Đừng dạy trẻ theo cách áp đặt
Hiện nay, nhiều giáo viên và phụ huynh muốn trẻ có câu trả lời theo ý của người lớn, điều đó làm thui chột khả năng sáng tạo và bản tính tự học của trẻ.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng trẻ em không thích học không phải vì không học được mà vì người lớn rất nhanh chóng đưa ra khẳng định “con sai rồi” cho mọi câu trả lời và hành động của trẻ. Tại sao chúng ta không đặt lại cho trẻ câu hỏi “Vì sao con lại nghĩ như vậy, có phải chỉ có một câu trả lời duy nhất hay không?”.
TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, nêu thực trạng có nhiều giáo viên và phụ huynh thích học sinh trả lời theo ý mình, theo những gì người lớn thấy. Ví dụ, tại sao khi miêu tả về bầu trời, chúng ta chỉ có một câu duy nhất là bầu trời màu xanh, trong khi có thể trẻ nhìn thấy bầu trời có nhiều màu khác nhau, như màu xám lúc trời sắp mưa… Trẻ có thể trả lời mèo ăn nhiều thức ăn khác chứ không phải lúc nào cũng ăn cá. Nếu có chung một câu trả lời, chúng ta đã cùng chung một trường học. Khả năng học tập trong thế kỷ XXI sẽ nhiều hơn những câu trả lời đúng, sai.
Bà Pattrick Koh - chuyên gia về phát triển trẻ em và giáo dục sớm, Phó Chủ tịch khu vực châu Á của FasTracKids quốc tế - lấy ví dụ khi thấy con làm kem chảy, thay vì la mắng, phụ huynh có thể dựa vào đó nói về quá trình những phần tử của kem đang chuyển động. Thay vì chúng ta làm phép toán 4+6= 10 thì dạy cho trẻ có bao nhiêu cách để tạo thành con số 10. “Người lớn có quan điểm của họ, trẻ có quan điểm của chúng, đừng bắt trẻ phải suy nghĩ giống chúng ta” - bà Pattrick Koh nói.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng niềm vui sướng được sáng tạo theo ý mình đối với trẻ rất quan trọng vì nếu được sáng tạo, có những ý tưởng mới thì trẻ sẽ muốn đi học. Tuy nhiên, sáng tạo là một việc không thể dạy được mà đó là một quá trình cần hình thành từ nhỏ. Vì thế, cần lắng nghe trẻ nói chứ không thể dạy thụ động, áp đặt.