Đưa con vào lớp một

Nhìn đứa con bé bỏng lần đầu đến trường, xúng xính trong bộ đồng phục, nối nhau xếp hàng vào lớp, ngọng nghịu đánh vần những chữ cái đầu tiên, người cha người mẹ nào không thấy lâng lâng sung sướng! Song xen lẫn niềm vui vẫn còn đâu đó những nỗi lo riêng.

“Tôi sợ con mình không có giờ chơi!”

 

Đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Hồng Vinh, nhân viên Tổng công ty Bưu chính viễn thông. Năm nay, con trai chị bắt đầu vào lớp một. Mới năm đầu tiên cắp sách đến trường nhưng nhìn vào chương trình học của cháu, chị không khỏi lo lắng vì những nét mới mà anh chị không theo kịp.

 

Những thuật ngữ mới, những dạng toán phong phú và đa dạng trong chương trình rất mới. Chị lo mình chỉ có thể giải, chứ khó giảng được cho con hiểu. Chính vì thế, ngay từ trong hè, vợ chồng chị đã đôn đáo đi tìm cô giáo giỏi để gửi con theo học. Thằng bé bị giảm dần thời gian chơi từ đó. “Điều chúng tôi lo nhất là chương trình học của các cháu bây giờ quá nặng. Tôi sợ con mình không có giờ chơi”.

 

Anh Nguyễn Văn Tiến ở 30 phố Đồng Nhân cũng có chung nỗi lo về sự cân bằng giữa thời gian học và chơi cho các cháu học sinh tiểu học, đặc biệt là các cháu mới chập chững vào lớp một. Anh cũng có một cháu trai năm nay xin vào học lớp một ở trường tiểu học Trưng Trắc.

 

Anh băn khoăn nói: “Các cháu phải học bán trú cả ngày ở trường. Tối về lại phải ngồi làm bài tập cô giáo cho về nhà. Tôi đang không biết mình nên cho cháu chơi vào giờ nào là hợp lý. Một đứa trẻ mà không được chơi đùa thường xuyên thì tôi sợ cháu sẽ bị ức chế và phát triển không tốt”.

 

Khởi điểm của một con đường không ngắn

 

Vợ chồng chị Quách Thị Lan ở 312b 2B khu tập thể Trại Găng đều là người lao động vất vả với đồng lương ít ỏi. Năm nay, anh chị có một cháu trai đến tuổi đi học, xin vào trường tiểu học Minh Khai. Thằng bé rất thông minh, ham học từ bé. Nhưng anh chị ại lo mình không đủ tiền chi phí cho con ăn học trong thời buổi trẻ em học tối ngày như hiện nay. “Trường chuyên, lớp chọn thì vợ chồng tôi đâu dám mơ tới. Tôi chỉ lo không có tiền cho cháu đi học thêm thì lại thua kém các bạn trong lớp. Nhìn con vào lớp một ai chả mừng rơi nước mắt…”.

 

Lớp một là điểm khởi đầu cho một con đường học tập không ngắn. Hơn nữa, học lớp một không có nghĩa là không tốn kém. Chị Nguyễn Thu Hường, có con năm nay vào học trường tiểu học Phương Mai, tâm sự: “Tôi đã chuẩn bị cho cháu đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập cách đây cả năm. Nào là SGK, nào là bút chì, thước kẻ, tẩy, bảng, cặp sách…Tôi không muốn con mình ngay từ những ngày học đầu tiên đã bị cô giáo nhắc nhở, khiển trách. Điều đó sẽ tạo ra một áp lực không tốt cho các cháu. Đấy là còn chưa kể, khi cháu đi mượn đồ dùng của các bạn trong lớp thì sẽ làm các bạn và chính bản thân mình mất tập trung trong giờ học”.

 

Chọn trường, chọn lớp, chọn cô

 

Việc chọn trường, chọn lớp cho con là một chuyện muôn thuở của các bậc phụ huynh. Riêng việc chọn lựa này, mỗi gia đình cũng có những tiêu chí riêng. Chị Vinh giải thích về lý do chọn trường tiểu học Tràng An: “Điều vợ chồng tôi quan tâm không phải là cái mác tên trường, không phải là danh tiếng của trường mà là sự phù hợp của ngôi trường đó với con mình. Tôi muốn con mình được học trong một điều kiện vừa sức, không quá nặng với lứa tuổi và khả năng tiếp thu của cháu. Trường Tràng An là một trường chăm sóc các cháu học sinh rất tốt từ bữa ăn cho đến việc ngủ, nghỉ. Cho cháu theo học ở đó vợ chồng tôi hoàn toàn yên tâm”.

 

Cùng chung với quan điểm của chị Vinh ở trên, vợ chồng chị Nguyễn Thu Hường ở số 31 lô 13 khu di dân đền Lừ cũng không có ý định “chạy đua” cho con vào trường điểm. Theo chị Hường thì những nơi được coi là cao hơn mặt bằng chung ấy sẽ luôn là chốn đông đúc và quá tải. Như thế thì cũng không tốt cho sự học tập và phát triển của các cháu.

 

Dẫu vậy, cũng vẫn còn rất nhiều các bậc phụ huynh có điều kiện về kinh tế có nhu cầu cho con vào trường chuyên lớp chọn bằng bất cứ giá nào. Thực ra đây là một nhu cầu chính đáng của các bậc làm cha, làm mẹ vì họ thực sự mong muốn cho con em mình có một môi trường phát triển tốt. Nhưng cũng có nhiều bậc phụ huynh chọn trường chuyên cho con để lấy danh tiếng cho mình, cho gia đình hoặc đơn giản là chạy theo “mốt” của các nhà “quý tộc”.

 

Dẫu chỉ là bậc học đầu tiên nhưng nhiều gia đình đã bỏ ra những số tiền không nhỏ để đầu tư cho các “cậu ấm, cô chiêu”. Khi người viết đề nghị phỏng vấn, họ đều khéo léo từ chối vì “trong sự việc còn có nhiều điều tế nhị, chỉ nên nói đâu bỏ đấy mà thôi”.

 

Trước tiên hãy là những người cha người mẹ

 

Đến trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội để thăm thú những lớp học trước khai giảng ở đây, tình cờ tôi lại được trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Khanh, một trong những giáo viên dạy lớp một có uy tín của nhà trường.

 

Cô tâm sự: “Trẻ vào lớp một là những trẻ ở độ tuổi còn rất non nớt. Chúng cần học trong tình thương yêu, ấm áp hơn là những quy phạm giáo dục. Là người đón tiếp các em nơi ngưỡng cửa đầu đời, những người làm thầy, làm cô trước tiên cần phải đặt mình vào vị trí của những người làm cha làm mẹ.

 

Đấy là tôi nói đến vấn đề tình cảm. Còn về chương trình học của các cháu thì mỗi thầy, cô phải có những phương pháp truyền đạt riêng. Tuy rằng thoạt nghe thì tưởng vấn đề này quá to tát so với trẻ nhưng thực ra lại rất quan trọng.

 

Ví như tôi, khi tôi dạy các em học chữ cái thì tôi luôn tạo ra cho các em sự liên tưởng đến những sự vật quen thuộc với các em trong cuộc sống hàng ngày. Sự vật càng ngộ nghĩnh, gây cười thì các em càng mau nhớ, nhớ lâu và giảm bớt căng thẳng. Khi cho các em làm bài tập, tôi không dập khuôn theo những bài tập có sẵn trong SGK mà tự làm những phiếu bài tập sao cho phù hợp với sức học của từng cháu.

 

Trong các buổi sinh hoạt lớp, tôi khuyến khích các cháu bằng những lời khen ngợi, bằng những cử chỉ âu yếm hoặc mấy chiếc kẹo. Hầu hết các cháu học sinh tôi dạy lớp một sau này lên các lớp trên đều học rất tốt”.

 

Theo cô giáo Khanh thì thực ra chương trình của học sinh lớp một bây giờ cũng không quá nặng với các cháu. Vì ngoài giờ học buổi sáng ra, trong giờ học buổi chiều, các cô cũng hay cho các cháu làm bài tập tại lớp. Như thế là buổi tối các cháu về nhà chỉ phải học một chút nhẹ nhàng cho khỏi quên bài và chuẩn bị bài cho buổi học ngày mai mà thôi.

 

Khi cô giáo hay cha mẹ khơi gợi được nguồn hứng thú học tập trong trẻ thì có những trẻ đòi ngồi học thêm hoặc ôm lấy bàn học cả ngày không rời chứ không hề có hiện tượng chán học, sợ học, không muốn đến trường.

 

Khi suy nghĩ về điều này, bản thân người viết cũng nhận thấy sự đúng đắn và khoa học trong phương pháp dạy lớp một của cô giáo Khanh. Tình cảm và phương pháp dạy của các thầy cô trong năm học đầu tiên này đối với các em quả vô cùng quan trọng. Bây giờ thì tôi đã hiểu ra thắc mắc của chị Vinh khi nói chuyện với tôi: “Chẳng hiểu sao, tôi đã cho cháu học thử mấy lớp nhưng trước sau gì cháu cũng chỉ chọn học cô giáo Khanh dù rằng cô vô cùng nghiêm khắc”.

 

Theo Nguyễn Thắng

 Giáo dục & Thời đại

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm