Đừng để cao học bị nhìn ở tầm thấp

Một lần, sau khi kết thúc học phần do thầy đảm nhiệm ở lớp sau đại học, ngay trong buổi tổng kết, một cô học viên đại diện lớp “hồn nhiên” đem phong bì lên biếu thầy gọi là quà chia tay. Thầy lắc đầu không nhận…

Đến cuối buổi ra về, cô học viên này nửa đùa nửa thật nói với thầy: “Sớm muộn gì thầy cũng bị sa thải thôi, chồng em trước đây cũng như thầy vậy”.

 

Đó là câu chuyện mà một thầy giáo dạy Triết rất tâm huyết với nghề trong một lần lên lớp đã kể cho chúng tôi nghe.

 

Kể câu chuyện đó ra, tôi tin không phải ông thầy giáo muốn tô vẽ thêm hình ảnh liêm khiết của mình làm gì vì tất cả những nhiệt tình, đam mê công việc và khoa học đã bộc lộ qua những giờ giảng vắt kiệt trí tuệ của ông. Tôi chỉ nhận thấy khi mọi người trong lớp cười ồ thì ánh mắt ông thoáng buồn xa xăm, ông không cười bởi ông không thể cười được trước những kệch cỡm, mua bán ngày nay đã chẳng từ lãnh địa nào cả. Còn với tôi, tôi không ngạc nhiên trước câu chuyện thầy kể bởi lẽ không phải một lần tôi được nghe những câu chuyện như thế.

 

Trò làm hư thầy hay…?

 

Ngày nay đã có rất nhiều người theo học cao học, và cũng có nhiều dạng đi học cao học. Có sinh viên ra trường vì chưa tìm được việc nên đành tiếp tục theo học để chờ cơ hội bám trụ thành phố, có những người đã đi làm, công ăn việc làm ổn định lại muốn lấy thêm tấm bằng để củng cố địa vị và cũng để tạo nền tảng thăng quan tiến chức, tiếc thay cái bộ phận người học cao học vì mục đích khoa học không nhiều nếu không muốn nói là quá ít. Và phải chăng vì động cơ học không phải vì bản thân khoa học nên cách hành xử nhiều khi cũng nhuốm màu sắc kinh tế thị trường cũng nên?

 

An là học viên cao học của lớp VNH. Cô kể lớp cô toàn cán bộ của viện đi học, điều ấy cũng đồng nghĩa với việc phần lớn học viên đều đã ổn định công tác, có gia đình và cũng “kha khá tuổi” rồi. Buổi học tối quy định là hai tiếng rưỡi nhưng thường cắt đầu cắt đuôi đi bao giờ cũng chỉ được non hai tiếng kể cả ra chơi. Đến đợt thi giữa kỳ, cả lớp hô hào nhau đóng 150.000 đồng thi môn Triết, An cứ ngớ người vì chẳng hiểu đó là tiền gì nên cô chưa vội đóng để hỏi lại. Chưa kịp hỏi thì ngày thi đã tới, giám thị coi thi có tới ba nhưng coi như chỉ có một, vì hai người còn lại dường như chỉ coi “làm vì”. An để ý thấy có một số học viên quay bài nhưng hai giám thị kia tỏ vẻ làm lơ, chỉ thỉnh thoảng cô giám thị thứ ba bắt được vài người.

 

Sau buổi thi gặp Lợi, lớp trưởng lớp VNH, Lợi cười bảo, có ba giám thị mới “đi” được hai, còn cô kia “khó tiếp cận” quá nên hôm nay vẫn bắt đấy. Rồi nhân thể Lợi nhắc An đóng tiền thi giữa kì môn Triết luôn, An than trời mà chưa biết phải làm sao, mình có học hành kiểu đó đâu mà phải dùng tiền lo lót, nhưng cả lớp đóng tiền chẳng nhẽ mình không? Vả lại đó mới chỉ là thi giữa kỳ, còn thi cuối kỳ nữa, sẽ lại phải đóng bao nhiêu đây?

 

Với Hà thì khác, cô là học viên lớp cao học LSĐ, ngay từ đầu ban cán sự lớp cô tỏ ra “rất có kinh nghiệm” trong chuyện giao tế với thầy cô giáo. Họ bảo nhau đóng tiền quỹ lớp mỗi người vài chục nghìn và cứ hết học phần của thầy cô nào lại có quà chia tay với thầy, cô giáo ấy. Không hỏi cụ thể nhưng tôi nghĩ ông thầy giáo dạy Triết mà tôi nói ở trên nhiều khả năng là “nạn nhân khốn khổ” của cái “tình thầy trò thắm thiết” đó.

 

Với những kiểu tiền “phi chính thống” như thế không phải ban quản lý trường không lưu tâm và chấn chỉnh. Ở trường ĐHKHXH&NV chẳng hạn, đã có hẳn cán bộ của Phòng đào tạo sau đại học xuống tận các lớp công bố, ngoài khoản học phí ra thì học viên cao học không phải nộp bất cứ một khoản tiền nào. Nếu lớp muốn thu quỹ thì phải thống nhất, trường hợp quỹ lớp quá nhiều học viên có thể phản ánh lên Phòng đào tạo sau đại học. Đó là về lý thuyết mà nói, bởi tất nhiên những luật lệ bất thành văn vẫn thường tồn tại nhiều khi bất chấp cả số đông.

 

Ý thức học tập, nghiên cứu còn kém

 

Một điều không thể chối cãi hiện nay là trình độ cao học và nghiên cứu ở nước ta đang bị chỉ trích rất nhiều. Là một học viên cao học, tôi không khỏi chạnh lòng về điều đó, song thú thật tôi không thể không đồng ý với quan điểm thẳng thắn nhưng xác đáng đó. Liệu rằng có bao nhiêu người làm công tác nghiên cứu khoa học kia thực sự nhiệt tâm cùng khoa học? Liệu rằng với những người học viên nghiên cứu cao học về Văn học, Lịch sử, Triết học… kia, mục đích tối thượng của họ có hẳn đã chiếm lĩnh những tri thức văn hoá, lịch sử, triết học hay là những gì ngoài nó? Còn gì buồn hơn khi hàng tuần, cán bộ đào tạo liên tục phải điểm danh đột xuất các lớp học vì tình trạng bỏ giờ, bỏ học ngày một lan tràn trong các lớp sau đại học…

 

Tôi muốn đi sâu hơn nữa vào việc học trong giờ của các học viên sau đại học. Tôi không vơ đũa cả nắm mà chỉ muốn vạch rõ những thái độ còn chưa đúng đắn trong lớp học của học viên cao học. Khó tìm được một giờ học không có chuông điện thoại di động. Đó là điều bình thường? Không, nó rất không bình thường và rất đáng chê trách. Văn hoá dùng điện thoại từ lâu đã được nhắc nhở rất nhiều trên báo, đài và bản thân rất nhiều học viên cao học chính là những nhà báo nhưng hình như chưa hiểu được cách dùng điện thoại sao cho hợp lý.

 

Ở trên, thầy giảng cứ giảng, ở dưới trò nghe, nói chuyện và viết tin nhắn vô tư. Một giờ học chỉ khoảng hơn hai tiếng nhưng đủ kiểu chuông điện thoại “tranh minh” theo kiểu “bách gia tranh minh”. Thử hỏi với những âm thanh phân tán như thế, các “nhà nghiên cứu” có đủ sức tập trung mà ghi bài nữa không chứ chưa nói đến chuyện “tư duy”…

 

Theo Đỗ Dương

Giáo Dục Thời Đại