Du học sinh Việt và lần nấu cơm chui đáng nhớ

Với Bình, những kỉ niệm đáng nhớ nhất thời sinh viên đều gắn với kí túc xá ở Đài Loan. “Nấu cơm chui” trong kí túc xá là kỉ niệm khiến Bình bật cười khi nhớ lại.

Lê Thanh Bình là cựu sinh viên ngành Đông phương học (Đại học Khoa học Huế). Năm 2011, Bình nhận học bổng của Đại học Khoa học Kĩ thuật Triều Dương (Đài Loan), chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng.

 

Cô gác lại ngành học Đông phương, đặt chân đến đảo quốc tươi đẹp, theo đuổi 1 lĩnh vực hoàn toàn mới. Bình hoàn thành chương trình cử nhân Tài chính – Ngân hàng vào năm 2014.

 

Với Bình, những kỉ niệm đáng nhớ nhất thời sinh viên đều gắn với kí túc xá ở Đài Loan. “Nấu cơm chui” trong kí túc là kỉ niệm khiến Bình bật cười khi nhớ lại.

 
Lê Thanh Bình.
Lê Thanh Bình.
 

Ở kí túc xá của Đại học Khoa học Kĩ thuật Triều Dương (Đài Loan), những sinh viên cùng đến từ 1 quốc gia được xếp ở cùng phòng. Quy định của kí túc xá là không được nấu ăn trong phòng.

 

Thanh Bình cho biết những món ăn ở Đài Loan đồ xào thường nhiều dầu mỡ, đồ luộc, hầm hay có thêm vị thuốc bắc. Sinh viên Việt Nam nhiều người không “thích ứng” được với kiểu ăn đó. Hồi mới sang, chưa quen khẩu vị, từ 48kg, Bình sụt xuống 43kg.

 

Không có điều kiện nấu nướng như các bạn ở trọ bên ngoài, không ăn quen các món ăn nước bạn, nỗi nhớ Việt Nam của Bình và những người bạn cùng phòng còn gắn với các món ăn Việt.

 

“Các thành viên trong phòng đến từ những tỉnh thành khác nhau nên câu chuyện về những món ăn cũng nhiều màu sắc, hương vị đặc trưng vùng miền”. Bình nhớ bún, phở Việt Nam, nhớ dưa cà mẹ muối, riêu cua mẹ nấu. Hơn cả là nhớ không khí ấm áp của những bữa cơm gia đình.

 

Cuối cùng, cái sự thèm và nhớ đồ ăn Việt chuyển hóa thành hành động. Cả phòng quyết định nấu chui một bữa cơm Việt Nam trong kí túc. Món “giả cầy” nhận được nhiều bình chọn nhất. Bữa cơm giả cầy ấy được chuẩn bị rất kì công.

 

Bình và bạn dậy từ sớm, bắt xe buýt ra tận chợ người Việt ở Đài Loan, cách kí túc 30 phút đi xe. Chỉ ở chợ người Việt mới có đầy đủ nguyên liệu thực phẩm. Trước đó cả tuần, các thành viên trong phòng chuẩn bị bếp, nồi niêu, bát đũa. Tất cả đều được đóng thùng, giấu kín dưới gầm giường.

 

Lúc bắt đầu nấu, cửa được chốt cẩn thận. Một thành viên trong phòng có nhiệm vụ “cảnh vệ”, phòng trường hợp nhân viên kí túc đi kiểm tra. Cửa sổ phòng tắm, quạt thông gió được mở hết cỡ để bay mùi. Đúng lúc mùi mắm tôm giềng sả bốc lên thơm nức mũi thì chuông cửa bấm liên hồi, dồn dập. Cả phòng tán loạn. Khi định thần lại, Bình bê nồi giả cầy vào phòng tắm. Các thành viên khác mau mải dọn chiến trường. Khi tất cả đã yên vị, "cảnh vệ" nhẹ nhàng mở cửa.

 

Trước cửa là cậu bạn cùng khu kí túc đến chơi, đang nhăn nhó thắc mắc vì phải đợi lâu. Cả phòng thở phào. Cậu bạn được mời lại thưởng thức bữa cơm Việt. Vì làm cả phòng thót tim nên chàng ta phải đi rửa bát để tạ tội.

 

Đó cũng là lần nấu chui duy nhất của phòng. “Vui thì vui thật nhưng cái lúc tiếng chuông cửa liên hồi thì tôi vẫn nhớ như in cảm giác chân tay rụng rời. Sau lần ấy, không ai dám nấu chui trên phòng nữa.

 

Chúng tôi luôn ý thức phải chấp hành, tuân thủ các quy định của trường học, kí túc cũng như luật pháp nước bạn. Đó là cách để du học sinh tạo lập và duy trì thiện cảm của người dân sở tại với người Việt”, Thanh Bình chia sẻ.

 

Lê Thanh Bình cũng cho biết, ban quản lí kí túc chú trọng và quan tâm đến đời sống sinh viên. Một tuần có 2 tối điểm danh không báo trước. Nếu vắng mặt 2 buổi ko lí do, ban quản lí sẽ lập danh sách gửi lên khoa.

 

Bình nhớ lần bão to năm 2012, sinh viên không đi mua đồ ăn được. Thầy cô quản lí trong kí túc đến từng phòng thăm hỏi và phát đồ ăn cho sinh viên.

 

Theo Thúy An

Tấm gương/Tiền phong