Du học tự túc: Rất nhiều cơ hội để lựa chọn

(Dân trí) - Theo ông Bùi Khắc Cư, Tổng thư ký Liên hiệp tư vấn du học Việt Nam (VIECA), chưa bao giờ học sinh Việt Nam có nhiều cơ hội lựa chọn như hiện nay.

Từ thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand, Anh đến các thị trường mới như Singapore, Malaysia, Đức, Hà Lan, Ý, Pháp, Irelan, Trung Quốc, Nga...

 

Mỹ - điểm đến mơ ước của du học sinh

 

Số liệu thống kê không chính thức từ các văn phòng visa của các đại sứ quán thì tính người Việt Nam đang du học ở nước ngoài, đông nhất là Mỹ trên 8.000 người. Ông Cư cho biết, qua tổng hợp phiếu thăm dò ý kiến của 1.041 người trong cả nước cho thấy ý định du học ở Mỹ rất cao, nhất là ở miền Nam chiếm 43%, miền Bắc 17,2%.

 

Đứng thứ hai là du học Anh, Hà Nội chiếm 22,4% và TPHCM là 12,8%. Với du học Australia con số này tương ứng với 9,4% và 12,8%. Theo Cơ quan giáo dục Quốc tế Australia (AEI Việt Nam), hiện có 4.100 du học sinh Việt Nam tại Australia, tăng 24% so với năm 2001. Trong các du học sinh trên, số học đại học và sau đại học là cao nhất, trong khi số du học sinh ở hệ trung học chuyên nghiệp và cao đẳng nghề.

 

Lượng sinh viên Việt Nam du học tại Pháp tăng mạnh trong vài năm gần đây. Pháp vươn lên chiếm được vị trí thứ 4  trong danh sách các nước được giới trẻ Việt Nam ưu tiên chọn để du học.

 

Theo thông tin tại Triển lãm du học Pháp mới tổ chức tại TPHCM, năm học 2002-2003 có 2.500 sinh viên Việt Nam du học tại Pháp, so với con số 1.200 ở năm học 1999-2000. Đối với du học Anh, cũng tăng gấp đôi năm 2002. 

 

Với du học Nga, sau một thời gian đóng cửa cũng đã hoạt động trở lại với khoảng gần 1000 người Việt Nam sang du học. Còn văn phòng đại diện cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức cho biết, trong khoảng  2.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đức, có 1/3 đi theo chương trình học bổng từ ngân sách Nhà nước Việt Nam, các tổ chức văn hóa giáo dục. Số còn lại là du học tự túc.

 

Công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh “lên ngôi”

 

Theo bà Lê Thị Vân Thơ, Giám đốc Tập đoàn giáo dục và đào tạo quốc tế ISC, hàng năm Tập đoàn đưa khoảng trên 100 em du học các nước. Ngành nghề các em lựa chọn du học hiện nay đa số là các ngành công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh. Trước kia lượng đi du học Newzealand, Úc, Anh, Thụy Sĩ rất đông, nhưng trong thời gian này lượng học sinh du học Singapore khá đông.

 

Bà Thơ cho biết, đi Singapore tuy phải chứng minh tài chính nhưng đơn giản, chỉ cần có sổ tiết kiệm và xác nhận nguồn thu nhập ổn định của cha mẹ. Sổ tiết kiệm khoảng 20.000 USD không cần phải gửi trước trong thời gian bao lâu. Trong khi đó đi Úc, Anh, sổ tiết kiệm đó phải phụ thuộc vào thời gian du học nước ngoài là bao nhiêu năm có những nước đòi hỏi phải gửi trước 3 tháng hoăc 6 tháng.

 

Xu hướng cho đi du học sớm hơn từ trước khi tốt nghiệp THPT ngày càng cao trong hai năm gần đây. Các phụ phụ huynh hiểu rất rõ, đối với một số nước, thời đIểm muộn nhất cho con đi du học là lớp 11 đứng về lợi ích kinh tế, thời gian và kiến thức. Tuy nhiên, theo phiếu thăm dò ý kiến tại triển lãm du học lần thứ 6 do VIECA tổ chức tại Hà Nội và TPHCM, có tới 48,9% là sinh viên đại học đến thăm quan triển lãm và có nhu cầu tìm hiểu thông tin về du học;  có 22,4% là người đang làm việc; đối với học sinh phổ thông chỉ chiếm có 22,5% và phụ huynh học sinh là 6,2%. Bà Thơ cho biết thêm, tại ISC số người đợi cho cho học hết lớp 12 mới cho đi du học chiếm đa số, khoảng trên 50%. Còn 30% đi du học từ THPT và 20% sau đại học.

 

Nên chọn hình thức nào khi du học?

 

Ngoài du học toàn phần rất phát triển trong những năm gần đây thì du học một phần (các trường đại học liên kết với các trường đại học nước ngoài để đào tạo bán du học) cũng đang phát triển. Kiểu du học này được sinh viên Việt Nam và các bậc phụ huynh ưa dùng bởi lẽ, theo họ đáng tin cậy hơn và còn có phần rẻ hơn.

 

Hình thức đào tạo xen kẽ này cũng là xu hướng của một số trường đại học ở Việt Nam. Đơn cử như, Đại học dân lập Quản trị - Kinh doanh Hà Nội thực hiện mô hình đào tạo đại học 3+ 1 (ta đào tạo 3 năm, phía bạn đào tạo một năm), bằng do đại học Deventer (Hà Lan cấp); học phí trong nước 4 triệu đồng/năm; học phí một năm học ở nước ngoài là 9.300 EURO.

 

Cũng là học tại Hà Lan nhưng đại học Grinvich (Anh) cấp bằng thạc sĩ khoa học với giá 13.000 EURO/năm và bằng thạc sĩ QTKD với giá 18.000 EURO/năm. Ngoài Hà Lan, ĐHDL Quản trị Kinh doanh Hà Nội còn hợp tác với Đài Loan và sắp tới hợp tác với một trường ĐH ở Mỹ với giá 36.000 USD cho hai năm học thạc sĩ (học sinh nào kém tiếng Anh có thể học thêm năm thứ ba).

 

Tương tự như ĐH Quản trị - Kinh doanh Hà Nội, ĐH dân lập Phương Đông cũng mở mô hình hợp tác với Singapore, sắp tới là với Australia... Ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng ĐHDL Phương Đông cho biết, đào tạo theo mô hình này chính là một cách để thử thách chất lượng đào tạo, một cách để hội nhập. Tại TPHCM, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TPHồ Chí Minh cho biết, trường có hẳn một trung tâm đào tạo quốc tế phụ trách chương trình đào tạo xen kẽ. Hiện đã hợp tác với 12 trường công lập của bang Oklahoma (Australia) và trường Houston Clear Lake (Texas, Mỹ) theo các công thức xen kẽ, cao học 1+1 ( một năm trong nước, một năm nước ngoài) và ĐH 2+2... Chương trình đào tạo của bạn, đội ngũ phải được bạn chấp nhận, hàng năm bạn sang kiểm tra, đầu vào toàn bộ bằng tiếng Anh...

 

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, nơi đã vào cuộc với hình thức du học một phần này  cũng phải khẳng định: Các trường ĐH có uy tín sẽ tìm đến các trường ĐH có uy tín để hợp tác và ngược lại. Song, không phải các trường ở nước ngoài đều có uy tín như nhau cả. Sinh viên Việt Nam đang học ở nước ngoài cũng khẳng định: Nếu học ở nước ngoài mà học phải một trường kém thì học ở trong nước còn chất lượng hơn bởi, ngay cả hàng nghìn trường ĐH ở Mỹ thì cũng chỉ có trường nào được kiểm định chất lượng và công nhận thì mới đáng tin cậy.

 

Mai Minh