Dự thảo tiêu chuẩn giáo sư "chơi khó" các nhà khoa học?

Gần hai tháng trôi qua sau khi công bố dự thảo văn bản thay thế Nghị định của Chính phủ về công tác giáo sư, phó giáo sư (GS-PGS), ý kiến gây tranh cãi nhất có lẽ là quy định mới về vấn đề ngoại ngữ.

Tiếng Anh là đủ?

 

Theo bản dự thảo tiêu chuẩn thủ tục, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS - PGS, các ứng viên được đề cử xét phong chức danh GS-PGS từ nay trở đi bắt buộc phải thành thạo tiếng Anh và các ngoại ngữ khác không được cứu xét nữa.

 

Những người đó phải “Có đủ trình độ đọc, viết, nghe, nói tiếng Anh sử dụng trong công tác chuyên môn” (Chương II- Tiêu chuẩn Chức danh GS-PGS).

 

Để tránh hiểu nhầm, ban soạn thảo còn gửi kèm bản thuyết minh dự thảo trong đó nói đại ý các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh trên thực tế rất ít được sử dụng, tại nước ta thi vào nghiên cứu sinh đều quy định một ngoại ngữ tiếng Anh, tiêu chuẩn các chức danh viên chức như giảng viên chính, giảng viên cao cấp và các chức danh khác cũng yêu cầu ngoại ngữ tiếng Anh...

 

Giải thích thêm cho bản thuyết minh, GS.TSKH Đỗ Trần Cát, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN), phó ban soạn thảo dự thảo văn bản cho rằng yêu cầu trên “không chơi khó các nhà khoa học và hoàn toàn hợp với quy luật và xu thế của thời đại”.

 

Trong số các ý kiến chia sẻ với ban soạn thảo, có thể kể đến GS. Nguyễn Xuân Vang, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. “Đã làm khoa học thì phải cần tài liệu. Tài liệu chủ yếu bằng tiếng Anh. Nếu không biết tiếng Anh, nhà khoa học khó làm tốt khoa học được” - GS Vang nói và quan điểm này cũng được hầu hết giảng viên dạy ngoại ngữ ở các trường đại học lớn ủng hộ.

 

Cần thiết hay chơi khó?

 

Tại hội thảo quốc tế lần thứ ba về Giám sát Sinh thái sông Mekong (MeREM) diễn ra ở tỉnh An Giang từ 28/11-2/12/2005, vấn đề ngoại ngữ được người viết bài này nêu ra và, thật ngạc nhiên, hầu hết ý kiến của các nhà khoa học nước ngoài đều phản đối trong khi một số nhà khoa học trong nước lại ủng hộ.

 

TS. Wichien Youngmanichai, Phó Chủ tịch MeREM, dự án có sự tham gia của sáu nước tiểu vùng Mekong và Nhật Bản, hoàn toàn không đồng ý với quan điểm trên.

 

“Tôi e rằng quy định đó gần như đồng nghĩa với việc các bạn sẽ chỉ chú trọng khai thác và hợp tác với các nước nói tiếng Anh. Thực tế, kho tàng tri thức của nhân loại còn nằm ở các khu vực không nói tiếng Anh. Ngay cả kho tư liệu khổng lồ trên internet hiện nay, tiếng Anh không còn thống trị như hồi đầu nữa”.

 

PGS.TSKH Lê Văn Cảm, Chủ nhiệm Khoa Luật, Trưởng Bộ môn Tư pháp Hình sự, ủy viên Hội đồng Khoa học&Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng phản ứng: “Tôi chưa bao giờ nghe thấy một quy định nào liên quan đến GS và PGS vô lý như vậy”.

 

Trong nhiều năm làm công tác quản lý và giảng dạy, ông chưa thấy văn bản nào quy định “ở Việt Nam thi vào cao học, thi vào nghiên cứu sinh đều quy định một ngoại ngữ tiếng Anh” như  phần thuyết minh của bản dự thảo ghi.

 

Bản thân GS Nguyễn Xuân Vang, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, cũng lắc đầu khi được hỏi về đoạn quy định kia trong phần thuyết minh dự thảo.

 

“Văn bản này ghi chung chung không biết là hiện tại hay tương lai. Nếu là hiện tại thì chưa bao giờ tôi được đọc văn bản nào quy định ngoại ngữ nhất thiết phải là tiếng Anh khi thi vào cao học”.

 

“Chẳng biết ban dự thảo lấy quy định từ nguồn nào. Tới thời điểm này, sinh viên thi cao học vẫn được tùy chọn ngoại ngữ” - PGS. TS Hoàng Văn Vân,  Phó khoa Sau Đại học, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội quả quyết.

 

“Yêu cầu bắt buộc GS hay PGS phải biết tiếng Anh chẳng khác nào chơi khó các nhà khoa học”, PGS. Lê Văn Cảm ngán ngẩm nói.

 

Theo Quốc Dũng

Tiền Phong