Du học sinh Việt trải lòng về học tập trên đất Mỹ
(Dân trí) - “Để thích nghi, đừng sợ bị cười. Để thành công, đừng sợ khác người!” là lời tâm sự chân thành của Phan Duy - một du học sinh Việt đang theo học ngành quản trị tại Đại học Houston, Texas, Mỹ.
Cùng quan điểm với Phan Duy là anh chàng Cao Ca Long, du học sinh ngành Khoa học máy tính, trường Đại học Dixie State, bang Utah (ngay cạnh Las Vegas). Trước khi qua Mỹ, cả 2 đều có thời gian học về công nghệ thông tin tại Việt Nam và cả 2 đều hiện thực hóa được “giấc mơ Mỹ” của mình.
Tuy không ít quốc gia trên thế giới có thế mạnh về đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) nhưng nhiều người vẫn mang trong mình “giấc mơ Mỹ” vì đơn giản nơi đây có cơ sở vật chất, môi trường tốt hơn để nghiên cứu và học tập.
Từ chuyện thích nghi với môi trường mới tại Mỹ
“Làm thế nào để thích nghi với môi trường mới?” là câu hỏi mà rất nhiều du học sinh và cả những người đang có ý định đến học tập tại đất nước khác đều đi tìm câu trả lời. Đa số người Mỹ họ sinh hoạt dựa trên thời tiết và môi trường, cũng như người Việt.
Nhưng với người Mỹ thời gian là vàng bạc. Bạn sẽ ít gặp hàng quán hay nhà hàng đông đúc và những tiếng cụng ly vào buổi tối các ngày trong tuần. Họ làm việc nghiêm túc và đòi hỏi phải có độ chính xác cao, luôn hoàn thành mọi thứ đúng thời hạn và không thể gia hạn khi bạn làm chưa kịp. Để thích nghi được bạn hoàn toàn phải hoạt động hết công suất: làm việc nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn.
Khi qua một đất nước phát triển, bạn sẽ quen với việc ngồi nghiên cứu trên thư viện hàng giờ đồng hồ. Bởi ở những đất nước này, sinh viên họ đều chủ động tự nghiên cứu, tự tìm tòi, học hỏi. Mà đây là điểm yếu của hầu hết sinh viên Việt Nam nên thời gian đầu, bạn sẽ khá lúng túng với phương pháp học tập này.
Bất đồng ngôn ngữ cũng là một vấn đề phải thích nghi. Để có thể hiểu và giao tiếp bạn cần kiên nhẫn và chịu học hỏi những gì người Mỹ làm. Người Việt Nam rất giỏi ngữ pháp, nhưng thế chưa đủ. Bạn có thể nói như viết 1 bài văn, nhưng không thể nghe và hiểu người ta nói gì.
Và đa số khi không hiểu, các bạn thường tự ti và nói nhỏ lại, khiến người khác không hiểu mình đang nói gì, càng ngày người Việt càng tự cô lập mình vì sợ bị cười chê. Đó là một sai lầm. Để thích nghi, đừng ngại bị cười.
Tuy nhiên theo Long chia sẻ: “Tiếng Anh của người Mỹ rất dễ nghe và dễ hiểu hơn một số nước khác trên thế giới nên bạn sẽ không mất nhiều thời gian để hòa nhập”.
Và khi tự lập ở 1 đất nước cách quê hương nửa vòng địa cầu, chênh lệch 10 giờ đồng hồ thì bạn sẽ phải tập làm quen với nỗi nhớ nhà ùa về bất cứ khi nào.
Long tâm sự “Ngày đầu tiên sang bị lạc mất hành lí mình lại không mang theo điện thoại nên không thể liên lạc với ai, khi đó nghĩ chỉ muốn quay về nhà thôi. Từ hồi sang tới giờ mình rất nhớ món ăn Việt nam.” Còn Phan Duy lại mang trong mình nỗi nhớ về bạn bè, cô bạn gái đang ở Việt Nam và mọi nẻo đường 2 người đã từng đi.
Từ nước Mỹ nhớ chuyện học ở Việt Nam
Cả Long và Duy trước khi qua Mỹ đều có thời gian học về CNTT tại Việt Nam. Khi được hỏi về thời gian học tập tại Việt Nam, Long chia sẻ: “Ở Việt Nam, mình học chuyên ngành lập trình viên quốc tế.
Trường cũ của mình thật đặc biệt. Bên cạnh truyền thụ kiến thức, thầy giáo và mình có thể chia sẻ mọi chuyện như các thành viên trong một gia đình. Từ khi mình qua Mỹ, thầy vẫn luôn quan tâm, hỏi thăm mình thường xuyên”.
Còn đối với Phan Duy, thời gian học ở Việt Nam tuy vất vả nhưng lại là quãng thời gian ngọt ngào nhất của tình bạn. Những ngày làm đồ án cùng cả nhóm: có thể thức đêm tới sáng, có thể cãi nhau, có thể là bị nhốt ngoài phòng trọ vì nhóm ngồi họp ở café và về muộn. Những lúc chạy đôn đáo khi gần tới hạn nộp sản phẩm và cả những lúc cả nhóm vui mừng vì đồ án được thầy và phía đối tác đánh giá cao.
Khi được hỏi về ưu điểm giữa ngôi trường đang học với môi trường học tập tại VN, Phan Huy khẳng định: “Không thể so sánh môi trường giáo dục ở Việt Nam và Mỹ được vì như thế là không công bằng với Việt Nam.
Nhưng so với mặt bằng chung ở Việt Nam thì mình rất tự hào về trường của mình: từ môi trường đến chất lượng đào tạo đều tuyệt vời. Sau khi tốt nghiệp còn được nhà trường giới thiệu việc làm”.
“Đa số các sinh viên bên đây khi mới bước vào trường đều không bằng so với sinh viên Việt Nam. Sự hiểu biết về CNTT của họ rất ít. Nhưng khi ra trường, mỗi người đều tiềm ẩn 1 năng lực riêng không ai biết được”, Phan Duy cho biết thêm.
Khánh Huyền