻ sớm trở thành những thành phần bất hảo của xã hội. Các em không thuộc tổ chức nào, không có môi trường tập thể rèn luyện sẽ có những hành động sai trái và tiếp tục có hành vi lôi kéo, dụ dỗ học trong trường học. Hình thức đuổi học đang đẩy các em nhập sâu trong sai lầm, tội lỗi.

Một bác sĩ tâm lý chia sẻ, trước một bạn trẻ “có vấn đề”, việc can thiệp cần hết sức tế nhị. Để giáo dục, uốn nắn các em thì có áp dụng biện pháp, cách thức nào đi chăng nữa thì cũng nhất thiết phải đảm bảo duy trì các mối quan hệ của người đó. Khi bị tách ra khỏi môi trường tập thể lành mạnh, vị thành niên sẽ có xu hướng đi tìm các băng nhóm khác, có thể là những băng nhóm đường phố và lôi kéo những người khác vào nhóm.

Ông cũng nói rằng, vấn đề của học sinh ngày nay rất phức tạp gây nhiều khó khăn cho trường học. Tuy nhiên, trước khi ra quyết định đuổi học một học sinh người lớn tự hỏi mình đã làm gì hỗ trợ các em? Đuổi học là một hình thức rất vô duyên. Các em chưa ngoan, lại còn đẩy các em ra khỏi nhà trường. Hay chăng việc không đi học, không đến trường các em sẽ ngoan hơn?

Thế nhưng, hiện nay hình thức đuổi học khi học sinh vi phạm vẫn được nhà trường áp dụng, dựa trên quy chế, quy định có tính pháp lý theo thông tư 08 ngày 23/3/1988 của Bộ Giáo dục về kỷ luật học sinh.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)