Đừng khinh những người không có bằng đại học

“Đừng nên khinh khi những người không có bằng cấp vì họ cũng có những kĩ năng mà sách vở không hề dạy”, một nhà giáo người Canada đã nói như vậy trong bài cảm nghĩ dưới đây về một xã hội bằng cấp ở Trung Quốc.

Đừng khinh những người không có bằng đại học - 1
Một tấm bằng thực chất cũng chỉ là một mảnh giấy... (Ảnh: Corbis)
 

Cơ hội vào đại học ở Trung Quốc hiện nay rất ít, tất cả các trường đại học trong nước cũng chỉ đáp ứng được chưa đến 3 triệu chỉ tiêu tuyển sinh. Điều đó có nghĩa là, cứ 10 học sinh dự thi thì chỉ có 3 học sinh đỗ đại học và không phải bất cứ ai học đại học cũng sẽ lấy được tấm bằng sau 4 năm.

 

Một tấm bằng cử nhân thực chất cũng chỉ là một mảnh giấy, nhưng trong xã hội Trung Quốc thì sẽ ít cánh cửa mở ra cho những người không có một mảnh giấy như vậy. Nhiều bậc phụ huynh kì vọng con mình sẽ kiếm được một tấm bằng thậm chí khi chúng chưa chào đời.

 

Áp lực đè nặng lên vai những đứa trẻ ngay cả lúc chúng còn chưa đến trường. Học sinh phải xác định thi đại học ngay từ những năm đầu học phổ thông. Chúng không có lựa chọn nào khác, nhưng mọi thứ dường như bắt đầu thay đổi.

 

Phải chăng con người sẽ không có kiến thức hoặc không có khả năng làm việc nếu thiếu “mảnh giấy đó”? Xét cho cùng, một tấm bằng không thể phản ánh được tất cả những kĩ năng mà một người có thể có.

 

Những người không thể vượt qua kì thi tuyển sinh có phải là những người không có năng lực? Hoàn toàn không, vì đó không phải là vấn đề của giáo dục, mà là vấn đề của xã hội: Không có đủ chỗ cho tất cả mọi học sinh theo học đại học.

 

Là một giáo viên phổ thông đã được 30 năm ở Canada, tôi gặp nhiều trường hợp các bậc phụ huynh đến nhờ tôi khuyên bảo con cái họ - những học sinh không thích học đại học. Thay vì nói chuyện với các em, tôi cố gắng hết sức để làm cho các bậc phụ huynh hiểu rằng nếu thế giới chỉ toàn những thiên tài thì nó sẽ không thể tồn tại được. Tôi cũng giải thích với họ rằng có nhiều loại tài năng và kĩ năng mà con cái họ có thể phát triển như đăng kí học các lớp kinh doanh hay học nghề, hoặc thậm chí là tự học.

 

Xã hội luôn rất cần những người thợ hàn, thợ nề khéo léo, lính cứu hỏa và các y tá, những doanh nhân và các thương gia. Ở châu Âu và Bắc Mỹ, hay một số nơi khác trên thế giới, những kĩ năng này không được đào tạo trong các trường đại học. Một người có thể học chúng tại một cơ sở đào tạo kĩ thuật hay những lớp học ban đêm.

 

Người Trung Quốc ngày nay hiểu rằng, một con người không chỉ là một bộ não và một bộ não không chỉ là một cái túi chứa đầy tri thức từ sách vở, mà còn rất nhiều điều khác giới trẻ có thể học như công nghệ giày da và may mặc, ngành thủy lực hay đông lạnh, sửa chữa xe hơi, máy tính, trị liệu và xoa bóp, đầu bếp, làm trang trại và bác sĩ thú y, làm ca sĩ hay diễn viên…

 

Tôi có biết một nhân viên tiếp tân tự trang bị kiến thức cho mình. Cô tự học và nói tiếng Anh giỏi hơn bất cứ một sinh viên đại học chuyên ngành tiếng Anh nào khác nhưng cô lại không có cơ hội luyện nói. Với vốn kiến thức rộng lớn về thế giới tự trau dồi được, cô đã tham gia cuộc thi nói tiếng Anh và đạt giải cao nhất, vượt qua những ứng viên có bằng cấp.

 

Điều cần thay đổi ở đây chính là cách nghĩ của mọi người. Không thể nói rằng một người nào đó bất tài vì cô ta hay anh ta không có bằng đại học. Mọi người có thể dùng trí thông minh của mình để lao động tay chân.

 

Giá trị của xã hội nằm ở đâu khi bạn không thể tìm được một người thợ sửa xe giỏi có thể sửa chiếc xe máy cho bạn một cách dễ dàng, một người lái xe buýt thông minh hiểu rằng bạn đang muốn nói với anh ta điều gì, một người bán báo dạo luôn biết nội dung của những tờ báo và tạp chí mà anh ta bán…

 

Những giá trị đó có được từ sự đào tạo tốt - đôi khi là trong công việc - và hầu hết là vì mọi người vận dụng trí óc của mình một cách thiết thực.

 

Đừng nên khinh khi những người không có bằng cấp vì họ cũng có những kĩ năng mà sách vở không hề dạy. Kinh nghiệm của mỗi người có giá trị không kém một kho sách dày được học thuộc lòng.

 

Theo Vietnamnet/China Daily

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm